1. Hoàng Xuân Vinh giành HCV Olympic. Ngày 7/8/2016 vĩnh viễn đi vào lịch sử của thể thao Việt Nam, ghi dấu thời điểm chúng ta lần đầu tiên giành HCV Olympic. Ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam, trong đợt bắn chung kết, Hoàng Xuân Vinh giành 202,5 điểm, hơn 0,4 điểm so với Felipe Almeida Wu (Brazil). Đây cũng là thành tích phá kỷ lục Olympic, trở thành kỷ lục Thế vận hội đầu tiên trong lịch sử bị phá bởi 1 VĐV Việt Nam. 1 ngày sau đó, Hoàng Xuân Vinh lại giành HCB nội dung 50m súng ngắn bắn chậm nam, với thành tích 191,3 điểm (kém Jin Jong Oh của Hàn Quốc – 193,7 điểm).
Hoàng Xuân Vinh - biểu tượng chiến thắng của thể thao Việt Nam năm 2016
2. Lê Văn Công giành HCV Paralympic. Giống như Hoàng Xuân Vinh tại Thế vận hội, Lê Văn Công cũng trở thành người đầu tiên trong lịch sử thể thao Việt Nam giành HCV ở Đại hội thể người khuyết tật thế giới, ở hạng cân 49kg nam của môn cử tạ. Với thành tích tổng cử là 181kg, Lê Văn Công cũng phá luôn kỷ lục thế giới ở nội dung vừa nêu. Ngoài tấm HCV của Lê Văn Công, đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam còn thành công lớn với thêm 1 HCB thuộc về Võ Thanh Tùng và 2 HCĐ thuộc về Cao Ngọc Hùng và Đặng Thị Linh Phượng, biến Paralympic 2016 trở thành kỳ đại hội vượt ngoài sức tưởng tượng.
Lê Văn Công giành HCV Paralympic đầu tiên cho thể thao người khuyết tật Việt Nam
3. Đội tuyển U19 Việt Nam giành quyền tham dự VCK World Cup U20. Lần đầu tiên trong lịch sử, một đội bóng sân cỏ của Việt Nam giành quyền góp mặt ở VCK giải vô địch thế giới. Nằm trong bảng đấu nặng ký, với sự hiện diện của CHDCND Triều Tiền, UAE và Iraq, đội tuyển U19 Việt Nam không thua trận nào tại vòng bảng (1 thắng, 2 hoà), vào tứ kết. Ở trận tứ kết, đội bóng của HLV Hoàng Anh Tuấn bất ngờ đánh bại chủ nhà Bahrain để chính thức ghi tên mình vào giải U20 thế giới 2017. Giải vô địch U20 thế giới chính là nấc thang cuối cùng để hàng loạt tài danh của làng túc cầu chuyển tiếp từ bóng đá trẻ sang sân chơi đỉnh cao, để thành danh như Maradona, Messi, Aguero (Argentina), Luis Figo, Manuel Rui Costa (Bồ Đào Nha), hay Davor Suker (Croatia)...
U19 Việt Nam ghi dấu ấn lịch sử bằng vé vào VCK World Cup U20
4. Đội tuyển futsal Việt Nam vào vòng knock-out World Cup. Trước khi đội tuyển U19 Việt Nam có vé đến VCK World Cup U20, đội tuyển futsal Việt Nam trở thành đội bóng đầu tiên của nước ta có suất chính thức tham dự một giải đấu thế giới. Ở giải vô địch châu Á (cũng là vòng loại World Cup) diễn ra hồi tháng 2, đội bóng của HLV Bruno Garcia gây chấn động khi đánh bại đương kim vô địch Nhật Bản ở tứ kết, để giành vé đến VCK World Cup. Tiếp đến, tại VCK giải thế giới vào tháng 9 ở Colombia, đội tuyển futsal Việt Nam tiếp tục gây tiếng vang và tạo ra hàng loạt cột mốc lịch sử khác: Đội bóng Việt Nam đầu tiên có chiến thắng tại World Cup, đội bóng Việt Nam đầu tiên ghi bàn ở sân chơi này (Nguyễn Minh Trí là người nhận vinh dự trên), đội bóng Việt Nam đầu tiên vào vòng đấu loại trực tiếp của giải.
Đội tuyển futsal Việt Nam giành quyền vào vòng knock-out World Cup futsal 2016
5. Việt Nam dẫn đầu tại Đại hội thể biển châu Á 2016. Với 52 HCV, 44 HCB và 43 HCĐ (tổng cộng 139 huy chương), đoàn Việt Nam đứng đầu toàn đoàn, bỏ rất xa Thái Lan ở vị trí thứ 2 (36 HCV, 24 HCB, 30 HCĐ), Trung Quốc ở vị trí thứ 3 (12 HCV, 18 HCB, 19 HCĐ). Dù vậy, thành tích này không được xem là thước đo chính xác khả năng của các nền thể thao ở châu lục, vì hầu hết các quốc gia chỉ xem Đại hội thể thao biển là cơ hội quảng bá về du lịch, hình ảnh đất nước và con người, hơn là các cuộc đua tài thật sự trong thể thao.
6. Đội tuyển bóng đá Việt Nam thất bại tại AFF Cup 2016. Đặt mục tiêu vào chung kết, lại rơi vào một nhánh đấu được xem là rất may mắn, khi đụng toàn đối thủ nhẹ nhất có thể, nhưng đội tuyển Việt Nam lại gây thất vọng khi bị loại khỏi bán kết. Ngoại trừ tinh thần ngoài sức tưởng tượng trong trận bán kết lượt về với Indonesia (dẫn ngược 2-1, sau khi bị đuổi 1 người và không có thủ môn đúng nghĩa), đội tuyển Việt Nam thất bại cả về chuyên môn lẫn phong cách, trở thành đội bóng bị chấm điểm fair-play kém nhất tính đến sau vòng bán kết.
Đội tuyển Việt Nam gây thất vọng cả về chuyên môn lẫn phong cách tại AFF Cup 2016
7. Hội khoẻ Phù Đổng toàn quốc lần thứ 9. Với tổng điểm 9610, TP. HCM dẫn đầu Hội khoẻ Phù Đổng năm nay. Cũng giống như mọi năm, đây là sân chơi mang theo kỳ vọng phát hiện nhân tài từ thể thao học đường, bổ sung cho thể thao đỉnh cao. Tuy nhiên, giải lại đôi lần bị mất hình ảnh vì một vài đoàn, một vài đội thực hiện điều ngược lại, tức là dùng VĐV đỉnh cao, hoặc đã có thành tích cấp quốc gia trở lại thi đấu tại Hội khoẻ Phù Đổng, vi phạm điều lệ và bị xử lý.
8. Nguyễn Thị Ánh Viên giành HCV và phá kỷ lục bơi châu Á. Về đích với thành tích 4 phút 37 giây 71 ở đợt bơi chung kết nội dung 400m hỗn hợp nữ tại giải vô địch bơi châu Á 2016, Ánh Viên giành HCV và phá kỷ lục châu lục ở nội dung này. Dù vậy, đây vẫn chưa phải là thành tích tốt nhất của Ánh Viên, đồng thời vẫn còn kém kỷ lục thế giới ở cùng nội dung đến 11 giây 35 (4 phút 26 giây 36).
Ánh Viên phá kỷ lục châu Á trên đường đua xanh
9. Cờ vua Việt Nam giành HCV tại giải vô địch châu Á. Ở giải vô địch châu Á diễn ra từ ngày 25/5 – 5/6 tại Taskent (Uzbekistan), cờ vua Việt Nam giành 1 HCV và 2 HCB. Kỳ thủ nữ Nguyễn Thị Mai Hưng chính là người giành HCV nội dung cờ chớp nhoáng, còn kỳ thủ nam Lê Quang Liêm giành 2 HCB ở các nội dung cờ tiêu chuẩn và cờ chớp nhoáng, cả hai cùng giành quyền tham dự giải vô địch thế giới 2017.
Thể thao trí tuệ Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế
10. Đội tuyển quần vợt Việt Nam gây ấn tượng tại giải đồng đội nam thế giới Davis Cup. Dù thất bại trước Thái Lan và không thể giành quyền lên nhóm 1 khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhưng đội tuyển quần vợt Việt Nam vẫn có 1 kỳ Davis Cup thành công. Lần đầu tiên đội tuyển tập hợp được lực lượng tốt như năm nay, với nòng cốt là các tay vợt còn rất trẻ gồm Lý Hoàng Nam và Nguyễn Hoàng Thiên. Trước đó, các tay vợt này có chiến thắng rất ấn tượng trước chủ nhà Indonesia để giành quyền trụ lại nhóm 2, dần đưa thành tích của quần vợt Việt Nam vào sự ổn định.