Trường hợp bệnh nhân số 31 của giáo phái Tân Thiên Địa ở Hàn Quốc năm 2020 bị nhiễm bệnh nhưng vẫn tham gia sinh hoạt tôn giáo đã làm lây nhiễm cho hầu hết tín đồ của giáo phái này và cộng đồng xã hội. Gần 60% số ca nhiễm ở Hàn Quốc năm 2020 có liên quan đến bệnh nhân là tín đồ của giáo phái Tân Thiên Địa.
Đầu năm 2021 Lễ hội tôn giáo tại Kumbh Mela một thành phố phía bắc Ấn Độ bên bờ sông Hằng thu hút hàng triệu người theo đạo Hindu hành hương với nhận thức "sẽ không ai bị ngăn cản vì Covid 19, vì chúng tôi tin rằng niềm tin vào thần linh sẽ chiến thắng nỗi sợ virus" đã đưa Ấn Độ đến khủng hoảng trầm trọng do Covid. Sự kiện nay đã đẩy số ca nhiễm bệnh tăng 1.800% trong 25 ngày tại bang Kumbh. Mỗi ngày Ấn Độ có 360.000 ca nhiễm và số ca tử vong là 3.200 người.
Cựu Thư ký Bộ y tế và phúc lợi gia đình Ấn Độ đã phát biểu "Đó là một sai lầm rất tồi tệ và chúng tôi đã phải trả giá, một cái giá cực kỳ đắt cho sự buông lỏng đó"; K Srinath Reddy Chủ tịch Quỹ y tế Công cộng tại Ấn Độ đã nói "Ấn Độ bước vào chế độ ăn mừng toàn diện. Và virus đã cùng con người đến ăn mừng với các đám đông"(1). Vài sự kiện thôi nhưng cho thấy bài học đắt giá từ việc tu tập đông người, trong đó có sự tập trung ở các cơ sở tôn giáo trong mùa dịch.
Ở Việt Nam, đại dịch đã làm thay đổi căn bản các hoạt động tôn giáo. Trước đại dịch tín đồ thực hiện nhu cầu tôn giáo một cách thường xuyên ở phạm vi gia đình, cơ sở tôn giáo. Tín đồ được bày tỏ đức tin, được chức sắc, chức việc, nhà tu hành hướng dẫn thực hiện các nghi lễ tôn giáo, được thỏa mãn nhu cầu tâm linh. Tín đồ đến cơ sở tôn giáo còn để giao lưu văn hóa, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, là nơi mà mọi thông tin về cộng đồng làng, xã, đất nước được chia sẻ và tiếp nhận.
Tuy nhiên, trong đại dịch thì sự tập trung hàng trăm, hàng nghìn người tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo là một hiểm họa khôn lường nếu có tín đồ nhiễm bệnh. Trường hợp sinh hoạt tôn giáo tập trung của "Hội thánh truyền giáo Phục hưng" tại Thành phố Hồ Chí Minh đã lây nhiễm cho 653 F0 (riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh có 635 F0) ở 21/22 quận, huyện của TP. Hồ Chí Minh và 15 tỉnh, thành phố khác bị ảnh hưởng; trường hợp lây nhiễm Covid-19 liên quan đến Viện Thánh kinh Thần học thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) theo thống kê ban đầu có 301 ca F0, chủ yếu các tín đồ là học viên; 61 tu sĩ Dòng Đa minh Phú Cường bị lây nhiễm, 29 người của cộng đồng Hồi giáo tỉnh Tây Ninh bị nhiễm… đây là bài học cho việc chủ quan trong công tác phòng chống dịch.
Hiện tại, hầu hết các tôn giáo đều có tín đồ bị nhiễm bệnh và có tín đồ, chức sắc, nhà tu hành tử vong vì Covid - 19. Hoạt động tôn giáo chuyển từ tập trung sang hình thức trực tuyến đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tâm linh của tín đồ. Điều này cũng chính là lời nhắc nhở tới các tổ chức và cá nhân tôn giáo về dịch bệnh không phân biệt thành phần, tôn giáo nào trong xã hội.
TS. Lê Thị Liên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách tôn giáo (Ban Tôn giáo Chính phủ) khẳng định: "Chỉ niềm tin tôn giáo là không đủ để phòng chống sự lây lan của bệnh dịch, mà cần sự quyết tâm hành động chung của toàn xã hội, chỉ khi ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tôn giáo được nâng cao trong việc tuân thủ quy định phòng chống dịch thì dịch bệnh mới được đẩy lùi, các tổ chức tôn giáo mới giữ được chức sắc, tín đồ và đời sống tôn giáo mới thực sự hồi sinh".