Đảm bảo giáo dục chính trị, đạo đức
Trong nhóm nhiệm vụ chung, văn bản hướng dẫn các Sở, cơ sở GDĐH tăng cường hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho HSSV; xây dựng văn hóa ứng xử, thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học; các giải pháp đảm bảo an toàn trường học, phòng, chống bạo lực học đường; xây dựng cơ chế phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ HSSV trong học tập, đời sống, tâm lý; hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ HSSV khởi nghiệp; công tác truyền thông, tuyên dương HSSV tiêu biểu; tăng cường kiểm tra.
Bộ GD&ĐT đề ra 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, bao gồm: Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, văn hóa; Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; Công tác học sinh, sinh viên.
Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, văn hóa cần thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học về lý luận chính trị, giáo dục công dân, giáo dục lịch sử dân tộc, lịch sử cách mạng và văn hóa trong trường học.
Tăng cường chỉ đạo, quản lý công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài, trường tư thục, chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài. Thực hiện tốt công tác phát triển Đảng và bồi dưỡng nhận thức về Đảng trong HSSV.
Văn bản cũng đề nghị các Sở, cơ sở giáo dục nghiên cứu, xem xét triển khai sử dụng tài liệu Hướng dẫn kĩ năng sử dụng mạng an toàn dành cho học sinh phổ thông, phù hợp điều kiện nhà trường, trình độ hiểu biết của học sinh.
Đồng thời, tăng cường công tác nắm bắt tình hình chính trị, tư tưởng trong HSSV; không để HSSV bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia các hội, nhóm, tổ chức tôn giáo hoạt động trái pháp luật và các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, tụ tập gây rối an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Đặc biệt, cần tăng cường tổ chức các phòng đọc, tủ sách phụ huynh, tủ sách lớp học… để định hướng, tạo điều kiện cho HSSV đọc sách, say mê, yêu quý sách…
Tăng cường giáo dục kỹ năng sống
Văn bản cũng hướng dẫn các Sở GD&ĐT những giải pháp cụ thể để triển khai hiệu quả các hoạt động Đoàn, Hội, Đội trong trường học.
Tăng cường công tác tổ chức và quản lý các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống cho HSSV, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho HSSV. Các cơ sở giáo dục, đào tạo nghiên cứu lựa chọn, đưa vào sử dụng tài liệu giáo dục kỹ năng sống đã được Bộ GD&ĐT, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với HSSV.
Đồng thời, quản lý chặt chẽ về nội dung, hình thức các trò chơi, hoạt động ngoại khóa của HSSV. Không tổ chức cho HSSV tham gia các trò chơi (trên môi trường mạng hoặc tương tác trực tiếp) có nội dung, hình thức bạo lực, phản cảm, không phù hợp với văn hóa dân tộc, chuẩn mực đạo đức xã hội.
Các nhà trường thành lập các câu lạc bộ sở thích, tài năng, câu lạc bộ tiếng Anh; tổ chức các diễn đàn, tọa đàm và khuyến khích HSSV tham gia nhằm phát triển năng lực, phẩm chất, kỹ năng sống và tạo môi trường tốt cho HSSV nâng cao khả năng sử dụng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh.
Phát động phong trào học tiếng Anh trong HSSV ở các nhà trường trên toàn quốc; xây dựng và phát triển môi trường học và sử dụng tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo…
Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp
Song song với việc tiếp tục triển khai các Nghị định, Quyết định, Chỉ thị, Kế hoạch về phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, đảm bảo an toàn trường học, an toàn giao thông, các Sở GD&ĐT và cơ sở giáo dục nghiên cứu, xem xét đưa vào sử dụng trong nhà trường các tài liệu về vấn đề này.
Nghiên cứu xây dựng, ban hành mới Quy chế công tác học sinh, sinh viên hệ chính quy để thực hiện trong nhà trường; sau khi Bộ GD&ĐT ban hành văn bản quy phạm mới liên quan.
Chú trọng công tác đảm bảo an toàn giao thông cho HSSV trong và khu vực cổng trường học, an toàn giao thông trên các xe đưa đón HSSV tới trường; triển khai Cuộc thi "Giao thông học đường" trong học sinh.
Tăng cường các hoạt động tuyên truyền phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma tuý, mại dâm; tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa trong nhà trường.
Đặc biệt, các cơ sở đào tạo tổ chức thực hiện Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025", hình thành đội ngũ cán bộ tư vấn hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trong cơ sở đào tạo, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ này tham gia tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn; khuyến khích HSSV tham dự cuộc thi ''Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp'' do Bộ GD&ĐT tổ chức.