Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Đẩy mạnh tuyển sinh, đào tạo nghề và giải quyết việc làm trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

(Dân sinh) - Ngày 23/6, tại TP.HCM, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH) tổ chức Hội nghị tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm năm 2020 cho các tỉnh thành phía Nam.

TS Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng,Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chia sẻ tại hội nghị

TS Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng,Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chia sẻ tại hội nghị

Tham dự hội nghị có TS.Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp; TS.Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy- Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cùng đại diện lãnh đạo sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố, trường cao đẳng, trung cấp khu vực phía nam.

Hội nghị lần này là dịp để các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các tỉnh, thành phố, các trường cao đẳng, trung cấp từ Thành phố Đà Nẵng đến tỉnh Cà Mau tham gia thảo luận, trao đổi kinh nghiệm và xác định nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm trong thời gian tới."

Báo cáo về đánh giá công tác tuyển sinh, giải quyết việc làm năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, TS.Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, hiện nay cả nước có 1.914 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 399 trường cao đẳng, 462 trường trung cấp và 1.053 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên. Mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp rộng khắp cả nước tạo thuận lợi cho người học.

Dẫn tổng hợp của 63 tỉnh/thành phố về kết quả tuyển sinh năm 2019, kết quả tuyển sinh đạt 103,5% so với kế hoạch, trong đó tuyển sinh trung cấp, CĐ là 568.000 người, đạt 101,4% so với kế hoạch. Cụ thể, CĐ tuyển sinh được 236.000 sinh viên, trung cấp 332.000…

Kết quả tốt nghiệp và giải quyết việc làm sau tốt nghiệp năm 2019, tổng hợp báo cáo của 63 tỉnh/thành phố cho biết tỉ lệ HS-SV có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt trên 80%, trong đó sinh viên CĐ ra trường có việc làm đạt 85%, trung cấp 80%.

Quang cảnh hội nghị

Quang cảnh hội nghị

Tuy nhiên, số liệu kết quả tuyển sinh 5 tháng đầu năm 2020 của các địa phương trên cả nước chỉ đạt khoảng đạt 844.900 người, bằng 57% so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ đạt khoảng 21% so với kế hoạch tuyển sinh năm 2020. Trong đó kết quả tuyển sinh trung cấp, cao đẳng chỉ đạt 30% với cùng kỳ 2019 và đạt khoảng 5% với kế hoạch 2020. Những con số này với tuyển sinh trình độ sơ cấp lần lượt là 60% và 27%. 

Theo ông Hùng, kết quả tuyển sinh thấp là do dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh mẽ trong những tháng đầu năm 2020 đã tác động xấu đến nền kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng, ảnh hưởng nặng nề công tác tuyển sinh và đào tạo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Dịch bệnh Covid-19 đã tác động đến cả xã hội và hệ thống giáo dục nên việc kết thúc năm học phổ thông và kỳ thi tuyển sinh đại học bị lùi lại đã ảnh hưởng đến kết quả công tác tuyển sinh các tháng đầu năm 2020. Trong các tháng đầu năm, hầu hết các cơ sở GDNN mới chỉ tập trung làm công tác thông tin,tuyên truyền tư vấn  và tiếp nhận hồ sơ tuyển sinh qua các kênh tuyển sinh online.

Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp du lịch, bị gián đoạn hoạt động, do vậy các hoạt động thực hành thực tập của người học gặp nhiều trở ngại, nhất là đối với các nghề du lịch; Việc tổ chức, triển khai đào tạo trực tuyến trong mùa dịch tại những trường ở các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn do điều kiện về hạ tầng công nghệ, thiết bị học tập.  

Theo đó, để hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp kế hoạch đã đề ra đạt đạt 2.260.000 người, trong đó trung cấp và cao đẳng đạt 580.000 người, ông Hùng cho biết kế hoạch, công tác tuyển sinh của các trường sẽ được đẩy mạnh từ tháng 6-2020 và tập trung cao điểm từ tháng 7 đến tháng 10. Trong đó, các trường cần đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn tuyển sinh cả trực tiếp và trực tuyến; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thể thiết lập các chuyên trang về tuyển sinh của các trường trên các trang mạng xã hội (facebook, twitter, viber, zalo...) hoặc trên website của trường để thực hiện công tác truyền thông, tư vấn tuyển sinh online.

Ngoài ra, các trường đăng ký sử dụng dịch vụ tiếp cận đến nhiều đối tượng trên các trang mạng xã hội để dễ dàng trong việc tiếp cận và trao đổi thông tin tuyển sinh.

TS Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng,Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chia sẻ tại hội nghị

Tại hội nghị, đánh giá về những thách thức mà hệ thống Giáo dục nghề nghiệp đang đối mặt, TS Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng,Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp hiện nay Giáo dục nghề nghiệp đang phải đối diện với 3 thách thức lớn. Đó là, giáo dục nghề nghiệp chưa thực sự là con đường hấp dẫn nhất với học sinh; tuyển sinh còn khó khăn, các điều kiện đảm bảo chất lượng còn hạn chế; hiệu quả đào tạo, việc làm sau đào tạo chưa bền vững. 

Cụ thể, trong giai đoạn tới hệ thống Giáo dục nghề nghiệp phải tăng quy mô và nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo; Phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt; Chuyển đổi mô hình đào tạo truyền thống sang gắn kết doanh nghiệp, với mục tiêu doanh nghiệp phải là trường thứ 2. 

Kế tiếp là tích cực đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, trong đó tự chủ tài chính trong trường công phải triển khai từ năm 2025; Cuối cùng hệ thống Giáo dục nghề nghiệp phải nhanh chóng thích ứng với cuộc CMCN 4.0, chuyển đổi số, ứng dụng CNTT mạnh mẽ hơn nữa trong dạy học.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng thảo luận, bàn giải pháp về công tác gắn kết doanh nghiệp, giải quyết việc làm, hướng nghiệp, khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên cũng như thúc đẩy cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo chất lượng cao.