Giáo dục nhà trường cũng như gia đình hiện nay thiên về xu hướng tăng cường hoạt động thể chất, thực hành kỹ năng cho trẻ em, khác với trước kia trẻ chỉ được truyền thụ kiến thức sách vở là chính. Việc rèn luyện thể lực song song với giáo dục kiến thức, cảm xúc nhằm tránh tình trạng trẻ lớn lên thiếu hài hòa: thừa kiến thức nhưng lại thiếu sức khỏe, thiếu kỹ năng và khó hòa nhập.
Dưới đây là 10 lợi ích mà môn thể thao đồng đội có thể mang lại, hữu ích cho sự phát triển toàn diện, hài hòa của trẻ:
Tăng khả năng làm việc theo nhóm
Khả năng giao tiếp và phối hợp tốt với những người khác là một kỹ năng mà tất cả những người chơi các môn thể thao đồng đội cần phải có. Những trẻ chơi thể thao biết phối hợp tốt với đồng đội thì trong công việc sau này thường cũng sẽ dễ dàng thích nghi khi làm việc trong các đội, nhóm.
Học hỏi kỹ năng lãnh đạo
Các môn thể thao đồng đội đòi hỏi nỗ lực của cả nhóm, tuy nhiên, trẻ vẫn có thể học hỏi được về khả năng lãnh đạo. Trẻ sẽ học được cách có trách nhiệm với vai trò hay vị trí được cả đội giao phó. Lãnh đạo không nhất thiết trẻ phải là đội trưởng hay là người chơi giỏi nhất, lãnh đạo đôi khi chỉ là bạn biết lãnh đạo bản thân, chơi có trách nhiệm với một tinh thần tốt nhất.
Bóng đá là một trong những bộ môn thể thao đồng đội có thể dạy cho trẻ em rất nhiều các kỹ năng sống quan trọng. Ảnh minh họa
Xây dựng sự tự tin
Chơi trong một đội, trẻ em không chỉ cần có tinh thần đồng đội, biết tương trợ lẫn nhau mà còn phải có lòng tự trọng, luôn tự tin để chơi đẹp và chơi hết mình.
Một cái gật đầu, vỗ nhẹ vào lưng, giơ ngón tay cái, hay nụ cười mỉm của đồng đội hoặc huấn luyện viên đều có tác dụng tích cực giúp xây dựng sự tự tin ở trẻ em.
Tăng cường kỹ năng giao tiếp và phát triển các mối quan hệ
Để chơi tốt trong một đội, trẻ cần có kỹ năng giao tiếp tốt, biết cách xây dựng và quản lý tốt mối quan hệ với các thành viên khác trong đội. Giao tiếp ở đây không nhất bằng lời nói, mà có thể là giao tiếp hình thể và thông qua các hành động.
Rèn sự kiên trì
Chơi thể thao để giỏi, trẻ không thể không luyện tập chăm chỉ và điều quan trọng nhất là phải kiên trì. Sự thành công trong thi đấu không phải dễ dàng ngày một, ngày hai mà có được, thậm chí phải mất hàng năm trời. Chỉ có kiên trì tập luyện đều đặn mỗi ngày, trẻ mới có thể tiến bộ và đạt được thành tích tốt.
Rèn tính kỷ luật
Chơi thể thao, trẻ phải tuân theo các luật lệ và quy định của môn chơi cũng như của các huấn luyện viên. Nếu trẻ không tuân thủ luật chơi, ngay lập tức trẻ có thể sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Ngoài ra, trong quá trình luyện tập, trẻ cũng cần rèn tính kỷ luật, tập luyện nghiêm túc để có thể có được thành tích thi đấu tốt nhất.
Nhiều trẻ em ngại tập thể dục hàng ngày, nhưng khi bắt đầu chơi một môn thể thao nào đó, trẻ sẽ có ý thức tập luyện đều đặn để rèn luyện thể chất và tinh thần thi đấu dẻo dai. Ví dụ, để có thể chơi bóng đá tốt, trẻ cũng cần giỏi trong các môn điển kinh như chạy, nhảy cao, nhảy xa…; do đó, trẻ bắt buộc phải tập luyện thể dục thường xuyên và nghiêm túc.
Biết đặt ra các mục tiêu
Khi chơi thể thao, để chiến thắng, mỗi một đứa trẻ đều phải biết đề ra các mục tiêu cụ thể cho bản thân mình. Nếu mỗi một mục tiêu cá nhân đều được trẻ hoàn thành thì khả năng cao mục tiêu lớn của cả đội cũng sẽ được thực hiện.
Bóng rổ tuy mới gia nhập vào Việt Nam nhưng nó là một trong những bộ môn thể thao đồng đội ngày càng được nhiều trẻ em yêu thích. Ảnh minh họa
Biết quản lý thời gian
Mỗi một bộ môn thể thao dù là cá nhân hay đồng đội đều có một lượng thời gian quy định nhất định, bạn sẽ phải hoàn thành nó theo đúng kế hoạch đã đề ra. Ví dụ, trẻ chỉ có 30 phút để chiến thắng một trận đá bóng với trường bạn, trong 30 phút đó, trẻ sẽ phải nỗ lực hết mình cùng các đồng đội của mình để ghi bàn và giành chiến thắng. Nếu không chú ý đến vấn đề thời gian, trẻ sẽ không thể bứt phá và chiến thắng.
Tinh thần đồng đội là điều kiện quan trọng để giúp trẻ giành thắng lợi trong các môn thể thao đồng đội. Ảnh minh họa
Biết tôn trọng
Dù chơi thắng hay thua, trẻ cũng sẽ học được tinh thần thi đấu fair play, biết tôn trọng các bạn chơi trong nhóm của mình cũng như tôn trọng cả những đối thủ, tôn trọng luật chơi và quyết định cuối cùng của Ban tổ chức.
Biết cách giải quyết vấn đề và các xung đột
Chơi các môn thể thao đồng đội nhiều khi rất phức tạp, các mâu thuẫn, xung đột, hiểu nhầm đều có thể xảy ra trong trận đấu, trẻ cần có kỹ năng ứng phó tốt để có thể giải quyết các vấn đề đó. Nếu không biết cách giải quyết vấn đề, rất có thể, những trận cãi vã, ẩu đả có thể xảy ra gây gián đoạn cuộc chơi.
Tiền rất quan trọng, nhưng tiền không mua được sức khỏe, còn thể thao thì có thể. Hãy khuyến khích con bạn tập luyện thể dục, thể thao hàng ngày, nhất là các môn thể thao có tính đồng đội vì những lợi ích tuyệt vời như đã kể trên.
Phương Anh/GĐTE