Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Thời sự

Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố Hà Nội: Tiếp tục tập trung phát triển kinh tế với đảm bảo an sinh xã hội

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XVI đã đề ra với những kết quả khá toàn diện. Đây là tiền đề quan trọng để thành phố Hà Nội thực hiện các mục tiêu trong nhiệm kỳ 2020-2025, đặc biệt là gắn phát triển kinh tế nhanh, bền vững với bảo đảm an sinh xã hội.

Thúc đẩy kinh tế số và xây dựng đô thị hiện đại

Theo dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội, kinh tế liên tục tăng trưởng và đạt mức khá trong cả nhiệm kỳ. Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,39%, đạt mục tiêu đề ra (từ 7,3-7,8%), cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (6,93%). Năm 2020, quy mô GRDP ước đạt 1,06 triệu tỷ đồng, khoảng 45 tỷ USD; GRDP bình quân đầu người ước đạt 5.420 USD, tăng 1,5 lần so với năm 2015, gấp 1,8 lần bình quân cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng hiện đại, tỷ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng; khu vực nông nghiệp giảm còn 2,09%. Tăng trưởng khu vực dịch vụ bình quân 7,12%/năm.

Trong đó, du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có mức tăng doanh thu 12,1%/năm; năm 2019 đón hơn 7 triệu khách quốc tế - Hà Nội nằm trong top 10 điểm đến hàng đầu thế giới. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2020 ước đạt 48,47 tỷ USD, tăng 1,34 lần so với năm 2015. Kim ngạch xuất khẩu tăng trung bình 9,0%/năm, cao hơn 1,7 lần giai đoạn 2011 - 2015. Hoạt động của các tổ chức tín dụng đạt kết quả tích cực, vốn huy động liên tục tăng, bảo đảm đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh.

Khu vực công nghiệp tăng bình quân 8,3%/năm, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng chủ yếu (khoảng 91%). Một số lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao đã có bước phát triển khá như: Điều khiển kỹ thuật số, tự động hóa, robot, nano, plasma, laser, công nghệ sinh học. Hà Nội luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về doanh thu công nghiệp ICT (năm 2019 đạt gần 300 nghìn tỷ đồng), với 16.000 doanh nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn và có 2 trên tổng số 5 khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung của cả nước. Nhiều sản phẩm công nghệ cao, thiết bị thông minh được sản xuất tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Hạ tầng khu, cụm công nghiệp tiếp tục được phát triển; đã có 17 khu công nghiệp, khu công nghệ cao; 70 cụm công nghiệp đang hoạt động ổn định, 43 cụm công nghiệp mới. Tiểu thủ công nghiệp được khuyến khích phát triển; đã có 1.350 làng nghề và làng có nghề, thu hút hàng chục nghìn lao động. Ngành xây dựng tăng trưởng vượt trội với tốc độ trung bình 11,65%/năm, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (6,49%), tỷ trọng trong GRDP tăng từ 6,42% năm 2015 lên 7,78% năm 2020, góp phần quan trọng tạo diện mạo đô thị mới, hiện đại cho Thủ đô.

Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được này, Báo cáo chính trị cũng đã đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong 5 năm tới nhằm tiếp tục phát triển kinh tế nhanh và bền vững Thủ đô. Trong đó, đáng chú ý là việc thực hiện các giải pháp đồng bộ, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế Thủ đô dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng.

Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố Hà Nội: Tiếp tục tập trung phát triển kinh tế với đảm bảo an sinh xã hội - Ảnh 1.

Khu vực Đoan Môn, Hoàng thành Thăng Long. là điểm tham quan hấp dẫn du khách Ảnh: TTXVN.

Cụ thể, thành phố sẽ tiếp tục cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới toàn diện mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Cùng với đó là đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, nâng cao tỷ trọng đóng góp kinh tế số trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) lên khoảng 30% vào năm 2025. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế quản lý phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số.

Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư, trọng tâm là đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế; phát triển và lấp đầy các khu công nghệ cao, khu - cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề; tạo bước đột phá phát triển về các ngành, nghề thủ công truyền thống gắn với bảo đảm môi trường... Đồng thời, tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp làng nghề, các ngành tạo sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, có khả năng cạnh tranh; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp sạch, tiêu hao năng lượng thấp.

Với vai trò là trung tâm, Hà Nội tiếp tục tập trung phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng cơ cấu lại toàn ngành cả về hạ tầng, môi trường, hoạt động kinh doanh, sản phẩm du lịch...

Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 trở thành trung tâm thương mại lớn về giao thương và kinh tế của cả nước, khu vực Đông Nam Á. Thành phố sẽ đẩy mạnh khai thác lợi thế từ các hiệp định thương mại, lợi thế địa kinh tế của thành phố thông qua phát triển và vận hành trung tâm lưu chuyển hàng hóa, trung tâm logistics, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thương mại.

Cùng với đó, Hà Nội khuyến khích các tổ chức kinh doanh dịch vụ hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, bán hàng qua mạng, trung tâm tài chính, thương mại quốc tế, trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia và quốc tế, trung tâm dịch vụ tài chính - ngân hàng, tư vấn pháp lý, giáo dục, đào tạo, y tế chất lượng cao...

Để phát triển kinh tế bền vững, nông nghiệp sẽ tập trung phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và vệ sinh an toàn thực phẩm, gắn với nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, hiện đại hóa nông thôn và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Hà Nội thực hiện bài bản, quyết liệt, sáng tạo Chương trình 04-CTr/TU, coi văn hóa là nền tảng tinh thần, sức mạnh mềm, trung tâm trong chính sách phát triển bền vững Thủ đô. Hà Nội là địa phương đầu tiên hoàn thành tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại di tích và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể với 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Hà Nội chú trọng khai thác tiềm năng, thế mạnh văn hóa, nhất là gắn với phát triển kinh tế du lịch. Nhiều di sản văn hóa trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn.

Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở được các cấp chính quyền tại Hà Nội quan tâm đầu tư. Chi đầu tư phát triển văn hóa tăng 30% so với nhiệm kỳ trước. Đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ Thủ đô được chăm lo, phát huy. Hoạt động nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp có nhiều khởi sắc, với nhiều sản phẩm có chất lượng cao đứng đầu tại các cuộc thi nghệ thuật toàn quốc. Phong trào văn hóa, nghệ thuật quần chúng tiếp tục phát triển. Giao lưu văn hóa trong nước, quốc tế được mở rộng; nhiều sự kiện văn hóa nghệ thuật lớn, uy tín, chất lượng cao được tổ chức tại Thủ đô.

Hà Nội là địa phương đầu tiên của Việt Nam chính thức trở thành thành viên mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của UNESCO - một động lực quan trọng cho đổi mới sáng tạo, xây dựng thành phố thông minh, năng động và bền vững, nâng cao vị thế, tạo dựng hình ảnh hấp dẫn mới cho Thủ đô. Hà Nội tổ chức phố sách, phát triển văn hóa đọc; khai thác có hiệu quả các không gian văn hóa sáng tạo cộng đồng (phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố bích họa Phùng Hưng,…), trở thành sản phẩm văn hóa - du lịch nổi bật của Thủ đô.

Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được Thành ủy tập trung chỉ đạo, với nhiều giải pháp, mô hình thiết thực; xây dựng các mô hình làng văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa dần đi vào thực chất. Giáo dục truyền thống lịch sử địa phương; nếp sống thanh lịch, văn minh được tăng cường. Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có nhiều tiến bộ. Việc ban hành, thực hiện quy tắc ứng xử nơi công sở và nơi công cộng, tạo được chuyển biến từ nhận thức đến hành động, góp phần bồi đắp nền tảng văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Về mục tiêu phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn tới, Báo cáo chính trị cũng nhấn mạnh việc Thành phố thực hiện phát triển hài hòa giữa văn hóa và kinh tế, trong đó, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức đúng, hiểu biết sâu sắc, toàn diện về công nghiệp văn hóa. Tiếp tục kiên trì mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, hình thành hệ giá trị văn hóa mới phù hợp với xu thế thời đại gắn với phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của 1010 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố Hà Nội: Tiếp tục tập trung phát triển kinh tế với đảm bảo an sinh xã hội - Ảnh 2.

Biểu diễn múa rồng trên phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: TTXVN

Đồng thời, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, trong việc cưới, việc tang, lễ hội; nâng cao hiệu quả thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội.

Về phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong nhiệm kỳ tới, thành phố phấn đấu khám sức khỏe định kỳ hằng năm cho tất cả người dân. Trong đó, chú trọng đến khả năng dự báo, giám sát, phát hiện, năng lực ứng phó, khống chế các dịch bệnh.

Công tác bảo đảm an sinh xã hội, công tác dân số - gia đình, chăm sóc trẻ em và người cao tuổi, thực hiện bình đẳng giới cũng được thành phố tiếp tục quan tâm. Phấn đấu đến năm 2025, tuổi thọ trung bình của người dân đạt 76,5 tuổi, cao hơn 2 tuổi so với bình quân chung cả nước. Đồng thời chú trọng thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em; bảo đảm trẻ em, nhất là trẻ em nghèo, đối tượng chính sách và có hoàn cảnh đặc biệt được thụ hưởng đầy đủ các quyền lợi.

Bên cạnh đó, Hà Nội thực hiện đồng bộ các chính sách xã hội, tập trung cho mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa thành thị và nông thôn. Đồng thời, phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân về bảo hiểm y tế, mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách, chủ động bố trí nguồn lực và tăng khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội, nhất là y tế, giáo dục, dạy nghề, trợ giúp pháp lý, nhà ở... Đặc biệt, thường xuyên quan tâm, chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách, người có công, người cao tuổi, hộ thu nhập thấp, đối tượng bảo trợ xã hội.

Nhìn tổng thể, Hà Nội thực hiện gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân là cơ sở để Thủ đô phát triển bền vững trong giai đoạn tới.