Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đẩy mạnh hướng nghiệp, dạy nghề cho trẻ khuyết tật

(Dân sinh) - Những năm qua, cùng với công tác phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật, Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An (Bộ LĐ-TB&XH) đẩy mạnh hướng nghiệp, đào tạo nghề, tổ chức lao động sản xuất. Nhờ đó, các em có cơ hội việc làm, thu nhập để tự tin hòa nhập cộng đồng và có thu nhập.

Hoàng Thị Chúc là người dân tộc Tày đến từ tỉnh Hà Giang. Chúc không giấu được niềm vui khi được về Trung tâm. Từ bé, em không may bị khuyết tật về chân, việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Ước mơ lớn nhất của cô bé người dân tộc Tày là được đến trường như các bạn cùng trang lứa. Tuy nhiên, do đôi chân rất yếu, nhà lại nghèo, ở xa trường nên suốt bao năm, ước mơ đến trường của em vẫn mãi là ước mơ. 3 năm trước, Chúc được gửi về Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An. Về đây, em được tập phục hồi chức năng, nhờ đó, đôi chân đã cứng cáp hơn, em đã có thể tự đi lại mà không cần sự hỗ trợ của xe lăn. "Niềm vui lớn nhất của em là về Trung tâm được đến trường học", Chúc phấn khởi khoe.

Đẩy mạnh hướng nghiệp, dạy nghề cho trẻ khuyết tật - Ảnh 1.

Thầy Liêm hướng dẫn các em khuyết tật nặng đóng gói nụ hương.

Trong năm đầu về Trung tâm, lịch tập phục hồi chức năng của em khá nhiều. Thêm vào đó, đôi chân còn yếu nên ngoài giờ tập phục hồi chức năng, Chúc được các thầy, cô ở Trung tâm dạy chữ, dạy chương trình tiểu học. Sau 1 năm, đôi chân của em đã vững hơn trước, Chúc được Trung tâm gửi ra trường tiểu học để có cơ hội được học các môn văn hóa khác. Việc đi lại của em vẫn còn khó khăn nên hàng ngày, Chúc được các cô, thầy trong Trung tâm đưa đón đến trường. "Trời nắng cũng như trời mưa, em đều được các cô chú đưa đi học và đón về. Các cô, thầy ân cần chỉ bảo, xem em như con trong gia đình", Chúc cảm động nói.

Ngoài thời gian phục hồi chức năng và học văn hóa, Trung tâm còn định hướng nghề nghiệp và dạy nghề cho Chúc để phù hợp với năng lực và điều kiện sức khỏe. Biết em có năng khiếu hội họa, các thầy, cô dạy em học vẽ bút lửa, làm hoa lụa. Chúc khoe: "Thầy, cô dạy em vẽ móc khóa, vẽ trang trí, làm hoa lụa. Công việc này phù hợp với điều kiện sức khỏe của em nên hy vọng có thu nhập và tự lập cuộc sống sau này".

Cô gái Hoàng Thị Thu Hằng (sinh năm 2003, người dân tộc Tày, quê ở Lạng Sơn) bị bệnh xương thủy tinh nên khá nhỏ so với tuổi. Hằng kể do sức khỏe yếu nên học xong cấp 2, em phải nghỉ học ở nhà. Được giới thiệu về Trung tâm, ngoài thời gian tập vật lý trị liệu, em được các thầy, cô dạy vẽ bút lửa và làm hoa lụa. "Ước mơ của em là làm họa sĩ hoặc nghề liên quan đến vẽ vì em rất yêu thích môn này. Thầy, cô cũng đã hướng dẫn em một số nghề phù hợp với điều kiện sức khỏe của mình để mai này có thể tự kiếm tiền", Hằng chia sẻ.

Ông Đào Xuân Quyền, Phó Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An cho biết, cùng với công tác phục hồi chức năng cho người khuyết tật, Trung tâm đẩy mạnh đào tạo nghề, giới thiệu việc làm để tạo cơ hội cho các cháu kiếm được việc làm, tự tin hòa nhập cuộc sống. Riêng năm 2020, Trung tâm duy trì tốt 8 lớp học nghề truyền thống với trên 80 học sinh theo học như: May, thêu, dan, handmade, tin học, hoa lụa, sản xuất hương thơm, sản xuất tranh đá quý, tranh bút lửa.

Các sản phẩm của người khuyết tật làm ra đã tham gia trưng bày tại các hội trợ triển lãm, được thị trường chấp nhận và tiêu thụ tốt. Đây là cơ hội để người khuyết tật tự lập cuộc sống sau khi hòa nhập cộng đồng. Cùng với đó, Trung tâm hỗ trợ đào tạo, bố trí việc làm cho người khuyết tật hiệu quả. Cô Đoàn Thị Thu Phương là người trực tiếp hướng nghiệp, đào tạo nghề cho các em khuyết tật đã 10 năm nay. Cô Phương cho biết, tùy vào năng khiếu, điều kiện sức khỏe mà các thầy, cô định hướng nghề nghiệp cho các em. Suốt 10 năm qua, không ít học sinh của cô Phương đã trưởng thành, có việc làm, thu nhập để tự tin hòa nhập cộng đồng.

Theo thầy Nguyễn Như Liêm, Trưởng phòng Hướng nghiệp dạy nghề của Trung tâm, công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề cho trẻ khuyết tật vận động thuận lợi hơn. Còn đối với trẻ khuyết nặng, trẻ chậm phát triển, trẻ tư kỷ thời gian qua đã được Trung tâm hướng nghiệp và dạy nghề. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là đầu ra cho các sản phẩm. Những sản phẩm do những em khuyết tật nặng làm thường không đẹp như nhưng người bình thường hay năng suất lao động cũng không thể cao. Vì thế, việc cạnh tranh với các sản phầm cùng loại rất khó. "Trăn trở lớn nhất của các thầy, cô là các con có được việc làm, ổn định thu nhập để tự tin ổn định cuộc sống. Bởi so với người khỏe mạnh, các con rất thiệt thòi", thầy Liêm chia sẻ.