Toàn cảnh Hội thảo
Tham dự hội thảo có Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt; Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa, đại diện các Bộ, Ban, ngành liên quan, đại diện các Sở VHTTDL, Sở VHTT địa phương và các chuyên gia, nhà nghiên cứu về công tác gia đình.
Luật PCBLGĐ được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 2 thông qua, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2008 nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất để bảo vệ quyền và lợi ích của các thành viên trong gia đình, góp phần củng cố và xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc trong điều kiện hội nhập quốc tế.
Luật quy định về phòng ngừa bạo lực gia đình, bảo vệ hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong PCBLGĐ và xử lý vi phạm pháp luật về PCBLGĐ. Sau 10 năm triển khai, thi hành Luật, việc rà soát đánh giá kết quả nhằm làm rõ những thuận lợi và khó khăn là hết sức cần thiết.
Cần nhân rộng các mô hình PCBLGĐ hiệu quả
Tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Gia đình Bộ VHTTDL Trần Tuyết Ánh đã nêu báo cáo sơ lược 10 năm thi hành Luật PCBLGĐ. Theo đó, báo cáo đã khái quát về kết quả sau 10 năm triển khai, thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, cũng như những thuận lợi, khó khăn, thách thức và trong quá trình triển khai Luật với 7 nội dung trọng tâm như: Về xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch về PCBLGĐ, Bộ VHTTDL đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành nhiều văn bản như Nghị định số 08/2009/NĐ-CP; Nghị định số 110/2009/NĐ-CP, Nghị định số 02/2014/NĐ-CP và Nghị quyết số 81/NQ-CP... cùng các nội dung: Triển khai, thi hành văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch về PCBLGĐ; Hướng dẫn thực hiện hoạt động hỗ trợ nạn nhân BLGĐ; Thực hiện hợp tác quốc tế về PCBLGĐ; Hướng dẫn công tác tổng hợp, phân tích về PCBLGĐ, nhân rộng các mô hình PCBLGĐ hiệu quả; Phối hợp liên ngành trong PCBLGĐ; Những khó khăn, vướng mắc khi triển khai các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành...
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy phát biểu chỉ đạo Hội thảo
Trong đó, việc nhân rộng các Mô hình PCBLGĐ được Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với địa phương thí điểm Mô hình PCBLGĐ tại 64 xã/phường/thị trấn thuộc 64 tỉnh/thành phố, sau 3 năm cho thấy số vụ bạo lực gia đình giảm 77,8% so với trước khi triển khai Mô hình.
Công tác truyền thông đã có sự đổi mới linh hoạt tích cực
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt đánh giá việc thực hiện thi hành Luật PCBLGĐ trong 10 năm qua, về cơ bản đáp ứng được yêu cầu và đã thực sự đi vào cuộc sống. Công tác thông tin tuyên truyền rất quan trọng, Bộ VHTTDL đã chủ động ký kết các văn bản liên quan để Luật PCBLGĐ đi vào đời sống. Công tác truyền thông đã có sự đổi mới linh hoạt rất tích cực. Ví dụ khi triển khai Luật, có những tờ rơi phát tới tận tay người dân, hay ở các tỉnh miền núi phát tờ rơi ở các phiên chợ kết hợp với loa phát thanh tuyên truyền, cùng với nhiều kênh thông tin, nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng tới mọi người dân.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt đánh giá 10 năm thi hành Luật PCBLGĐ về cơ bản đáp ứng được yêu cầu và đã thực sự đi vào cuộc sống
Về công tác hoà giải, ở địa phương có các tổ hoà giải, với sự tham gia của những thành viên uy tín ở cộng đồng như: già làng, trưởng bản, trong đó vai trò của Hội phụ nữ được đánh giá tốt. Trong cộng đồng dân cư có nhiều cách làm sâu sát, hiệu quả trong công tác PCBLGĐ.
Các cơ sở, ngôi nhà tạm lánh ở các địa phương hay đặt ở các gia đình trưởng thôn, chi hội phụ nữ, là các địa chỉ tin cậy giúp đỡ những nạn nhân bị BLGĐ ở địa phương vẫn còn khó khăn, chủ yếu dựa vào các mô hình của Hội phụ nữ, do đó cần có đánh giá thêm.
Việc xử phạt gặp nhiều khó khăn, mức xử phạt hành chính còn thấp. Công tác phối hợp liên ngành tránh chồng chéo.
Về nguồn lực cán bộ làm công tác gia đình ở cấp tỉnh, huyện, xã chủ yếu là kiêm nhiệm. Do đó những kết quả đạt được có nhiều thành tích, tuy nhiên còn những hạn chế.
Qua quá trình giám sát cho thấy việc thi hành Luật PCBLGĐ còn chậm, phối kết hợp liên ngành hạn chế.
Việc hoà giải BLGĐ, nhiều vụ mang tính hình thức, quan điểm của nhiều người dân là giải quyết nội bộ trong gia đình, đóng cửa bảo nhau, nên hiệu quả chưa cao.
Thống kê BLGĐ chưa chính xác ở các địa phương, nạn nhân BLGĐ không chỉ có phụ nữ, mà cả các đối tượng người già, trẻ em, người khuyết tật. Việc giải quyết xử lý BLGĐ còn nhiều khó khăn…
Từ thực tế trên chúng tôi đề nghị các UBND cấp tỉnh/thành phố bổ sung thêm ngân sách cho công tác gia đình (hiện nay, có khoảng 4,09% ngân sách cho lĩnh vực gia đình), phần lớn đều là tự cân đối ở địa phương, bởi vấn đề BLGĐ nói riêng và lĩnh vực gia đình nói chung vẫn chưa được chú ý thực sự.
Cần tăng cường truyền thông, phối hợp các bộ, ngành liên quan để công tác khen thưởng được tốt hơn. Tỉnh Hải Dương là một trong những tỉnh đã làm rất tốt công tác gia đình, nhờ có sự hỗ trợ của UBND tỉnh, rất cần được nhân rộng. Bộ LĐTBXH cần hỗ trợ các nạn nhân học nghề tạo việc làm.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt nhấn mạnh, các địa phương cần tăng cường vai trò của chính quyền các cấp trong công tác quản lý nhà nước, cấp đủ kinh phí cho công tác gia đình để có kết quả cao hơn.
Xử lý các vụ việc BLGĐ quá nhẹ, chủ yếu tập trung vào hòa giải và không có tính răn đe triệt để
GS Lê Thị Quý là người đặt nền móng cho các mô hình phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) ở nhiều địa phương
PGS-TS Hoàng Bá Thịnh phát biểu tại hội thảo
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến của các đại biểu đến từ các Bộ, ngành, Sở VHTTDL một số địa phương đã nêu ra những bất cập như: số liệu thống kê BLGĐ khó chính xác vì nhiều người vẫn giấu và cho BLGĐ là chuyện trong nhà đóng cửa bảo nhau; Việc xử lý các vụ việc BLGĐ quá nhẹ, phạt hành chính khó thực hiện, chủ yếu tập trung vào hòa giải và không có tính răn đe triệt để nên vi phạm tiếp tục tái diễn; Sự phối hợp giữa các Bộ, Ban, ngành, các cơ quan, đơn vị trong việc thực thi Luật còn chưa hiệu quả; Các cơ sở hỗ trợ nạn nhân nhà tạm lánh, các hỗ trợ về chăm sóc, tư vấn tâm lý, y tế chưa phát huy hiệu quả thực sự, lẽ ra người gây ra bạo lực phải tạm lánh ra khỏi nhà (như ở Hàn Quốc đang áp dụng); Chưa đánh giá đúng tình trạng bạo lực gia đình là nguyên nhân gây ra các bạo lực khác; Mức kinh phí hoạt động, truyền thông về PCBLGĐ còn hạn chế, hầu như các hoạt động truyền thông chỉ rộ lên theo thời điểm, sự kiện phát động mà không có sự duy trì thường xuyên, các địa phương cần bố trí kinh phí bảo đảm thực hiện nhiệm vụ cho hoạt động PCBLGĐ nói riêng, công tác gia đình nói chung; Cần có sự thống nhất về quản lý nhà nước trong lĩnh vực PCBLGĐ hiện nay…
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy kết luận tại Hội thảo
Sắp diễn ra Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật PCBLGĐ trên phạm vi toàn quốc
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp tại Hội thảo rất thiết thực, có giá trị. Tháng 12 tới, Bộ VHTTDL sẽ tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật PCBLGĐ trên phạm vi toàn quốc, do vậy ý kiến từ Hội thảo này sẽ được tập hợp để đưa vào Báo cáo tổng kết của Hội nghị. Bên cạnh đó, Hội nghị sẽ đưa ra những đề xuất giải pháp triển khai thi hành Luật trong thời gian tới; cung cấp những bằng chứng cơ sở khoa học và thực tiễn kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ xem xét sửa đổi, bổ sung Luật và các văn bản quy phạm pháp luật về PCBLGĐ để Luật PCBLGĐ phù hợp, hiệu quả và sát thực với thực tiễn hơn.
Việt Cường / TC Gia đình & Trẻ em