Tuần lễ Cấp cao APEC đã đưa Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới
1. Việt Nam tổ chức thành công “Năm APEC Việt Nam 2017”
Vào tháng 11/2016, Việt Nam chính thức nhận chuyển giao vai trò chủ nhà Năm APEC 2017. Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 25 diễn ra tại thành phố Đà Nẵng từ 6 - 11/11/2017 và Năm APEC Việt Nam 2017 đã thành công tốt đẹp.
Tuần lễ Cấp cao APEC đã đưa Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới. Toàn bộ lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC, trong đó có lãnh đạo các nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới, như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản…, đều hội tụ tại thành phố Đà Nẵng, cùng với hơn 11.000 đại biểu, doanh nghiệp và phóng viên trong và ngoài nước. Gần 100 cuộc gặp, tiếp xúc song phương giữa các nhà lãnh đạo APEC đã diễn ra trong dịp này. Đây là minh chứng sinh động, khẳng định vị trí chiến lược của Việt Nam ở khu vực cũng như trên thế giới.
Mặc dù Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nguy cơ chia rẽ, bảo hộ hiện hữu, Việt Nam và 10 thành viên APEC khác vẫn thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhằm thúc đẩy tự do thương mại.
2. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội lần đầu tiên cùng dự họp trực tuyến của Chính phủ
Thể hiện sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội với Chính phủ và thể hiện sự ủng hộ của cá nhân Tổng Bí thư cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với sự điều hành quản lý của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Tại Hội nghị Tổng Bí thư đã có bài phát biểu quan trọng, ghi nhận những thành tích trong phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời căn dặn “chúng ta tuyệt nhiên không chủ quan, thoả mãn; không say sưa với thành tích, thắng lợi. Bởi vì đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức”. Năm 2018, một trong những vấn đề cần quan tâm theo Tổng Bí thư phải tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khoá XII.
3. Ban Chấp hành TƯ Đảng ban hành nhiều quyết định quan trọng về phát triển kinh tế tư nhân, tinh gọn bộ máy
Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất cao thông qua các nghị quyết, kết luận của Trung ương; đặc biệt là nhất trí ban hành 3 nghị quyết về: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt, phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết TƯ 5 khẳng định: Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh theo cơ chế thị trường là một yêu cầu khách quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài trong quá trình hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đồng thời, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế.
Còn tại Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) một trong những nội dung được đánh giá là đột phá là tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
4. Nhiều đại án tham nhũng được xét xử khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng chống tham nhũng
Với quyết tâm của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng đã trực tiếp theo dõi, chỉ đạo quyết liệt nhiều đại án kinh tế, tham nhũng đã được đưa ra ánh sáng. Điển hình là vụ ông Đinh La Thăng và hàng loạt bị can, bị cáo bị xử lý liên quan đến những sai phạm tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, trong đó có Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn, Trịnh Xuân Thanh… Qua các phiên tòa này cho thấy, vấn đề cải cách tư pháp ngày càng được coi trọng, trong đó đội ngũ luật sư đã tham gia bào chữa bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các bị cáo, bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế làm cho hoạt động xét xử án của Tòa án được dân chủ, khách quan, ngày càng tạo niềm tin cho người dân vào công lý, công bằng xã hội.
5. Năm ngàn thủ tục hành chính được cắt bỏ
Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ quyết tâm bãi bỏ các rào cản, quy định về điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, qua đó mở rộng khả năng tham gia thị trường, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho doanh nghiệp. Với mục tiêu cắt bỏ ít nhất khoảng 30% - 50% số điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính, năm qua dưới sự chỉ đạo của Chính phủ các bộ, ngành đã cắt bỏ được trên 5.000 thủ tục hành chính. Trong đó điển hình như Bộ Công Thương đã cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh. Đây là là con số được cho là lớn chưa từng có trong lịch sử ngành Công Thương. Bên cạnh Bộ Công Thương, nhiều cơ quan làm tốt việc này là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng. Nhiều bộ, ngành khác cũng đang tiếp tục thực hiện rà soát, cắt giảm.
6. Đột phá trong xây dựng thể chế, tìm kiếm hướng đi mới trong phát triển kinh tế - xã hội
Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho TP HCM được Quốc hội thông qua ngày 24/11 sau thời gian dài bàn cãi. TP HCM được trao quyền trong một số lĩnh vực như chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên; tự quyết một số loại thuế, phí; tăng lương cán bộ gấp 1,8 lần quy định... Đây là vấn đề được lãnh đạo các thời kỳ của TP ấp ủ, mong đợi. Thực tiễn cho thấy, sự phát triển của TP này đang bộc lộ những bất cập cần có cơ chế đặc thù.
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã nghe và thảo luận về dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, hay còn gọi là Đặc khu hành chính - kinh tế. Dự luật này nếu được thông qua sẽ tạo thể chế tốt cho các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt phát triển.
Trước đó, ngày 22/3/2017, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương thành lập ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn - Quảng Ninh, Bắc Vân Phong - Khánh Hòa và Phú Quốc - Kiên Giang.
7. Tháo “ngòi nổ” trong vụ đất đai ở Đồng Tâm
Xuất phát từ việc người dân Đồng Tâm cho rằng khu Miếu Môn là đất nông nghiệp cha ông để lại. Còn chính quyền khẳng định đó là đất quốc phòng. Sự việc bùng phát ngày 15/4 khi 4 người bị bắt để phục vụ điều tra vụ án gây rối trật tự công cộng liên quan đến giải tỏa đất ở đồng Sênh, xã Đồng Tâm. Lực lượng thi hành công vụ gặp phải sự phản ứng của nhiều người dân dẫn đến 38 công an, cán bộ bị giữ. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung hai lần về Mỹ Đức đối thoại, đưa ra các cam kết. Sau đó các cán bộ, chiến sỹ đã được thả, chấm dứt khủng hoảng, giải quyết điểm nóng Đồng Tâm, được dư luận cả nước đánh giá cao. Qua vụ việc này cũng cho thấy, những bài học về lòng tin và thái độ ứng xử của chính quyền với người dân và ngược lại.
8. BOT “dậy sóng”
Chưa năm nào, BOT lại gây ồn ào như năm 2017 vừa qua. Những bất cập trong chính sách pháp luật về BOT cũng như quá trình thực hiện những quy định về vấn đề này đã bộc lộ rõ. Nổi cộm nhất là vụ việc xảy ra ở Trạm thu phí BOT Cai Lậy. Trạm thu phí hoạt động ngày 1/8/2017, tuy nhiên, sau đó nhiều tài xế đã sử dụng tiền lẻ mua vé để phản đối trạm đặt sai vị trí. Vụ việc khiến trạm này bị ùn tắc nghiêm trọng và chỉ trong 5 ngày đã có tới 24 lần trạm thu rồi lại xả do sự phản ứng từ tài xế. Sự việc căng thẳng đến mức Thủ tướng Chính phủ phải triệu tập lãnh đạo tỉnh Tiền Giang và các bộ, ngành họp khẩn trong tối 4/12 và quyết định dừng thu phí BOT Cai Lậy từ 1 – 2 tháng để tìm kiếm một giải pháp phù hợp. Cũng trong năm, nhiều vụ việc liên quan đến trạm thu phí ở nhiều địa phương khiến các ngành chức năng phải vào cuộc.
9. Mạnh tay trong xử lý sai phạm của báo chí, mạng xã hội
Năm 2017 Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử lý vi phạm hành chính 55 trường hợp với tổng số tiền 1,2 tỷ đồng. Ban hành biện pháp bổ sung thu hồi 1 giấy phép hoạt động báo chí, 1 giấy phép chuyên trang báo điện tử, đình bản 5 trường hợp, trong đó có 4 trường hợp bị đình chỉ 3 tháng do sai phạm hoạt động báo chí; thu hồi 12 thẻ nhà báo do sai phạm và bị xử lý kỷ luật. Cũng trong năm, cơ quan chức năng đã xử lý nhiều trang mạng xã hội, cá nhân người sử dụng mạng xã hội vi phạm, Cơ quan Công an cũng đã khởi tố, bắt tạm giam nhiều đối tượng lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền chống phá Nhà nước.
10. Việt Nam tăng hạng trong hàng loạt chỉ số cạnh tranh, được cộng đồng quốc tế ghi nhận
Năm 2017, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây là 6,81%. Cùng với tăng trưởng GDP đạt cao, qua bốn năm triển khai Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta năm 2017 được các tổ chức quốc tế ghi nhận cải thiện nhiều nhất. Ba bộ chỉ số đặt mục tiêu đều tăng điểm và tăng hạng bao gồm: chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia (theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới), chỉ số môi trường kinh doanh (theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới) và chỉ số về đổi mới sáng tạo (theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới).
Cụ thể, năm 2017, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam tăng 5 bậc so với năm 2016 (từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137 nền kinh tế). Môi trường kinh doanh đạt thứ hạng 68/190, tăng 14 bậc so với năm ngoái. Đổi mới sáng tạo cải thiện 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127.
Theo Pháp luật Việt Nam