Trong đó, lao động mất việc làm do các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phá sản, giải thể hoặc thu hẹp sản xuất gần 900 nghìn người; số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 565 nghìn người, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2019.
Tại một số doanh nghiệp, người sử dụng lao động thực hiện các biện pháp để người lao động chấm dứt hợp đồng trong khi doanh nghiệp vẫn có thể duy trì sản xuất. Một số doanh nghiệp gia công hàng xuất khẩu (tập trung tại các ngành dệt may, da giày…) do ảnh hưởng từ việc cắt giảm đơn hàng xuất khẩu vào các thị trường chủ yếu (Mỹ, châu Âu…) đã thực hiện việc chấm dứt hợp đồng với một bộ phận người lao động, tác động không nhỏ đến đời sống của người lao động, nhất là đối với các gia đình có nhiều thành viên cùng thuộc diện bị cắt, giảm, chấm dứt hợp đồng lao động.
Trong đó, Công ty cổ phần Giày da Huê Phong (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) đã chấm dứt hợp đồng lao động với 2.220 công nhân; Công ty TNHH PouYuen Việt Nam là 2.800 lao động, khoảng 6.000 công nhân (khoảng 10%) tạm ngừng việc trước mắt đến hết 31-7-2020; Công ty gỗ Woodworth Wooden (TP Hồ Chí Minh) xây dựng kế hoạch cắt giảm hơn 2.000 lao động…
Thu nhập bình quân của người lao động làm công hưởng lương quý I-2020 là 7,4 triệu đồng, tăng 8,3% so với quý IV-2019, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 19,4% của năm trước. Do giãn việc, nghỉ luân phiên, nghỉ việc không lương, cắt giảm lương nên thu nhập của người lao động bị sụt giảm đáng kể.
Đáng chú ý, lợi dụng những khó khăn về tài chính cũng như nhận thức chưa đầy đủ của người lao động, "tín dụng đen" có dấu hiệu hoạt động trở lại ở nhiều khu công nghiệp, khu nhà trọ công nhân, gây mất an ninh trật tự, đe dọa sự an toàn của người lao động. Xuất hiện hiện tượng một số đối tượng lập trang Facebook mạo danh cơ quan Bảo hiểm xã hội để thu gom, mua bán sổ bảo hiểm xã hội của người lao động với giá chỉ từ 40-50% giá trị thực tế mà người lao động được hưởng. Có địa phương xuất hiện tình trạng một số đối tượng giả mạo công ty, đơn vị giới thiệu, môi giới việc làm để lừa đảo, thu phí của người lao động nhằm trục lợi cá nhân.
Dịch bệnh Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp, đời sống, thu nhập của người lao động mà còn kéo theo những hệ lụy. Trong sáu tháng đầu năm, cả nước xảy ra 91 cuộc ngừng việc tập thể, tăng 25 cuộc so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, có 11 cuộc ngừng việc do công nhân lo sợ nguy cơ nhiễm bệnh khi nghe thông tin trong doanh nghiệp có quản lý, người lao động tại nước xảy ra dịch bệnh quay trở lại làm việc.
Nguyên nhân là do người lao động chưa đồng tình với cơ chế trả lương của doanh nghiệp, đặc biệt là vào dịp Tết, nhiều doanh nghiệp chậm lương, chậm thưởng hoặc chi trả lương, thưởng chưa hợp lý, chất lượng bữa ăn ca chưa bảo đảm... Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến sản xuất bị đình trệ, một số doanh nghiệp phải đóng cửa, tạm ngừng hoặc thu hẹp sản xuất, xuất hiện tình trạng người lao động ngừng việc đòi quyền lợi.
Điển hình là cuộc ngừng việc của 8.000 công nhân Công ty TNHH Chí Hùng (thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) khi nghe thông tin công ty sẽ cho một số lao động nghỉ việc, ngừng việc trong tháng 7-2020 do thiếu đơn hàng nhưng không đề cập đến tiền lương của người lao động. Đồng thời có sự xuất hiện những thông tin sai lệch, kích động trên mạng xã hội, công kích trực tiếp nhằm vào công đoàn cơ sở.
Ngay khi các cuộc ngừng việc tập thể xảy ra, công đoàn đã phối hợp các cơ quan chức năng giải quyết, hầu hết các yêu cầu chính đáng của người lao động được giải quyết, công nhân, lao động trở lại làm việc bình thường.