Báo cáo thực trạng và xác định nhu cầu đào tạo nghề, hướng nghiệp và giải quyết việc làm cho trẻ em vị thành niên (người từ đủ 15 đến 18 tuổi) được thực hiện nhằm mục đích phân tích, đánh giá thực trạng đào tạo nghề, hướng nghiệp và giải quyết việc làm trong tương lai cho trẻ em vị thành niên. Báo cáo thu thập số liệu thuộc 5 nhóm đối tượng mục tiêu: trẻ em ngoài nhà trường (331 trẻ), trẻ em đang đi học (363 trẻ), cơ sở giáo dục nghề nghiệp (47 cơ sở), phụ huynh (65 hộ gia đình) và doanh nghiệp (72 doanh nghiệp). Trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2019, Báo cáo sử dụng kết hợp hai phương pháp nghiên cứu định lượng và định tính để tiến hành khảo sát và tham vấn tại 4 địa phương: Hà Nội, Điện Biên, An Giang và Kom Tum.
Báo cáo cho thấy đối với công tác đào tạo nghề: Mặc dù công tác đào tạo nghề được tích hợp vào nhiều chính sách khác nhau nhằm hỗ trợ trẻ em từ đủ 15 đến 18 tuổi, nhưng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn gặp khó khăn trong quá trình tuyển sinh, đào tạo và sau đào tạo. Hủ tục và ít hứng thú. Thiếu hỗ trợ từ phía doanh nghiệp trong việc phát triển các lĩnh vực đào tạo. Thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập và nguồn kinh phí. Với công tác hướng nghiệp, công tác tư vấn về nghề nghiệp và việc làm luôn được các cấp chính quyền quan tâm chỉ đạo và phối hợp với các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp để thực hiện. Tuy nhiên, kết quả còn nhiều hạn chế do hai nguyên nhân chính. Khó tiếp cận các em ngoài nhà trường. Bị ảnh hưởng bởi chuẩn mực giới. Chuẩn mực giới đã ăn sâu trong tiềm thức của xã hội. Với sự ảnh hưởng của truyền thông, doanh nghiệp, giáo viên, phụ huynh và xã hội, trẻ em trai và trẻ em gái được hướng nghiệp theo các con đường sự nghiệp khác nhau. Điều này khiến hạn chế lựa chọn và tiềm năng phát triển của trẻ em trai và trẻ em gái. Với việc làm, các doanh nghiệp ít khi tuyển dụng trẻ từ 15 đến 18 tuổi vì 2 lý do. Trẻ thiếu kỹ năng chuyên môn và lo ngại về thủ tục pháp lý.
Báo cáo cũng đưa ra khuyến nghị đó là xây dựng các chiến lược cụ thể cho đối tượng trẻ em ngoài nhà trường để khuyến khích các em quay lại trường phổ thông hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Nơi học cần dễ tiếp cận, thời gian đào tạo hợp lý, các khóa đào tạo nghề và kỹ năng đào tạo phù hợp; hỗ trợ toàn diện sau đào tạo; công tác truyền thông theo từng nhóm đối tượng cụ thể. Đổi mới chương trình, nội dung đào tạo nghề và hướng nghiệp trong nhà trường: Học tập trải nghiệm, hướng nghiệp trải nghiệm tại thực tế sản xuất; cung cấp thông tin cập nhật và toàn diện; đào tạo kỹ năng chuyển đổi…Phối hợp giữa các bên liên quan trong việc tổ chức đào tạo kỹ năng chuyển đổi: Phối hợp giữa Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTBXH và Viện KHGDNN trong việc tổ chức và thực hiện đào tạo kỹ năng chuyển đổi mang tính toàn diện và hòa nhập vì một xã hội hiện đại…Tích hợp kỹ năng số làm một trong những trọng tâm chính trong đào tạo: An toàn trực tuyến; kỹ năng giao tiếp; lập trình; xử lý thông tin và nội dung…Thay đổi tư duy về chuẩn mực và khuôn mẫu giới: Thiết kế học liệu đảm bảo không phân biệt về giới trong công tác hướng nghiệp trong nhà trường và gia đình; tập huấn cho các doanh nghiệp, giáo viên và phụ huynh về nghiệp vụ tư vấn hướng nghiệp.