Mỹ tiếp tục ghi nhận số ca mắc Covid-19 mới trong ngày cao nhất thế giới với hơn 148.400 trường hợp trong ngày 20/11. Hiện tổng số người nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Mỹ là trên 12,2 triệu trường hợp, trong đó hơn 259.800 người đã thiệt mạng.
Tổng số ca nhiễm tại Ấn Độ, tâm dịch Covid-19 lớn thứ hai thế giới, hiện là 9,05 triệu trường hợp. Trong ngày qua, Ấn Độ báo cáo trên 46.100 ca mắc mới. Đến nay, đã có hơn 132.700 người tử vong vì đại dịch tại quốc gia này. Như vậy, Ấn Độ là quốc gia thứ hai trên thế giới có số ca mắc Covid-19 vượt 9 triệu trường hợp, sau Mỹ. Tuy nhiên, giới chức y tế lưu ý, số ca mắc mới ở nước này đã có chiều hướng giảm sau khi lên mức đỉnh hồi tháng 9 vừa qua.
Ngày 20/11, Brazil ghi nhận thêm hơn 37.000 người mắc Covid-19, nâng tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia này lên trên 6 triệu trường hợp. Hiện đã có hơn 168.600 bệnh nhân Covid-19 không qua khỏi tại Brazil.
Châu Âu vẫn là tâm dịch của thế giới trong tuần qua. Tuy nhiên, tốc độ lây nhiễm tại châu Âu giảm 7% nhờ các biện pháp phong tỏa và giới nghiêm.
Nga đã ghi nhận thêm hơn 24.300 ca nhiễm mới trong ngày 20/11, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên trên 2,102 triệu trường hợp. Đây là số ca nhiễm mới cao nhất theo ngày tại Nga. Cũng trong 24 giờ qua, Nga đã ghi nhận thêm 461 ca tử vong, nâng tổng số người thiệt mạng do Covid-19 tại nước này lên hơn 35.300 bệnh nhân.
Pháp vẫn là tâm dịch lớn thứ tư thế giới với trên 2,109 triệu ca mắc và hơn 48.200 trường hợp tử vong. Trong 24 giờ qua, Pháp đã ghi nhận thêm gần 22.900 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Bộ trưởng Bộ Y tế Ukraine thông báo đã có thêm trên 14.500 ca nhiễm mới trong ngày 20/11, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 tại nước này lên gần hơn 598.000 người, trong đó có gần 10.600 trường hợp tử vong do Covid-19. Đây là số ca nhiễm mới cao nhất theo ngày kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại nước này.
Tại châu Á, Nhật Bản cũng đang chứng kiến số ca nhiễm tăng nhanh trong những tuần gần đây. Các nhân viên y tế lo ngại, hệ thống y tế Nhật Bản có thể sớm rơi vào tình trạng quá tải khi việc thiếu hụt giường bệnh trở nên thường xuyên hơn, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Nhật Bản hiện có tổng cộng trên 125.200 ca nhiễm và hơn 1.900 người tử vong.