Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức thi đánh giá năng lực cho 10.000 thí sinh

Đại học Quốc gia Hà Nội đang chuẩn bị tổ chức thi đánh giá năng lực trở lại để tuyển sinh đầu vào ngay trong kỳ tuyển sinh năm 2021.


ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức thi đánh giá năng lực cho 10.000 thí sinh - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Năm 2021, đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức thi đánh giá năng lực với quy mô 10.000 thí sinh, chia làm 4, 5 đợt thi từ tháng 5 đến tháng 10.

Về phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2021, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ tiếp tục ổn định và sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Đồng thời, tiếp tục mở rộng, điều chỉnh đối tượng xét tuyển thẳng với học sinh đạt kết quả thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thí sinh thuộc các trường THPT chuyên ngoài có kết quả học tập loại giỏi và kết quả thi tốt nghiệp THPT đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của ngành.

Bên cạnh đó, trường sẽ thực hiện tổ chức thi và xét tuyển kết quả bài thi đánh giá năng lực học sinh THPT. ĐH Quốc gia Hà Nội đã và đang chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, năng lực để xây dựng lộ trình tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực học sinh nhằm phục vụ công tác tuyển sinh. Việc tuyển sinh theo phương thức đánh giá năng lực được áp dụng cho 81 chương trình đào tạo và phương thức xét tuyển mở rộng được áp dụng cho 16 chương trình đào tạo.

ĐH Quốc gia Hà Nội từng tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực vào năm 2015, 2016. Các thí sinh hoàn thành bài thi đánh giá năng lực trong một buổi thi của mỗi đợt thi. Kết quả thi được thông báo ngay sau khi thí sinh hoàn thành bài thi. Giấy chứng nhận kết quả thi được gửi cho thí sinh sau 3 tuần kể từ ngày dự thi.

Thi đánh giá năng lực cho học sinh THPT là kỳ thi đa mục tiêu, trong đó các cơ sở đào tạo của ĐH Quốc gia Hà Nội có thể sử dụng kết quả kỳ thi này như phương thức để xét tuyển đại học. Các đơn vị đào tạo sẽ cân nhắc, xác định rõ tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển đại học đối với các thí sinh sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực.

Các phương thức tuyển sinh dự kiến vào Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2021, gồm: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; Xét tuyển đối với các thí sinh có kết quả thi THPT năm 2021; Học sinh tốt nghiệp THPT hoặc tương đương và có điểm thi SAT hoặc ACT theo quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội; Thí sinh tốt nghiệp THPT và có chứng chỉ quốc tế A-Level theo quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội; Thí sinh tốt nghiệp THPT và có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (IELTS, TOEFL,..), kết hợp với điểm 2 môn thi trong tổ hợp xét tuyển của ngành/CTĐT (trong đó bắt buộc phải có môn Toán hoặc Ngữ văn); Thí sinh có kết quả thi đánh giá năng lực đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của từng ngành cụ thể; Thí sinh là người nước ngoài hoặc người Việt Nam học tập THPT tại nước ngoài (xét tuyển theo quy định riêng của Đại học Quốc gia Hà Nội về xét tuyển người nước ngoài).

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, theo Luật Giáo dục Đại học, việc tuyển sinh nằm trong quyền tự chủ của các ĐH. Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường tổ chức theo nhóm, kết quả sử dụng chung cho nhiều trường để thí sinh không phải dự nhiều kỳ thi. Điều này giúp tiết kiệm nguồn lực, thời gian và chi phí cho cả thí sinh và các trường.


Tin liên quan
10 lợi ích của việc học ngoại ngữ

10 lợi ích của việc học ngoại ngữ

(VTE) - Trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, việc học ngoại ngữ đã trở thành một nhu cầu thiết yếu đối với mỗi người.