Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Thời sự

Đẩy nhanh tiến độ phục hồi kinh tế, kiểm soát tốt dịch bệnh

(Dân sinh) - Tại buổi họp báo chính phủ thường kỳ tháng 9/2020 diễn ra vào chiều 2/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Người phát ngôn của Chính phủ cho biết, Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ phục hồi kinh tế, đặc biệt việc mở lại các đường bay quốc tế là điều tất yếu phải làm nhưng phải kiểm soát chặt chẽ, không được để dịch bệnh lọt vào cộng đồng

Đẩy nhanh tiến độ phục hồi kinh tế, kiểm soát tốt dịch bệnh - Ảnh 1.

 

Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả mục tiêu kép

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tại phiên họp thường kỳ tháng 9/2020. Chính phủ đánh giá, kinh tế tháng 9 có rất nhiều điểm sáng, một là công tác chống dịch đã qua 30 ngày không có ca mắc mới trong cộng đồng, chúng ta đã khống chế thành công 2 đợt dịch. Nông nghiệp nhiều khả năng đạt kim ngạch xuất khẩu 41 tỷ USD trong năm nay; công nghiệp tăng 2,69% và xuất khẩu đạt kỷ lục tuy không cao như năm ngoái, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn xuất siêu tới 17 tỷ USD. Chúng ta cũng đồng loạt khởi công 3 dự án lớn thuộc dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông và giúp giải ngân đầu tư công đạt tỷ lệ cao nhất so với các năm từ 2016 tới nay; phấn đấu khởi công 5 dự án PPP thuộc dự án cao tốc Bắc-Nam ngay trong tháng 10. Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 và đợt 2 thành công. Đối ngoại, an ninh-quốc phòng, bảo đảm an sinh xã hội.

Về việc thực hiện mục tiêu kép thời gian qua, các thành viên Chính phủ cơ bản thống nhất nội dung đánh giá tình hình: Với chỉ đạo điều hành chủ động quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhất là sự đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của Nhân dân cả nước, chúng ta đã ứng phó nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả với diễn biến mới của dịch COVID-19, với phương thức, cách làm mới, nhờ đó, trong 30 ngày qua, không có ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng. Đến nay, dịch bệnh đã một lần nữa được kiểm soát. Đồng thời, chúng ta tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, bảo đảm đời sống cho nhân dân; tiếp tục củng cố trạng thái bình thường mới, dần hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp trong điều kiện có dịch bệnh. Có thể nói, mục tiêu kép đã được tổ chức thực hiện hết sức nghiêm túc và đạt kết quả tốt.

Tình hình KTXH ngày càng tốt hơn, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn tiếp tục được bảo đảm, duy trì được tăng trưởng, đặc biệt là trong quý III khi cả nước căng mình chống dịch COVID-19, nhưng tăng trưởng GDP khởi sắc hơn với mức tăng 2,62%; 9 tháng tăng 2,12%, tạo tiền đề để có thể đạt mức tăng trưởng dương trong cả năm, đây là cố gắng cực kỳ lớn của chúng ta trong bối cảnh các nước ASEAN hay các đối tác lớn đều tăng trưởng âm và chuỗi cung ứng trên thế giới bị đứt gãy. Thực tế nền kinh tế nước ta đã đi qua đáy trong quý II và đang phục hồi theo hình chữ V. Việt Nam là nước tăng trưởng dương duy nhất ở khu vực ASEAN, nằm trong số ít nước tăng trưởng dương trên thế giới. Các ngành quan trọng như công nghiệp, nông nghiệp, tài chính, ngân hàng có xu hướng phục hồi mạnh mẽ. Chứng khoán khởi sắc trở lại.

Đẩy nhanh tiến độ phục hồi kinh tế, kiểm soát tốt dịch bệnh - Ảnh 2.

 Mở cửa phải có kiểm soát, không lơ là, chủ quan

Về triển khai các nhiệm vụ thời gian tới, tại cuộc họp Chính phủ sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, không được chủ quan, lơ là để dịch bệnh bùng phát trở lại; yêu cầu các cấp, các ngành, nhất là hai thành phố lớn kiểm soát chặt chẽ tất cả các nguồn nhập cảnh vào Việt Nam, đặc biệt là nhập cảnh trái phép.  Việc mở lại các đường bay quốc tế, đây là điều tất yếu phải làm nhưng phải kiểm soát chặt chẽ, không được để dịch bệnh lọt vào cộng đồng. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương hướng dẫn chi tiết, cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ vận dụng các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn cho người dân, các chuyên gia, nhà ngoại giao, nhà đầu tư.

Thủ tướng cũng lưu ý vấn đề về cách ly ở khách sạn khi có nhiều ý kiến khác nhau như trường hợp thay đổi chi phí cách ly ở khách sạn mà báo chí phản ánh vừa qua, gây bức xúc cho người dân. Thủ tướng yêu cầu, đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 2,5 đến 3% trong năm. Theo đó, phải xây dựng mô hình chuỗi giá trị đối với từng loại sản phẩm ưu tiên, tập trung tháo gỡ khó khăn cho những dự án, những chương trình để thúc đẩy tăng trưởng. Bộ VH-TT&DL cần xem xét chủ đề du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn trong 3 tháng cuối năm.

"Đối với từng vấn đề tồn tại, Thủ tướng đề nghị các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành triển khai ngay các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, nhanh chóng khắc phục, không để chậm trễ, làm ảnh hưởng đến việc tăng tốc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2020"- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Lao động, việc làm trong quý III có dấu hiệu phục hồi tốt

Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, chính phủ đánh giá các lĩnh vực về văn hoá, xã hội tiếp tục được quan tâm. Trong 9 tháng, số hộ thiếu đói giảm mạnh, cả nước có 16.500 lượt hộ thiếu đói, tương ứng với 66.500 lượt nhân khẩu, giảm 75,5% về số lượt hộ và giảm 75,6% về số lượt nhân khẩu so với cùng kỳ. Tình hình lao động, việc làm trong quý III có dấu hiệu phục hồi. Lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc tăng 1,5 triệu người so với quý II. Tổ chức thành công đợt 2 kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, các đoàn học sinh Việt Nam dự thi Olympic đạt kết quả cao… Về Quyết định lấy ngày 4/10 hằng năm là "Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam" vừa được ký, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương ưu tiên quan tâm đến công tác đào tạo lao động để nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh.

Liên quan đến đề xuất miễn đóng phí công đoàn đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho biết, việc miễn đóng phí công đoàn năm 2020 sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp, trước hết là giảm mức phí đóng cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp có nguồn vốn để đầu tư cũng như tạo điều kiện để doanh nghiệp chăm sóc tốt hơn cho người lao động. Liên quan đến việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sử dụng 29 nghìn tỷ đồng quỹ công đoàn được gửi ngân hàng có kỳ hạn, Thứ tưởng Lê Văn Thanh cho rằng đây là việc của công đoàn nhằm tăng đầu tư quỹ và để công đoàn có nguồn quay trở lại hỗ trợ cho người lao động. Trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19 vừa qua, rất nhiều doanh nghiệp quan tâm đến người lao động, trong đó Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng đã trực tiếp hỗ trợ cho người lao động hàng nghìn tỷ đồng, giúp cho người lao động bớt những khó khăn trong thời gian qua.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch bệnh Covid bùng phát, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đề xuất với Chính phủ thông qua gói hỗ trợ an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19. Mới đây, Bộ LĐ-TB&XH vừa có Tờ trình số 94/TTr-LĐTBXH gửi Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đề nghị ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ và Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất Chính phủ mở rộng đối tượng được hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng. Đó là người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Việc hỗ trợ cho người lao động căn cứ vào thời gian thực tế người lao động phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, tính từ ngày 1/2/2020 và mỗi người được hỗ trợ không quá 3 tháng (hiện nay tính từ ngày 1/4/2020). Bên cạnh đó, Bộ cũng đề xuất giảm bớt một số điều kiện trong việc vay vốn tín dụng của ngân hàng chính sách, và giảm một số điều kiện trong việc tạm dừng đóng BH hưu trí và tử tuất đối với người lao động.