Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X: Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

(Dân sinh) - Với chủ đề: "Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X đã khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội sáng 10/12. 2.300 đại biểu đã về dự Đại hội, gồm: 280 đại biểu khách mời; 2.020 đại biểu chính thức, được lập thành 133 đoàn đại biểu.

Dự Đại hội có: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng.

Cùng dự có: Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh - Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Trưởng Ban Tổ chức Đại hội; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các thành viên Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương, thành viên Ban Tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X…

Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X: Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc - Ảnh 1.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến dự Đại hội.

"Chúng ta đã làm những việc mà thế giới cảm động, khâm phục"

Phát biểu khai mạc Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương khẳng định: "Ngày nay, cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước ta có được là kết tinh của nhiều phong trào thi đua sôi nổi, bao gồm cả những cống hiến và hi sinh thầm lặng ở mọi cấp, mọi ngành, mọi tầng lớp xã hội".

Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, so với 9 kỳ đại hội trước, số lượng đại biểu tham dự đại hội lần này là đông nhất. Điều này thể hiện phong trào thi đua yêu nước của chúng ta ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, những tấm gương thi đua điển hình của nước ta ngày càng nhiều. Tuy nhiên, con số dù có lớn thế nào cũng không thể đại diện hết được những thành quả sâu sắc và toàn diện mà các phong trào thi đua đã giành được trong những năm qua.

5 năm qua, phong trào thi đua yêu nước đã phát triển ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng chưa từng thấy, với nhiều nội dung phong phú, hình thức sinh động. "Chúng ta đã thấy nhiều hình ảnh cảm động, nhân văn, những tấm gương đa dạng trong nhiều lĩnh vực, từ người chiến sĩ lực lượng vũ trang đến người dân, người già, trẻ nhỏ đều có tấm lòng đối với đất nước trong lúc khó khăn, dịch bệnh diễn ra. Chúng ta đã làm những việc mà thế giới cảm động, khâm phục", Thủ tướng nhấn mạnh.

Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X: Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc - Ảnh 2.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Đại hội.

Thủ tướng khẳng định: Các phong trào thi đua của chúng ta đã góp phần quan trọng vào việc động viên sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, khơi dậy được tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc; hun đúc ý chí mạnh mẽ, khát vọng hùng cường của dân tộc ta. Thi đua giờ đây đã trở thành điều rất quen thuộc trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Tinh thần thi đua, vượt lên chính mình chính là cội nguồn sức mạnh của sự phát triển.

Mặc dù còn những tồn tại, hạn chế và gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhờ sự nỗ lực rất lớn và quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật, tô đậm thành tựu của 35 năm đổi mới với những bước tiến vượt bậc. Liên tiếp trong 4 năm 2016-2019, chúng ta đã thi đua hoàn thành xuất sắc các mục tiêu kinh tế-xã hội đề ra, đứng trong tốp 10 nước tăng trưởng cao nhất thế giới, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất.

Năm 2020 đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử 100 năm gần đây của nhân loại khi đại dịch COVID-19 gây ra những tác hại vô cùng lớn đến kinh tế và sự xáo trộn trong đời sống xã hội của hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Tuy nhiên, nhờ sự đoàn kết, đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của sự hòa quyện giữa "ý Đảng và lòng dân", chúng ta đã thi đua và giành thắng lợi trong việc thực hiện "mục tiêu kép", vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế.

Đến thời điểm hiện nay, khi nhiều nước trong khu vực và trên thế giới bị rơi vào suy thoái sâu, Việt Nam là nền kinh tế vẫn duy trì được tăng trưởng dương. Dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, giảm thiểu số người chết và những thiệt hại về kinh tế, an sinh xã hội được bảo đảm, văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đạt nhiều kết quả ấn tượng.

"Từ đây chúng ta hiểu thêm rằng, mức độ thành công được xác định không chỉ bởi những gì chúng ta đã đạt được mà bởi cả những trở ngại chúng ta đã vượt qua", Thủ tướng nói.

Thủ tướng nêu rõ, trong mỗi chặng đường phát triển của đất nước, phong trào thi đua yêu nước như những làn sóng trào dâng, kết tinh sức mạnh, mang theo khí thế lịch sử hào hùng của cha ông và dân tộc ta. Thi đua là động lực thúc đẩy mỗi cá nhân tự làm mới mình, luôn nỗ lực ngày thêm tiến bộ, tự giác vươn lên giành lấy thành quả mới trong lao động, học tập, sản xuất kinh doanh. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: "Thi đua, khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới". Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X là dấu mốc quan trọng đánh dấu bước phát triển mới trên cơ sở tiếp nối và phát huy những truyền thống tốt đẹp và những thành quả quý báu trong suốt 72 năm qua.

Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X: Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc - Ảnh 3.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội dự Đại hội.

Dấu ấn từ những phong trào thi đua yêu nước

Thấm nhuần tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện lời dạy của Người "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất", trong 5 năm qua, được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương, các phong trào thi đua trên cả nước đã phát triển mạnh mẽ…

Trong 5 năm qua, các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực tiếp tục phát triển sâu rộng, nhất là từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 xảy ra trên toàn cầu đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, xã hội của các quốc gia, trong đó có Việt Nam; thực hiện lời dạy của Bác "Càng khó khăn thì càng phải thi đua", hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, các ngành, các cấp và nhân dân cả nước đã ra sức thi đua phấn đấu, chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra, kiểm soát được đại dịch và phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động đã trở thành nòng cốt trong phong trào thi đua của cả nước, được các cấp, ngành, các địa phương và đông đảo quần chúng nhân dân hưởng ứng tham gia.

Trong đó, phong trào có hiệu quả thiết thực nhất và để lại dấu ấn, làm thay đổi bộ mặt, diện mạo của nông thôn Việt Nam trong thời gian qua là phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới". Hàng loạt mô hình mới, sáng tạo được thực hiện hiệu quả và nhanh chóng được nhân rộng ra cả nước như: Mô hình "Mỗi xã một sản phẩm" xuất phát từ tỉnh Quảng Ninh được nhân rộng thành Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2018-2020; mô hình "Xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu" tại tỉnh Hà Tĩnh, Phong trào "Sáng, xanh, sạch đẹp" của các tỉnh Đồng bằng sông Hồng; phong trào "Cánh đồng mẫu lớn có sự liên kết 4 nhà" của các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long và Đông Nam bộ; phong trào "Điểm sáng biên giới" của các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc; phong trào "Làng quê không rác thải," "Đường hoa thay cỏ dại" ở các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên...

Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X: Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc - Ảnh 4.

Toàn cảnh Đại hội.

Trong 10 năm, hàng vạn hộ gia đình đã tự nguyện hiến gần 45 triệu m2 đất, đóng góp hàng chục nghìn tỷ đồng và gần 60 triệu ngày công lao động để xây dựng các công trình công cộng, phúc lợi ở địa phương, góp phần về đích sớm gần 2 năm các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020. Đó là 61% xã, 26% đơn vị cấp huyện và 12 tỉnh, thành phố có 100% xã về đích nông thôn mới; một số nơi đã xây dựng được mô hình nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và đang nhân rộng để phấn đấu đến 2025 đạt 10% số xã nông thôn mới kiểu mẫu như dự thảo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra.

Phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau" với sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực vươn lên của các hộ gia đình đã được triển khai ở tất cả các vùng, miền, địa phương trong cả nước, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo của cả nước xuống dưới 3%; so với đầu nhiệm kỳ có 32,5% xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, 50% huyện thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Phong trào "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển" được triển khai hiệu quả, khuyến khích khởi nghiệp, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Trong 5 năm qua, hơn 630.000 doanh nghiệp thành lập mới và ngày càng nhiều các doanh nghiệp đạt các danh hiệu "Doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ công nhận Thương hiệu quốc gia", "Doanh nghiệp vì người lao động"...

Phong trào "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở" góp phần xây dựng hình ảnh người cán bộ, công chức, viên chức tận tụy, trách nhiệm, chuyên nghiệp, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Thi đua sâu rộng trên mọi lĩnh vực

Bên cạnh các phong trào do Thủ tướng phát động, phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực cũng được triển khai sâu rộng ở các ngành, các cấp, khắp các vùng miền trên cả nước, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Đặc biệt, thời gian qua, khi các tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lũ, phong trào ủng hộ đồng bào miền Trung đã phát triển mạnh trên toàn quốc, ở mọi phương diện, tương trợ nhân dân miền Trung từ cây bút viết đến xây dựng nhà chống lũ. Trong phòng, chống dịch COVID-19, "mỗi người dân là một chiến sĩ", từ cụ già đến em nhỏ đều ý thức tham gia. Những chiến sĩ áo trắng hết lòng với những ca bệnh; các cán bộ, chiến sĩ công an, bộ đội, dân phòng, tình nguyện viên tham gia việc cách ly đã tạo nên những lá chắn thép không để bệnh dịch lan ra cộng đồng…

Có thể nói, các phong trào đua trong giai đoạn 2016-2020, với tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, các nhiệm vụ trọng tâm, đạt nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật.

Từ các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện ngày càng nhiều các tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc, điển hình tiến tiến. Việc kịp thời tuyên dương, khen thưởng các gương thi đua yêu nước tiêu biểu đã khích lệ, động viên mọi tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua, phấn đấu hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ, đưa phong trào thi đua tiếp tục phát triển.

Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân

Tiếp tục phát huy những kết quả nổi bật đã đạt được trong các hoạt động, phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua, giai đoạn 5 năm tới (2021-2025), tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương đặt mục tiêu phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, của cả hệ thống chính trị, trở thành động lực to lớn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Giai đoạn mới, cả nước tiếp tục thực hiện các phong trào thi đua do Thủ tướng phát động với các chỉ tiêu cụ thể. Phong trào "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở" đặt mục tiêu 100% cán bộ, công chức, viên chức tham gia có hiệu quả; 100% bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phát động phong trào thi đua. Phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" đặt mục tiêu đến năm 2025 có trên 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó ít nhất 40% số xã nông thôn mới nâng cao, 10% số xã nông thôn mới kiểu mẫu, đến năm 2025 không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí. Phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau" đưa tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì giảm từ 1 đến 1,5% hàng năm.

Đại hội xác định các nhiệm vụ trọng tâm là: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về thi đua, khen thưởng; tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là các phong trào do Thủ tướng phát động; đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phát hiện, nhân điển hình tiên tiến; nâng cao chất lượng công tác khen thưởng và chất lượng hoạt động của Hội đồng Thi đua-Khen thưởng các cấp.

Trong 5 năm qua, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương đã khen tặng 343.727 huân, huy chương; 25.920 danh hiệu vinh dự Nhà nước (trong đó bao gồm cả nhà giáo, thầy thuốc, nghệ sỹ, nghệ nhân ưu tú và nhân dân); 28 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 73 Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; 308 Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh và 380 Chiến sỹ thi đua toàn quốc.