Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Đẩy mạnh tín dụng chính sách xã hội để góp phần giảm nghèo bền vững

(Dân sinh) - Phát biểu tại hội trường Quốc hội ngày 5/11, liên quan đến nội dung đầu tư cho người nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đề nghị: Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động tín dụng chính sách xã hội góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và đẩy lùi có hiệu quả nạn tín dụng đen ở nông thôn.

Đại biểu Nguyễn Tạo cho biết: Các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, Chương trình tín dụng chính sách xã hội đã góp phần đưa Việt Nam đạt được những thành tựu ấn tượng về giảm nghèo, cải thiện đáng kể về chất lượng cuộc sống cho người dân, nhất là bà con khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các chính sách này mang tính nhân văn và ưu việt của chế độ, Nhà nước.

Đẩy mạnh tín dụng chính sách xã hội để góp phần giảm nghèo bền vững - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng).

Tuy nhiên, để chính sách đạt được nhiều hiệu quả tốt hơn, tối ưu hơn, công cụ tài chính hữu hiệu nhằm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021-2030 theo tinh thần của Nghị quyết 88 của Quốc hội, đề nghị Chính phủ thực hiện một số giải pháp.

Đó là, tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động tín dụng chính sách xã hội góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và đẩy lùi có hiệu quả nạn tín dụng đen ở nông thôn. Phối hợp lồng ghép tín dụng chính sách với các chương trình, dự án sản xuất, chuyển đổi cơ cấu, lựa chọn cây trồng, vật nuôi, chuyển giao công nghệ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao chất lượng chuỗi giá trị sản phẩm, tạo nguồn thu nhập ổn định giảm nghèo bền vững.

Cùng với đó, phải đưa tiêu chí về chỉ tiêu chi ngân sách nhà nước hằng năm, kể cả trung ương và địa phương để bổ sung cho nguồn vốn ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội vay để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách vào Luật Ngân sách nhà nước để các địa phương có căn cứ thực hiện nhằm mang tính thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Từ đó có thể giải cứu kịp thời các khó khăn trước mắt và lâu dài cho nhân dân gặp phải trong thời gian qua.

Đồng thời, đề nghị tiếp tục đổi mới hơn nữa chính sách tín dụng đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn 2021 - 2030 theo hướng tăng định mức cho vay lên, mở rộng đối tượng cho vay đến các dự án sản xuất kinh doanh tạo sinh kế ổn định, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xem xét ban hành cơ chế, chính sách cho vay đối với hộ có mức sống cận nghèo, trung bình chưa phù hợp với Quyết định 59 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020.

Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng, cần đẩy mạnh khoa học, công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Thời gian qua, mặc dù đã đạt nhiều thành tựu trên việc thực hiện chương trình giảm nghèo, chương trình nông thôn mới và chính sách dân tộc. Tuy nhiên, theo báo cáo, đến nay vẫn còn những điểm hạn chế.

Đẩy mạnh tín dụng chính sách xã hội để góp phần giảm nghèo bền vững - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn).

Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành, trong tình hình hiện nay, phát triển sản xuất ở miền núi theo chiều rộng đã tới hạn. Do khó khăn về điều kiện đất đai, giao thông và thị trường nên cần đẩy mạnh khoa học, công nghệ trong phát triển, đặc biệt trong phát triển nông nghiệp. Thành công vừa qua có được từ các điểm sáng ở Sơn La, Bắc Giang hay Bắc Kạn là những minh chứng điển hình. "Qua giám sát của Hội đồng Dân tộc cho thấy, mặc dù khoa học, công nghệ đã đạt một số kết quả và tác động nhất định, tuy nhiên vẫn còn hạn chế như: Thiếu các giải pháp đồng bộ, thiết thực, hiệu quả hơn để giải quyết những vấn đề thực tiễn của sản xuất, đời sống của người dân đặt ra và thiếu tính liên kết vùng trong giải quyết những vấn đề chung", đại biểu Nguyễn Lâm Thành nói.