Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

10 năm tìm hài cốt 17 chiến sĩ đặc công

Ngày đầu tháng 6, lực lượng quân sự huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam hoàn tất khai quật hố chôn tập thể 17 hài cốt liệt sĩ hy sinh trong trận đánh sân bay Khâm Đức 50 năm trước. Ông Hưởng bảo "không tin đây là sự thật mà cứ ngỡ như mơ".

Ông Phạm Công Hưởng trong một lần hướng dẫn hồ sơ tìm kiếm mộ liệt sĩ cho Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đăk Glei, Kon Tum. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ông Phạm Công Hưởng trong một lần hướng dẫn tìm kiếm mộ liệt sĩ cho Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đăk Glei, Kon Tum. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Sinh năm 1952 ở xã Ngô Quyền, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, học hết cấp 3 ông Hưởng nhập ngũ năm 1970, được phân về Tiểu đoàn đặc công 404, đóng quân ở rừng nơi tiếp giáp giữa Quảng Nam và Kon Tum. Ông được nghe và rất cảm phục chuyện 17 đàn anh cùng đơn vị đánh trận cảm tử vào sở chỉ huy sân bay Khâm Đức để giữ con đường huyết mạch chi viện cho miền Nam.

Cuộc chiến chưa kết thúc, ông Hưởng hành quân lên Đăk Pét, huyện Đăk Glei, Kon Tum. Năm 1972, giải phóng địa phương này, ông cùng đơn vị quay xuống đồng bằng Quảng Nam và vào miền Nam. Tháng 12/1974, do bị thương trong một trận đánh tại xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi, ông Hưởng ra Bắc điều trị.

Đất nước thống nhất, ông công tác tại trường Trung cấp Kỹ thuật Xây dựng, sau đó sang Đức học kỹ sư xây dựng. Về nước, ông công tác ở nhiều cơ quan và được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho nghỉ hưu vào năm 2012 tại Hà Nội. Bộn bề công việc, nhưng câu chuyện về 17 đồng đội đang nằm lại sân bay Khâm Đức năm xưa ông không thể quên. Hiểu được người thân của họ đang ngày đêm trông ngóng nên ông quyết phải làm một việc gì đó chia sẻ bớt nỗi đau này.

Tiếng Anh tốt, ông liên hệ Trung ương Hội cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam hỏi thông tin trận đánh sân bay Khâm Đức. Năm 2011, ông tập hợp gần 60 người cùng đơn vị, kêu gọi các nhà tài trợ đi vào sân bay Khâm Đức tìm kiếm. Chiến trường năm xưa giờ lau lách, cây cối mọc um tùm, nhà dân xây dựng nhiều nên khó xác định được vị trí. Tuy nhiên, ông Hưởng không từ bỏ, mỗi năm lại bỏ tiền túi lên đường vào Khâm Đức cùng chính quyền địa phương khai quật.

Năm 2015, được hai trường đại học ở TP HCM hỗ trợ, cho hai máy rađa xuyên đất, nhóm tìm kiếm phát hiện hố có nhiều vũ khí và đất đen. Ai cũng mừng, tưởng phát hiện ra hố chôn tập thể, nhưng khi hỏi các cựu chiến Mỹ thì nói không phải. Họ cho biết đó là hố chất thải, trước khi rút quân cho đồ nhựa, bao tải, vũ khí và xăng dầu đốt cháy. "Tôi tuột mất hy vọng, nhưng không bỏ cuộc", ông nói.

Những mẫu xương tìm thấy trong lúc khai quật đầu tháng 6/2020. Ảnh: Đắc Thành.

Những mẩu xương tìm thấy trong lúc khai quật đầu tháng 6/2020. Ảnh: Đắc Thành.

Năm 2013, cựu phóng viên chiến trường Mỹ - Christopher Jensen đưa lên Youtube video dài hơn 6 phút quay cảnh bộ đội Việt Nam tử vong ở sân bay Khâm Đức. Qua lời kể của đồng đội, ông xác định đó là hình ảnh trận đánh sáng 5/8/1970 khiến 17 chiến sĩ đặc công hy sinh.

Tìm được video, ông Hưởng mừng rỡ như gặp được của quý vì mở ra cánh cửa tìm kiếm đồng đội. Ông liên hệ với Christopher Jensen bằng Skype, chủ động làm quen bằng cách gửi một tấm ảnh lúc còn trẻ mới vào quân đội. Đáp lại cựu nhà báo bên kia bán cầu gửi một bức ảnh lúc hơn 20 tuổi.

Christopher Jensen kể đêm 4 rạng 5/8/1970, ông là lính mới đến được 4 ngày. Đêm đó, ông ra hàng rào đứng gác, dùng đèn pin rọi. Chiếc đèn giống như "lạy ông tôi ở bụi này", nhưng ông không bị bắn. Lính đặc công vào trung tâm chỉ huy đánh, phá hỏng máy phát điện, kho vũ khí...

Nghe xong, ông Hưởng nhủ thầm Christopher Jensen không hiểu gì về đặc công Việt Nam. Chiến thuật của đặc công là luồn sâu, đánh trong đánh ra, "đánh nở hoa trong lòng địch".

Christopher Jensen chia sẻ thêm, trong chiến tranh thế giới 2, Đức và Mỹ mâu thuẫn nhưng sau đó bắt tay với nhau. Christopher Jensen nghĩ Việt Nam và Mỹ không bao giờ nhưng thời gian đã thay đổi tất cả. "Chiến tranh đã kết thúc, hai đất nước trở thành bạn", ông Hưởng kể lại cuộc trò chuyện với cựu nhà báo Mỹ.

Được Christopher Jensen vận động các cựu chiến binh Mỹ cung cấp thông tin về hố chôn tập thể, ông Hưởng thu thập rồi vẽ sơ đồ trên hình ảnh vệ tinh mô phỏng vị trí. Tuy nhiên, từ sơ đồ ra thực địa sai số hàng trăm mét. Hết lần này đến lần khác, cựu nhà báo giúp đỡ để giải quyết.

Suốt 5 năm (2013-2018), cứ 3h sáng khi Christopher Jensen thức giấc thì ông Hưởng tỉnh dậy để trao đổi. Có đêm, ông nói chuyện với cựu binh Mỹ đến sáng khiến vợ, con lo lắng. Ông bảo không muốn mất cơ hội nào khai thác thông tin để sớm tìm ra hố chôn tập thể, đưa đồng đội về quê.

Cựu nhà báo ở Mỹ lập trang web kêu gọi quyên góp và cử những cựu binh khác đến Việt Nam hỗ trợ ông Hưởng tìm kiếm. Bằng trí nhớ của mình và hỏi đồng đội, cựu nhà báo đã cung cấp sơ đồ hố chôn tập thể nhiều lần nhưng tìm chưa chính xác.

Đến năm 2018, Christopher Jensen tìm được một người trực tiếp chôn 17 chiến sĩ đặc công. Người này xác định hố chôn tập thể cách bờ rào phía Đông sân bay Khâm Đức khoảng 70 m, hố sâu 5 m, rộng 4 m. Tấm sơ đồ gửi đến cơ quan chức năng huyện Phước Sơn để lên kế hoạch tìm kiếm. Ông Hưởng làm việc trên máy tính và tự mày mò làm video, vẽ bản đồ.

Sơ đồ giúp lực lượng tìm kiếm được hố chôn tập thể 17 chiến sĩ đặc công do một cựu chiến binh Mỹ trực tiếp chôn cất cung cấp. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Sơ đồ giúp tìm ra hố chôn tập thể 17 chiến sĩ đặc công do một cựu chiến binh Mỹ trực tiếp chôn cất cung cấp. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ngày 19/5, ông Hưởng cùng ba đồng đội trở lại Phước Sơn tham gia với đội tìm kiếm của Ban Chỉ huy quân sự huyện Phước Sơn. Hàng ngày ông truyền dẫn thông tin từ một cựu chiến binh Mỹ áp dụng vào thực địa. Sau nửa tháng khai quật, chiều 3/6, 17 hài cốt đã được tìm thấy.

Mắc bệnh ung thư vòm họng, ông Hưởng biết quỹ thời gian của mình không còn nhiều, nhưng chưa tìm thấy đồng đội trước khi qua đời sẽ rất ân hận. "Giờ tôi đã mãn nguyện nếu phải nhắm mắt, xuôi tay", ông nói. 17 hài cốt chiến sĩ đặc công đã được đưa về nghĩa trang, không còn nằm lại giữa rừng cây lau lách lạnh lẽo.

10 năm tìm kiếm, điều khiến ông Hưởng trăn nhở nhất là có người hỏi sau mỗi lần khai quật không phát hiện, lần tiếp theo thực hiện như thế nào. Vì mỗi lần tốn công sức đồng đội, người thân đi cùng, địa phương mất nhiều kinh phí hỗ trợ. "Đây là đòn cân não đối với bản thân, nhưng tôi biết 17 hài cốt đang nằm lại ở sân bay Khâm Đức nên không bao giờ hết hy vọng", ông nói.

Bà Lê Thị Liên, 56 tuổi, con gái liệt sĩ Lê Quý Quỳnh, Tiểu đoàn phó đặc công 404 - một trong 17 chiến sĩ hy sinh trong trận đánh vào sân bay Khâm Đức, chia sẻ ông Hưởng rất nhiệt tình tìm kiếm đồng đội. Mang bệnh nan y, ông không quản ngại khó khăn, liên tục móc nối với các cơ quan, ban ngành, cá nhân để thực hiện. "Chúng tôi rất nể phục và biết ơn bác Hưởng", bà Liên nói.

Thượng tá Phan Anh Hải, Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự huyện Phước Sơn, nhận xét ông Hưởng "đầy trách nhiệm, tình thương với đồng đội dù là thế hệ sau". "Ông đã kết nối với nhà báo ở Mỹ cung cấp thông tin, sơ đồ rất bổ ích để cơ quan quân sự làm cơ sở tìm được 17 hài cốt liệt sĩ", thượng tá Hải nói.

Theo Đắc Thành/vnexpress