Dự và chủ trì hội nghị có ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp; lãnh đạo các Vụ Đào tạo thường xuyên; Vụ Đào tạo chính quy; Vụ Nhà giáo; Vụ Cơ sở vật chất và Thiết bị dạy nghề (Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp). Về phía các bộ, ngành có đại diện Văn phòng Chính phủ; đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng đại diện 15 tỉnh vùng Tây Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và hơn 200 đại biểu tham dự.
Báo cáo đề dẫn hội nghị, ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng vụ Đào tạo thường xuyên cho biết, đến tháng 9/2019, các cơ sở đào tạo nghề nghiệp đã tuyển sinh, đào tạo trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho trên 1,25 triệu người; trong đó đào tạo sơ cấp cho gần 500 nghìn người, các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho trên 750 nghìn người. Các trường cao đẳng, trung cấp đã tuyển sinh đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học trình độ cao đẳng, trung cấp cho trên 25 nghìn người; trong đó, trình độ cao đẳng cho trên 20 nghìn người, trình độ trung cấp cho gần 5 nghìn người. Ước cả năm 2019, cả nước tuyển sinh đào tạo trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác đạt khoảng 1,75 triệu người, đạt 102,9% kế hoạch và tuyển sinh đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học trình độ cao đẳng, trung cấp đạt khoảng 30 ngàn người.
Về kết quả, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đến hết tháng 9/2019 có trên 9,6 triệu lao động được học nghề; trong đó có 5,3 triệu người đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng theo chính sách của Đề án 1956. Sau học nghề, số người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn đạt trên 80,4%. Lao động nữ nông thôn được hỗ trợ học nghề chiếm 59,4% vượt mục tiêu đề ra. Gần 65% lao động nông thôn học nghề phi nông nghiệp để chuyển nghề; trên 35% lao động nông thôn học nghề nông nghiệp để tiếp tục làm nghề nông nghiệp có năng suất, thu nhập cao hơn. Các địa phương đã thống kê có gần 350 nghìn hộ nghèo có người tham gia học nghề có việc làm đã thoát nghèo, chiếm 61,5% số người nghèo tham gia học nghề; gần 300 nghìn hộ có người tham gia học nghề, có việc làm, thu nhập cao hơn mức thu nhập bình quân tại địa phương và trở thành hộ có thu nhập khá; gần 200 nghìn người sau học nghề đã thành lập tổ hợp tác, doanh nghiệp, hợp tác xã. Nhiều mô hình đào tạo nghề có hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, thực hiện mỗi làng một sản phẩm và thực hiện tiêu chí nông thôn mới.
Nhận thức của người dân về học nghề có sự chuyển biến căn bản, từ chỗ tham gia học nghề để được hỗ trợ tiền ăn, học cho biết chuyển sang học nghề để nắm bắt khoa học, kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, để có kiến thức, kỹ năng tìm việc làm có thu nhập cao, làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Tuy nhiên, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp cũng nhận thấy đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên, đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn nhiều khó khăn, bất cập như: Nội dung đặt hàng đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, lao động bị thu hồi đất canh tác có khó khăn về kinh tế không đạt mục tiêu của Đề án do nguồn kinh phí trung ương bố trí thấp hơn so với kế hoạch; kết quả, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn không đồng đều giữa các vùng trong cả nước; hoạt động đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề cho các trung tâm cấp huyện chưa được quan tâm và hiệu quả chưa cao; việc xác định danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn vẫn còn dàn trải, nhất là danh mục nghề nông nghiệp; một số địa phương chưa xây dựng, phê duyệt định mức chi phí đào tạo, xây dựng, phê duyệt chuẩn đầu ra cho các nghề đào tạo...
Để đạt được mục tiêu, nhiệm vụ đào tạo nghề các trình độ cho khoảng 1,5 triệu lao động, trong đó hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn trong giai đoạn từ năm 2021-2025, các đại biểu cho rằng, các địa phương cần rà soát, đánh giá và tổ chức tổng kết Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại địa phương, trong đó có sự so sánh, đánh giá kết quả đạt được so với mục tiêu trong Đề án, kế hoạch thực hiện, từ đó chỉ ra nguyên nhân, đề xuất kiến nghị triển khai thực hiện trong giai đoạn sau năm 2020; chỉ đạo xây dựng, phê duyệt, ban hành danh mục nghề đào tạo, định mức kinh tế kỹ thuật cho từng nghề, định mức chi phí đào tạo cho từng nghề đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng; xây dựng và ban hành chuẩn đầu ra và minh chứng kèm theo để làm cơ sở đặt hàng đào tạo. Rà soát, đánh giá lại hoạt động của các Trung tâm GDNN-GDTX sau sáp nhập. Xây dựng, phê duyệt mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại địa phương; chủ động bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước để triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Thực hiện lồng ghép, huy động có hiệu quả các nguồn lực từ các chương trình, dự án để cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương của Đề án để thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nghề cho người khuyết tật và lao động nữ.
Các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn các địa phương bố trí kinh phí để tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, các hoạt động trong năm 2020. Tập trung đào tạo nghề theo vị trí làm việc trong doanh nghiệp, các khu công nghiệp, làng nghề, thu hút doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, nông nghiệp; đào tạo nghề phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, gắn với thực hiện "Chương trình mỗi xã một sản phẩm - Chương trình OCOP"; xây dựng Dự án "Đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách thực hiện giảm nghèo bền vững" trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.