Bộ LĐ-TB&XH vừa có Công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường các giải pháp thực hiện Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Công văn nêu rõ, trên cơ sở báo cáo của các địa phương và kết quả kiểm tra của các đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH trong quá trình tổ chức thực hiện Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, đến nay về cơ bản các địa phương đã tiến hành rà soát các đối tượng và chi trả cho các đối tượng đã được phê duyệt.
Tuy nhiên, việc chi trả kinh phí hỗ trợ cho người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, người lao động trong doanh nghiệp hiện nay vẫn còn khá chậm; nhiều doanh nghiệp phản ánh các cấp, ngành địa phương chưa thực sự quan tâm thực hiện; vẫn xảy ra tình trạng trục lợi chính sách, bỏ quên đối tượng.
Để kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
Đẩy mạnh triển khai công tác chi trả tiền hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương và người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Xử lý nghiêm đối với các hành vi lợi dụng, trục lợi chính sách trong quá trình thực hiện nhiệm vụ (nếu có).
Tăng cường xử lý hồ sơ đề nghị hỗ trợ qua dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia nhằm rút ngắn thời gian xử lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng trong quá trình xác nhận và phê duyệt hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Xây dựng cơ sở dữ liệu về các đối tượng hỗ trợ, cập nhật thông tin báo cáo trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.
Tiếp tục báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện về Bộ LĐ-TB&XH để tổng hợp, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc có liên quan tới phạm vi quản lý của nhiều cơ quan, đơn vị để có hướng dẫn, giải đáp kịp thời.
Trước đó, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, tính đến ngày 20/5/2020, các địa phương đã phê duyệt danh sách 15,8 triệu người thuộc các nhóm đối tượng sẽ được thụ hưởng, trong đó, số người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được phê duyệt là trên 11,8 triệu người. Người lao động trong doanh nghiệp, lao động không có giao kết hợp đồng lao động, hộ kinh doanh theo số liệu của 47 tỉnh, thành phố là gần 4 triệu người.
Tổng số tiền đã chi hỗ trợ cho các đối tượng tới thời điểm ngày 20/5/2020 là 17,5 ngàn tỷ đồng (Chưa bao gồm chi trả bảo hiểm thất nghiệp 2.000 tỷ đồng.)
Tuy nhiên, báo cáo cũng cho biết, việc triển khai vay trả lương của các doanh nghiệp chưa nhiều một phần do các doanh nghiệp bị ảnh hưởng đã bắt đầu quay trở lại làm việc, các doanh nghiệp còn tích lũy kinh phí để trả lương.
Mặt khác do phải chứng minh tài chính ở chừng mực nào đó khiến cho doanh nghiệp e ngại ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh nên chưa chủ động trong việc lập hồ sơ đề nghị vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động và xác nhận các chế độ hỗ trợ khác cho người lao động.
Một số địa phương gặp khó khăn, thiếu kinh phí, nhất là các tỉnh phải cân đối 30 - 50% ngân sách (Bình Định, Nghệ An, Hòa Bình, Thanh Hóa,…).
Tư lệnh ngành LĐ-TB&XH cũng cho biết, trong việc triển khai thực hiện, một số địa phương có cách làm sáng tạo như Hà Tĩnh, Bình Định xây dựng phần mềm riêng quản lý dữ liệu, lọc người trùng lặp. Bên cạnh đó có nhiều người dân tự nguyện nhường phần hỗ trợ cho người khác còn khó khăn hơn như 17 hộ nghèo, cận nghèo ở xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh; hai người cao tuổi tại Vĩnh Phúc; một hộ cận nghèo với 4 khẩu tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội...