10 quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam đã được thông qua tại Hội nghị Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 5- Khóa X và được Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam ký quyết định ban hành.
Trước đó, ngày 16/12, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Thuận Hữu đã ký quyết định ban hành 10 quy định này, có hiệu lực từ ngày 1/1/2017.
Nội dung 10 quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo: Điều 1: Trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; vì lợi ích của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân; góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Điều 2: Nghiêm chỉnh thực hiện Hiến pháp, Luật Báo chí, Luật bản quyền và các quy định của pháp luật. Thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; nội quy, quy chế của cơ quan báo chí nơi công tác. Điều 3: Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi. Bảo vệ công lý và lẽ phải. Không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật, gây chia rẽ, kích động xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc. Điều 4: Nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người. Không xâm phạm đời tư, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân. Điều 5: Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác. Điều 6: Bảo vệ bí mật quốc gia, bí mật nguồn tin theo quy định của pháp luật. Điều 7: Đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp. Điều 8: Tích cực học tập, nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, ngoại ngữ, phấn đấu vì một nền báo chí dân chủ, chuyên nghiệp và hiện đại. Điều 9: Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; Bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Điều 10: Những người làm báo Việt Nam cam kết thực hiện những quy định trên, đó là bổn phận và nguyên tắc hành nghề, là lương tâm và trách nhiệm của người làm báo. |
Không máy móc "7 hồng, 3 tối" Ngày 6/1, tại buổi tọa đàm Phát huy vai trò của báo chí trong đấu trang chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương lưu ý báo chí cân đối giữa xây và chống sao cho hài hòa. “Chúng ta không máy móc '7 hồng 3 tối' nhưng để 1 tờ báo tổng kết 1 năm đưa 156 tin bài mà chỉ có 3, 4 tin bài tốt thì không phản ánh đúng tình hình của xã hội”, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng lưu ý. Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo cũng yêu cầu các cơ quan báo chí khắc phục nhược điểm này, tuyên truyền hài hòa giữa tốt và xấu, tăng tin bài về cái tốt, nêu điển hình tiêu biểu có sức lan tỏa chứ không phải làm cho có. Đồng chí cũng lưu ý báo chí đấu tranh chống cái xấu thì thông tin phải chắc chắn, sắc sảo, dũng cảm, kiên định, không bị mua chuộc... “Đây là trận địa khó khăn nhưng chính điều đó đòi hỏi tinh thần chiến đấu, dũng khí của người làm báo với tư tưởng 'phò chính trừ tà' để làm sao bảo vệ chính nghĩa chứ không phải 'đánh đấm'”, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh. Đồng chí Võ Văn Thưởng cũng nhắc nhở tình trạng một số báo lập ra chỉ chuyên lấy lại tin bài của báo khác, còn phóng viên đến công ty này, công ty kia dùng thông tin tiêu cực để kêu gọi bảo trợ thông tin mà nói trắng ra không khác gì “tống tiền”. (Theo Thu Hằng - vietnamnet) |