Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Thời sự

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn): Cần tăng cường giám sát lĩnh vực tư pháp

(Dân sinh) - Ngày 26/3, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, cần tăng cường giám sát lĩnh vực tư pháp.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cũng đánh giá cao việc Quốc hội Khóa XIV đã chú trọng hơn nhiệm vụ giám sát văn bản quy phạm pháp luật. Sau nhiều nhiệm kỳ hoạt động thì trong nhiệm kỳ này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giúp cho Quốc hội ban hành và triển khai Nghị quyết giám sát tổng thể hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong đó, có các văn bản thuộc lĩnh vực tư pháp.

Với mong muốn có được một hệ thống pháp luật đồng bộ khả thi thì quá trình giám sát vừa qua, các cơ quan của Quốc hội vào các cơ quan tư pháp cũng đã rà soát kỹ lưỡng và đã thẳng thắn chỉ ra những vướng mắc, thiếu sót ở phần luật và những vướng mắc, chậm trễ ở văn bản hướng dẫn, từ đó, đã ghi nhận để thực hiện khắc phục chung. Sau giám sát, đã có nhiều hạn chế được khắc phục ngay nhưng còn nhiều hạn chế tiếp tục được ghi nhận, có tổng kết kỹ và sẽ có cách xử lý trong thời gian tới.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn): Cần tăng cường giám sát lĩnh vực tư pháp  - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) phát biểu.

Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã chú trọng theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị ở giai đoạn hậu giám sát. Với phương châm "theo đến cùng đối với vấn đề được đưa ra giám sát", trong nhiệm kỳ vừa rồi, sau mỗi phiên thẩm tra, phiên giải trình hoặc là sau các cuộc giám sát chuyên đề, Ủy ban Tư pháp đều tập hợp các kiến nghị gửi các cơ quan tư pháp. Các cơ quan tư pháp đã có thái độ rất nghiêm túc, cầu thị trong việc thực hiện các kiến nghị Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Ngay sau khi nhận được kiến nghị, đều ban hành kế hoạch để triển khai thực hiện kiến nghị và gửi cho Ủy ban Tư pháp để theo dõi.

"Trải qua một nhiệm kỳ hoạt động, với việc chấp hành nghiêm sự lãnh đạo của Đảng và tuân thủ sự giám sát của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội thì nhiều việc khó đã có những chuyển biến tích cực, đáng ghi nhận. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp đã thể hiện đánh giá này với các cơ quan tư pháp", bà Thủy khẳng định.

Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, bà Thủy cho rằng, Quốc hội đã có rất nhiều thành tựu nổi bật, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước trong đó có sự phát triển của hệ thống tư pháp. Để tiếp tục phát huy những thành tựu, bà Thủy kiến nghị Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tăng cường giám sát lĩnh vực tư pháp để cùng với các cơ quan công tác thực hiện tốt mục tiêu không để xảy ra oan, sai và không để xảy ra bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật.

Các cơ quan của Quốc hội vào các đại biểu Quốc hội, trong quá trình giám sát lĩnh vực tư pháp cùng với việc chỉ ra những hạn chế, tồn tại thì cũng cần quan tâm hơn đến những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan tư pháp để kịp thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ để giúp các cơ quan này hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, qua hoạt động giám sát của Quốc hội đã góp phần tăng cường sự công khai, minh bạch của lĩnh vực tư pháp. Có thể nói, nhiều nhiệm kỳ trước đây, thậm chí là hai năm đầu của nhiệm kỳ này, báo cáo công tác của một số cơ quan tư pháp gửi Quốc hội vẫn đóng dấu mật.

Việc đóng dấu mật như vậy, một mặt làm khó cho các Ủy ban của Quốc hội khi tiến hành thẩm tra, giám sát; mặt khác lại làm khó cho các đại biểu Quốc hội khi thảo luận và phát biểu ý kiến tại nghị trường, nhất là khi muốn đánh giá kỹ lưỡng, chi tiết về một vấn đề cụ thể. Người dân cũng khó có thể có được những thông tin đầy đủ về hoạt động tư pháp.

Tuy nhiên, sau nhiều phiên trao đổi, thảo luận và làm việc kỹ lưỡng với các cơ quan tư pháp, bà Thủy cho biết, 3 năm trở lại đây, tất cả các báo cáo công tác của khối các cơ quan tư pháp gửi Quốc hội đều đã bỏ dấu mật. Các thông tin, số liệu thuộc diện mật theo quy định của pháp luật đã được rà soát để đưa riêng vào phụ lục.

Thậm chí, trong nhiệm kỳ Khóa XIV, Quốc hội còn bố trí một phiên thảo luận về tư pháp và phát thanh truyền hình trực tiếp với các cử tri. "Những đổi mới, công khai, minh bạch như vậy đã tạo điều kiện để các cử tri có được những thông tin đầy đủ, từ đó đánh giá khách quan về hoạt động tư pháp, cũng như chia sẻ những khó khăn, vất vả của các cơ quan tư pháp. Việc công khai, minh bạch đã đặt ra yêu cầu các đại biểu Quốc hội phải hoạt động chất lượng hơn, trách nhiệm hơn. Đặc biệt đã tạo ra áp lực với cơ quan tư pháp phải luôn phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao giao", bà Thủy nói.

Cùng với đó, Quốc hội đã giao chỉ tiêu cho lĩnh vực tư pháp cao hơn và chặt chẽ hơn so với nhiệm kỳ trước. Trong lịch sử hoạt động của Quốc hội, lần đầu tiên nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về tư pháp và giao chỉ tiêu cho từng hoạt động.

Trải qua một nhiệm kỳ hoạt động trong nhiệm kỳ Kkhóa XIV vào năm 2019, Quốc hội đã tiến hành tổng kết và sửa các Nghị quyết về tư pháp theo hướng: Đã tích hợp tất cả những Nghị quyết về tư pháp vào một Nghị quyết chung để thuận cho việc áp dụng; đã giao chỉ tiêu cao hơn đối với nhiều hoạt động; đưa ra các định lượng cụ thể đối với những chỉ tiêu mà trước đây còn giao chung. Trong điều kiện số lượng án tăng mạnh so với nhiệm kỳ trước và biên chế phải giảm so với yêu cầu chung, bà Thủy cho rằng, đây là áp lực rất lớn đối với các cơ quan tư pháp. Tuy nhiên, đây cũng là đòi hỏi của Nhân dân về một nền tư pháp ngày càng hiệu quả hơn. Về quá trình giao chỉ tiêu, Quốc hội đã thảo luận nhắc kỹ lưỡng các mặt. Một mặt là để bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế nhưng vẫn tạo động lực để các cơ quan công tác phấn đấu cao hơn.