Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Người có công

Đề xuất 2 phương án trợ cấp, phụ cấp người có công

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công. Trong đó, Bộ đề xuất 2 phương án quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi dành cho đối tượng này, áp dụng từ 1/7/2020.

Mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất là 1.744.000 đồng.

Đề xuất 2 phương án trợ cấp người có công - Ảnh 1.

Đề xuất mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng

Phương án 1, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất điều chỉnh một số mức trợ cấp ưu đãi hàng năm và trợ cấp ưu đãi một lần được quy định bằng số tiền tuyệt đối theo mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng để cân đối với các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi khác như sau: Mức trợ cấp đối với liệt sĩ không còn người hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng thì người thờ cúng liệt sĩ được hưởng trợ cấp thờ cúng hiện hành là 500.000 đồng, mức trợ cấp dự kiến điều chỉnh là 0,5 lần mức chuẩn.

Mức trợ cấp ưu đãi đối với con của người có công với cách mạng theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng không hưởng lương hoặc sinh hoạt phí khi đi học tại cơ sở giáo dục mầm non hiện hành là 200.000 đồng, mức trợ cấp dự kiến điều chỉnh là 0,2 lần mức chuẩn; đi học tại cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, trường dự bị đại học, trường năng khiếu, trường lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật có mức trợ cấp hiện hành là 250.000 đồng dự kiến điểu chỉnh là 0,4 lần mức chuẩn; đi học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, phổ thông dân tộc nội trú có mức trợ cấp hiện hành là 300.000 đồng, mức trợ cấp dự kiến điều chỉnh là 0,6 lần mức chuẩn.

Mức trợ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng không hưởng lương hoặc sinh hoạt phí khi đi học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học hiện hành là 300.000 đồng, mức trợ cấp dự kiến điều chỉnh là 0,6 lần mức chuẩn.

Mức trợ cấp ưu đãi một lần cũng được đề xuất điều chỉnh. Cụ thể, mức hỗ trợ chi phí báo tử hiện hành là 1 triệu đồng, mức trợ cấp dự kiến điều chỉnh là 1 lần mức chuẩn. Mức trợ cấp người hoạt động kháng chiến (trợ cấp tính theo thâm niên kháng chiến) hiện hành là 120.000 đồng/1 thâm niên, mức trợ cấp dự kiến điều chỉnh là 0,3 lần mức chuẩn/1 thâm niên. Mức trợ cấp người có công giúp đỡ cách mạng được tặng Huy chương Kháng chiến và người có công giúp đỡ cách mạng trong gia đình được tặng Huy chương Kháng chiến, trợ cấp đối với thân nhân người hoạt động kháng chiến được tặng Huân chương, Huy chương chết trước ngày 1/1/1995 hiện hành là 1 triệu đồng, mức trợ cấp dự kiến điều chỉnh là 1,5 lần mức chuẩn.

Phương án 2, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất giữ nguyên các mức trợ cấp xã hội một lần hiện hành.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, với mức quy định tại Nghị định số 58/2019/NĐ-CP là 1.624.000 đồng thì kinh phí thực hiện trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng năm 2020 là 33.404 tỷ đồng, nếu nâng mức chuẩn lên 1.744.000 đồng thì kinh phí thực hiện trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng năm 2020 là 34.626,6 tỷ đồng.