Hãy thử tượng tưởng, nếu gặp phải tình huống không lường trước như bé bị gãy chân, chảy máu…bạn sẽ chỉ đứng nhìn, cầu nguyện và hy vọng xe cấp cứu đến nhanh nhất có thể? Hay là bạn có thể tự mình thực hiện sơ cứu tại chỗ để giúp cải thiện tình hình?
Kỹ năng sơ cấp cứu cơ bản nên là một trong những ưu tiên hàng đầu mà cha mẹ nên biết để nhanh chóng xử lý và thậm chí cứu sống con trong những tình huống nguy cấp.
Dưới đây là 10 kỹ năng sơ cấp cứu y tế mà cha mẹ nên học. Để có hiểu biết tốt nhất bạn nên tham gia các khóa học được tổ chức bởi bệnh viện hoặc hội chữ thập đỏ.
1. Hồi sức tim phổi và hồi sức tim phổi sơ sinh
Bạn có biết hồi sức tim phổi là gì? Các bước thực hiện? Có sự khác biệt khi thực hiện cho trẻ sơ sinh và trẻ lớn hơn không? Đó là những câu hỏi cơ bản mà cha mẹ nên biết. Hồi sức tim phổi là sự kết hợp của ấn ngực và hô hấp (hô hấp nhân tạo bằng miệng). Hồi sức tim phổi có thể phục hồi lượng máu giàu oxy đến não. Không có oxy, tổn thương não vĩnh viễn hoặc tử vong có thể xảy ra trong vòng 8 phút. Hồi sức tim phổi cần thiết trong các trường hợp cấp cứu bao gồm tai nạn, ngạt nước, ngạt thở, hít phải khói thuốc, điện giật hoặc đột tử ở trẻ sơ sinh.
Hồi sức tim phổi gồm 3 bước CAB trong đó C (compression) là ấn ngực, A (airway) là đường thở, B (breathing) là thở. CRP nên được tiến hành càng sớm càng tốt nhưng trước tiên bạn phải xác định xem khi nào thì tiến hành. CRP chỉ nên được thực hiện khi trẻ ngừng thở hoặc khi máu lưu thông không đầy đủ.
Tham khảo tài liệu về hồi sức tim phổi sẽ giúp bạn có kiến thức cơ bản về kỹ thuật và các bước tiến hành, nhưng tốt nhất bạn vẫn nên tham gia một khóa học. Tại Việt Nam, bạn có thể liên lạc với bệnh viện địa phương hoặc Hội chữ thập đỏ để hỏi thông tin về các khóa học hồi sức tim phổi. Vì CRP là một kỹ năng phải được thực hành, tốt nhất bạn nên lặp lại khóa học ít nhất 2 năm một lần để duy trì kỹ năng và cập nhập những thay đổi.
2. Kỹ thuật ép bụng (thủ thuật Heimlich)
Nghẹt đường thở do hóc dị vật là tình huống có thể gặp hàng ngày ở trẻ, vậy bạn đã biết khi nào cần có sự can thiệp? Bạn có biết các dấu hiệu cũng như kỹ thuật cấp cứu? Và bạn có biết rằng có sự khác nhau khi thực hiện cấp cứu cho trẻ sơ sinh và trẻ lớn hơn? Các khóa học về kỹ năng cấp cứu sẽ cho bạn thông tin chi tiết về kỹ thuật ép bụng để xử lý trong những tình huống này.
3. Cách làm sạch và băng bó vết thương
Nếu vết thương chảy máu bạn có thể dùng gạc hoặc khăn sạch đắp trực tiếp lên vết thương đến khi máu ngừng chảy. Nếu 10 phút sau khi sơ cứu máu vẫn chảy bạn cần đưa trẻ đến phòng cấp cứu ngay lập tức. Bạn nhớ phải rửa tay thật sạch với xà phòng trước khi sơ cứu vết thương cho bé để tránh nhiễm trùng.
Khi máu đã ngừng chảy, kiểm tra xem có mẩu thủy tinh, đất cát hoặc dị vật khác trong vết thương hay không. Nếu có, bạn thử rửa trôi chúng dưới vòi nước lạnh. Nếu không thể rửa trôi, thử dùng nhíp cẩn thận gắp ra. Bạn cũng không nên thổi vào vết thương mặc dù việc này có thể khiến bé cảm thấy đỡ đau hơn vì có thể khiến vi khuẩn xâm nhập vào vết thương.
Bạn có thể bôi các loại thuốc sát trùng sau khi rửa sạch và làm khô vết thương sẽ giảm được nguy cơ viêm nhiễm. Lưu ý không dùng rượu thuốc, i-ốt, ôxy già, hoặc thuốc đỏ để sơ cấp cứu vết thương vì chúng không những khiến bé đau hơn mà còn làm chậm quá trình lành vết thương. Để vết thương thoáng khí và nếu phải dùng băng nhớ thay hàng ngày. Và nhớ đừng quên chuẩn bị sẵn bộ dụng cụ cứu thương cơ bản tại nhà.
4. Làm gì khi bị tiêu chảy
Mất nước do tiêu chảy hay ói mửa có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ. Bạn nên biết khi nào cần bổ sung thêm nước (nước lọc hoặc các dung dịch điện giải), khi nào thì dừng lại và chế độ ăn uống khi có các vấn đề nghiêm trọng về đường ruột. Hãy tìm hiểu chế độ ăn BRAT là chế độ bao gồm những loại thức ăn nhẹ nhàng áp dụng cho cả người lớn và trẻ em trong trường hợp dạ dày bị rối loạn hoặc tiêu chảy. BRAT là viết tắt của chuối, gạo, sốt táo và bánh mì nướng (banana, rice, applesauce and toast). Lợi ích của BRAT là:
- Chế độ ăn bao gồm các loại thực phẩm cầm tiêu chảy, đây là những thức ăn chứa ít chất xơ làm phân rắn hơn.
- Thực đơn này bao gồm chuối là loại thực phẩm già kali có thể bù đắp các chất dinh dưỡng cho cơ thể.
Chế độ ăn này chỉ nên áp dụng trong thời gian ngắn và nên dùng thức ăn ở dạng lỏng.
5. Làm gì khi bị bong gân
Bạn có trả lời được những câu hỏi: nên chườm nóng hay lạnh? nên quấn chặt hay băng đến đầu gối? cách băng bó đúng kỹ thuật hay cách giúp trẻ cảm thấy bớt đau trong lúc chờ cấp cứu hay đến bệnh viện? Nếu chưa bạn cần tìm hiểu kỹ hơn về cách sơ cứu khi bị bong gân.
Phương pháp hiệu quả điều trị bong gân được gọi là “hạt gạo” (RICE). Chữ này là chữ viết tắt của 4 chữ Rest là nghỉ ngơi, Ice là chườm lạnh, Compression là băng ép và Elevation là nâng cao chi bị bong gân.
6. Làm thế nào để nẹp xương bị gãy
Cũng giống như bong gân, bạn cần biết cách thực hiện sơ cứu cơ bản cho đến khi nhận được sự giúp đỡ y tế để hạn chế thương tích như: giữ bệnh nhân cố định, cầm máu, kê phần bị gãy cao hơn phần còn lại của cơ thể.. . Bạn cần nhớ một điều, nếu không thấy dấu hiệu thiếu tuần hoàn máu, bạn không nên tự ý định vị lại chỗ bị gãy mà hãy để việc đó cho các nhân viên y tế. Để có kiến thức chuẩn bạn nên tham gia một lớp học cấp cứu để có đủ khả năng ứng phó trong trường hợp này.
7. Làm gì khi bị bỏng
Da bị bỏng cần có chế độ chăm sóc đặc biệt. Bạn có biết sự khác nhau giữ vết bỏng cấp độ 1 và cấp độ 3? Vết bỏng nào thì cần đến bệnh viện? Bạn có thể làm gì để giảm đau đớn cho trẻ? Những việc nên và không nên làm khi bị bỏng? Đó là những câu hỏi cơ bản mà mọi cha mẹ nên biết vì bỏng dù ở mức độ nào cũng nên có những thao tác sơ cứu ban đầu. Ví dụ:
- Với những trường hợp do nước sôi, lửa: khi bị bỏng, không nên cởi bỏ quần áo vì có thể dẫn tới lột da vùng bị bỏng. Phải ngâm ngay phần cơ thể bị bỏng vào nước lạnh sạch (tuyệt đối không được dùng nước đá) trong thời gian từ 15 - 20 phút. Sau đó băng vết bỏng bằng gạc vô trùng hoặc vải sạch không có lông tơ, rồi đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
- Với những vết bỏng nhỏ như bỏng bô xe máy hay bỏng nước sôi ở mức độ nhẹ… thì sau khi ngâm nước (hoặc dội nước nhiều lần) có thể dùng thuốc mỡ đặc trị phỏng bôi phủ lên vết thương. Tuy nhiên, tốt nhất sau khi sơ cứu nên đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để đảm bảo an toàn.
8. Cách cầm máu
Chảy máu nghiêm trọng cần được hạn chế khi bị chấn thương. Thậm chí với một số người, chảy máu mũi cũng có thể trở thành vấn đề nghiêm trọng nếu bị loãng máu hoặc máu khó đông hay một vết thương ở đầu đơn giản cũng có thể tạo ra sự mất máu bất thường. Nếu bạn biết cách cầm máu có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn cho quá trình điều trị và phục hồi sau này.
9. Cách xử lý khi bị sốc
Sốc là một tình trạng đe dọa tính mạng xảy ra do cơ thể không được cung cấp đủ lưu lượng máu và oxy. Sốc cần được điều trị y tế ngay lập tức để tránh tình trạng xấu đi nhanh chóng.
Theo các bác sĩ tại bệnh viện Mayo (Mỹ) thì triệu chứng khi bị sốc bao gồm:
- Da lạnh và ẩm, có màu xám hoặc xanh xám.
- Mạch nhanh và yếu, đôi khi đi kèm với nhịp thở chậm và nông hoặc thở gấp.
- Mắt trợn và lờ đờ, thường đi kèm với hiện tượng giãn đồng tử.
Nếu bạn nghi trẻ bị sốc, hãy để con nằm ngửa, đặt chân lên vị trí cao hơn đầu, tránh cử động nhiều. Sau đó, nới lỏng quần áo và đắp chăn lên người trẻ. Không được cho con uống bất cứ thứ gì. Thực hiện tất cả các thao tác đó xong, bạn mới nên gọi bác sĩ.
10. Biết khi nào cần sự can thiệp và cách phân loại bệnh
Bạn cần có kiến thức để biết tình trạng nào có thể tự chăm sóc, khi nào cần đi bệnh viện, khi nào cần gọi cấp cứu 115. Đôi khi sẽ rất khó cho cha mẹ hạn chế các yếu tố cảm xúc như lo lắng, xúc động để phân biệt tình trạng bệnh, ví dụ như: cảm lạnh đơn thuần hay viêm phổi (viêm phổi là một tình huống nguy hiểm).
Hay trong những trường hợp nghiệm trọng có nhiều người trong gia đình cùng bị thượng bạn cần biết ai là người cần giúp đỡ nhất, ai có thể tự duy trì đến khi có trợ giúp…Để giúp đỡ chính mình và gia đình, cha mẹ nên tham gia các lớp học về kỹ năng sơ cấp cứu cơ bản.