Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Dịch Covid-19: Đòi hỏi ASEAN nhìn nhận lại tầm quan trọng của công tác xã hội trong phát triển mỗi quốc gia

(Dân sinh) - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan đã nhấn mạnh tại Hội nghị Hiệp hội Công tác xã hội ASEAN lần thứ 9. “Trước những thách thức do Covid-19 gây ra, các yêu cầu hỗ trợ cho người dân, nhất là các đối tượng yếu thế trong bối cảnh dịch bệnh đòi hỏi ASEAN phải nhìn nhận lại tầm quan trọng của công tác xã hội trong sự phát triển của mỗi quốc gia”, Thứ trưởng nói.

Hôm nay 3/12/2020, với vai trò Chủ tịch Hiệp hội Nghề Công tác Xã hội ASEAN (ASWC) giai đoạn 2020 - 2021, Hội nghị Hiệp hội Công tác xã hội ASEAN lần thứ 9 với chủ để "Thúc đẩy công tác xã hội vì một ASEAN gắn kết và hòa nhập" đã diễn ra trực tuyến. Sự kiện do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức.

Dịch Covid-19: Đòi hỏi ASEAN nhìn nhận lại tầm quan trọng của Công tác xã hội trong phát triển mỗi quốc gia - Ảnh 1.

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan phát biểu tại Hội nghị.

Đây là một hoạt động thường niên theo nghĩa vụ thành viên thuộc kênh hợp tác ASEAN về Phúc lợi xã hội và Phát triển (SOMSWD).

Hội nghị có sự tham dự của: Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn  Bá Hoan; ông Kung Phoak, Phó Tổng thư ký ASEAN - Cộng đồng Văn hóa Xã hội ASEAN; cùng các quan chức, đầu mối phụ trách các cơ quan hợp tác chuyên ngành của ASEAN bao gồm: Công tác xã hội, phúc lợi xã hội và phát triển, y tế, giáo dục, quản lý thiên tai, Ủy ban Phụ nữ và Ủy ban thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em, Ban Thư ký ASEAN, UNICEF, các tổ chức quốc tế và đối tác khác của ASEAN…

Đạt được sự hòa nhập cho các nhóm dễ bị tổn thương

Là một trong những sáng kiến của Việt Nam trong Năm Chủ tịch ASEAN năm 2020, "Tuyên bố Hà Nội về Thúc đẩy công tác xã hội hướng tới một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng" đã được các nhà Lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37.   

Dịch Covid-19: Đòi hỏi ASEAN nhìn nhận lại tầm quan trọng của Công tác xã hội trong phát triển mỗi quốc gia - Ảnh 2.

Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Hà Thị Minh Đức phát biểu tại Hội nghị.

Nhận định, ra đời năm 2011, Hiệp hội Nghề Công tác xã hội ASEAN đã và đang đóng vai trò là "một cơ chế hợp tác quan trọng thuộc kênh hợp tác ASEAN về phúc lợi xã hội và phát triển, góp phần thúc đẩy nghề công tác xã hội và an sinh xã hội trong khu vực", phát biểu khai mạc Hội nghị, theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, những năm qua, lĩnh vực này trong nội khối ngày càng nâng cao và đóng góp đáng kể vào quá trình và hoàn thiện Chương trình Nghị sự Toàn cầu về Công tác xã hội và Phát triển xã hội.

Đáng chú ý, theo Thứ trưởng, năm 2020 được coi là cột mốc khi các cơ quan chuyên ngành của ASEAN đang khẩn trương hoàn thành kế hoạch công tác giai đoạn 2016-2020 và xây dựng kế hoạch công tác giai đoạn mới 2021 - 2025.

Có thể nói, trước những căng thẳng, thách thức do Covid-19 gây ra, các yêu cầu hỗ trợ cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh đối với nhân viên công tác xã hội, theo ông Hoan, "đòi hỏi ASEAN phải nhìn nhận lại tầm quan trọng của Công tác xã hội trong sự phát triển của mỗi quốc gia".

"Cùng với đó, phải đảm bảo tiếp tục cung cấp dịch vụ xã hội cho người dân, đặc biệt là cho các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội", Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh.

Dịch Covid-19: Đòi hỏi ASEAN nhìn nhận lại tầm quan trọng của Công tác xã hội trong phát triển mỗi quốc gia - Ảnh 3.

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan (giữa) trao đổi với các đại biểu tại Hội nghị.

Do đó, việc Tuyên bố Hà Nội về Thúc đẩy Công tác xã hội hướng đến Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng vừa được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37, theo Thứ trưởng "đã khẳng định cam kết của ASEAN trong việc thúc đẩy công tác xã hội và tăng cường vai trò xúc tác của công tác xã hội trong Cộng đồng ASEAN, góp phần nâng cao năng lực đội ngũ nhân viên công tác xã hội và đạt được sự hòa nhập cho các nhóm dễ bị tổn thương".

Cho biết sau 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt những thành tựu quan trọng, đi cùng với đó Thứ trưởng thông tin, các chính sách an sinh xã hội cũng ngày càng toàn diện hơn, đối tượng trợ giúp từng bước được mở rộng, mức trợ cấp ngày càng được nâng cao hơn, cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng tốt hơn.

Đặc biệt, các chính sách mới ban hành trong những năm gần đây cũng đã ngày càng mang tính hội nhập, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc và từng bước xã hội hóa.

Với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Nghề Công tác xã hội ASEAN giai đoạn 2020 - 2021, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan khẳng định, Việt Nam mong muốn sẽ cùng các quốc gia thành viên ASEAN khác thúc đẩy công tác xã hội trong giai đoạn tới thông qua các hành động thiết thực.

Dịch Covid-19: Đòi hỏi ASEAN nhìn nhận lại tầm quan trọng của Công tác xã hội trong phát triển mỗi quốc gia - Ảnh 4.

Toàn cảnh sự kiện tại điểm cầu Hà Nội (Việt Nam)

Vì người dân và lấy người dân làm trung tâm

Bày tỏ sự nhất trí cao, ở điểm cầu Indonessia, Ông Kung Phoak, Phó Tổng thư ký ASEAN, phụ trách Cộng đồng Văn hóa xã hội ASEAN đánh giá, hội nghị này tổ chức vào thời điểm rất phù hợp, thể hiện được vai trò của công tác xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, khi đời sống người dân, nhất là nhóm yếu thế cần sự đảm bảo các phúc lợi cho xã hội trong ASEAN.

Theo đó, ông Kung Phoak hi vọng, các vấn đề được đề cập tại hội nghị sẽ góp phần quan trọng thực hiện lộ trình Tuyên bố Hà Nội. Ông hi vọng, các đại biểu tham dự hội nghị sẽ cùng trao đổi, thảo luận để xác định ra những vấn đề mới nổi, những lĩnh vực liên quan tới nghề công tác xã hội. 

Đồng thời chia sẻ những bài học kinh nghiệm, đưa ra các sáng kiến nhằm triển khai thật hiệu quả Khung chiến lược ASEAN về Phúc lợi xã hội và Phát triển giai đoạn 2016 – 2020.

"Và đặc biệt là hiện thực hóa bản Tuyên bố Hà Nội này cũng như thống nhất được về định hướng, ưu tiên cụ thể cho sự phát triển của Hiệp hội trong thời gian tới", ông Kung Phoak nhấn mạnh.

Dịch Covid-19: Đòi hỏi ASEAN nhìn nhận lại tầm quan trọng của Công tác xã hội trong phát triển mỗi quốc gia - Ảnh 5.

Trực tuyến tại các điểm cầu ASEAN.

Về vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Hà thị Minh Đức nhấn mạnh thêm, Tuyên bố hà Nội là một cam kết mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy, nâng cao năng lực và thúc đẩy việc cung cấp các dịch vụ Công tác xã hội cho người dân- nhất là các đối tượng là người yếu thế - đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Tại Hội nghị, các nước ASEAN tập trung thảo luận về việc thực hiện Tuyên bố Hà Nội thông qua việc xác định các hoạt động chuyên ngành tiềm năng, các vấn đề hiện tại và mới nổi, cũng như các khuyến nghị trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, tư pháp, công tác xã hội và phát triển.

Bên cạnh đó, đây cũng là một diễn đàn để các Quốc gia thành viên ASEAN và các bên liên quan chia sẻ bài học kinh nghiệm, thách thức và cơ hội trong việc thực hiện Kế hoạch công tác ASWC 2016 - 2020 hướng tới việc xây dựng các sáng kiến và ưu tiên cho kế hoạch hoạt động tiếp theo giai đoạn 2021-2025.

Cũng tại Hội nghị, đại diện các nước thành viên ASEAN đều đánh giá cao Tuyên bố Hà Nội sẽ "góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết, vì người dân và lấy người dân làm trung tâm". 

Trước những tác động của xã hội già hóa, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai và kể cả thảm họa do con người gây ra, với vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã chủ trì cùng Ban thư ký ASEAN và UNICEF xây dựng "Tuyên bố Hà Nội về Thúc đẩy Công tác xã hội hướng tới một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng".

Tuyên bố đã được các nhà Lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 vào tháng 11 vừa qua.

Với 11 dòng hành động trên cơ sở xem xét khả năng và nguồn lực của mỗi quốc gia thành viên, Tuyên bố có ý nghĩa quan trọng đối với các nước thành viên ASEAN, đặc biệt trong bối cảnh ngành công tác xã hội hiện nay chưa đáp ứng được các nhu cầu của người dân, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương.

Việc thông qua Tuyên bố là cam kết chính trị ở cấp cao nhất, góp phần thúc đẩy và nâng cao năng lực cho ngành công tác xã hội, qua đó đảm bảo an sinh xã hội và dịch vụ xã hội cho các nhóm yếu thế, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 mà chúng ta đang phải đối mặt hiện nay.

Từ đó đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững, khả năng cạnh tranh và tự cường của Cộng đồng ASEAN.

Được biết, sau khi Tuyên bố được Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 chính thức thông qua, Lộ trình thực hiện Tuyên bố đang được triển khai xây dựng. Theo kế hoạch, Lộ trình thực hiện Tuyên bố này sẽ nộp lên Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38 vào năm 2021, năm chủ tịch của Bruney.