Quốc hội tiếp tục thảo luận về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025…
Cơ hội vươn lên thoát nghèo từ các chương trình mục tiêu quốc gia
Quan tâm đến 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, đại biểu Bế Minh Đức (đoàn Cao Bằng) nhấn mạnh: "Sau 5 năm triển khai thực hiện đã đạt nhiều kết quả nổi bật như báo cáo đã nêu, tôi xin không nhắc lại các số liệu.
"Kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần quan trọng vào thực và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 thể hiện quyết tâm chính trị lớn của Đảng và Nhà nước ta", vị đại biểu Đoàn Cao Bằng nhìn nhận.
Nói về việc vừa qua, Quốc hội đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và giai đoạn tiếp theo. Chính phủ đề xuất triển khai thực hiện đồng thời 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu cho rằng: "Tôi thấy rất phấn khởi".
"Vì nếu thực hiện như vậy thì vùng có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, vùng đồng bào DTTS sẽ có cơ hội vươn lên thoát nghèo nhờ các dự án đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia", đại biểu Bế Minh Đức nhấn mạnh.
Tránh trùng lặp về đối tượng địa bàn giữa các chương trình
Tuy nhiên, ông Bế Minh Đức lưu ý trong quá trình thực hiện, phải làm sao để tránh trùng lắp.
Đồng thuận, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (đoàn An Giang) thống nhất chuyển tiếp sang năm 2021 nhưng cần phải tổng kết, đánh giá, xác định các tiêu chí phù hợp trong tình hình mới hiện nay. "Đồng thời, tránh trùng lặp về đối tượng địa bàn giữa các chương trình gây lãng phí trong thời gian tới", đại biểu Tuyết nói.
Nhấn mạnh, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, theo đại biểu Võ Đình Tín (đoàn Đắk Nông), hai chương trình này nhằm tập trung nguồn lực để giải quyết những vấn đề lớn trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, đẩy mạnh giảm nghèo bền vững.
Cùng với đó, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới và hải đảo.
"Qua nghiên cứu, báo cáo của Chính phủ cho thấy, tính đến tháng 8/2020 số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 60,23%, vượt mục tiêu 10,23%... Nhiều tiêu chí quan trọng như lao động có việc làm, thu nhập, giáo dục, v.v. đã đạt được những kết quả rất khả quan", đại biểu nhấn mạnh.
Theo đại biểu Võ Đình Tín, nhờ đó cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn có sự chuyển biến tích cực, bộ mặt nông thôn có nhiều cải thiện rõ nét, lao động có việc làm và thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn ngày càng bền vững.
Giai đoạn 2016 - 2019: Số hộ nghèo giảm nhanh
Mặc dù trong điều kiện còn khó khăn, tổng nguồn lực huy động thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 2.965.199 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước chiếm 21,3%.
Đại biểu ghi nhận, số hộ nghèo đã giảm nhanh trong giai đoạn 2016 - 2019, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm đều qua các năm từ 9,88% cuối năm 2015, giảm còn 3,75% ở cuối năm 2019, bình quân trong bốn năm giảm 1,53%.
"Từ những kết quả trên cho thấy, đây là những cố gắng lớn của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua, đặc biệt là huy động nguồn lực để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm", đại biểu đoàn Đắk Nông nói.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, ông Tín nêu, một số chính sách giảm nghèo chưa được các địa phương ưu tiên bố trí nguồn lực. Mức hỗ trợ còn thấp đã ảnh hưởng tới việc hoàn thành mục tiêu cụ thể của chương trình.
Lồng ghép các chương trình để đồng bộ, hiệu quả
Với các kết quả đó, đại biểu Võ Đình Tín khẳng định, việc tiếp tục đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, NTM và chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi "là hết sức cần thiết".
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, cải thiện hơn nữa đời sống của nhân dân trong những năm tiếp theo, theo đại biểu, cần ban hành quy chuẩn nghèo để phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực thực tế, thực hiện chính sách giảm nghèo giai đoạn mới, giai đoạn 2021 - 2025.
Xác định tiêu chí hộ nghèo một cách thực chất, công khai, minh bạch, tránh tình trạng xác định tiêu chí hộ nghèo đa chiều không rõ ràng nhằm đảm bảo cân đối nguồn lực, thực hiện chính sách giảm nghèo một cách bền vững
Song song, rà soát kỹ đối tượng, nội dung chính sách địa bàn thực hiện các hợp phần dự án, tiểu dự án của các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025;
Đối với các địa bàn DTTS và miền núi thì xem xét có thể lồng ghép các chương trình này để có chủ trương đầu tư đồng bộ và hiệu quả hơn.