Chiều ngày 30/12, dưới sự chủ trì của Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Văn phòng Quốc hội đã phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thông tấn báo chí cho ý kiến và bình chọn 10 sự kiện tiêu biểu của Quốc hội Việt Nam năm 2021.
Đây là lần đầu tiên Văn phòng Quốc hội tổ chức bình chọn các sự kiện tiêu biểu của Quốc hội trong năm. Qua đó góp phần tuyên truyền sâu rộng vị thế, hình ảnh, hoạt động của Quốc hội tới cử tri và nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.
10 sự kiện tiêu biểu của Quốc hội năm 2021 gồm:
1. Hoàn thành nhiệm vụ chuyển giao giữa 2 nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV và Khóa XV, bảo đảm sự kế thừa, đổi mới, ổn định và phát triển.
Đồng thời, phát biểu của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV đã nêu ra những định hướng lớn và những nhiệm vụ trọng tâm để Quốc hội Khóa XV tiếp tục đổi mới, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
2. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát lần thứ 4 ở một số địa phương trên cả nước nhưng đã tổ chức thành công rất tốt đẹp với quy mô và số lượng cử tri lớn nhất từ trước đến nay.
Đây thực sự là ngày hội lớn của toàn dân và là mốc son mới trong lịch sử Quốc hội nước ta.
3. Tích cực thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, chủ động, kịp thời ban hành Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội với 107 nội dung, đề án cụ thể.
Chương trình đã thể hiện tinh thần quyết tâm đổi mới, đề cao tính kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; đồng thời yêu cầu tính đồng bộ, hiệu quả trong tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng.
4. Lần đầu tiên, Bộ Chính trị có Kết luận về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật cho cả nhiệm kỳ Quốc hội.
Trên cơ sở đó, Đề án của Đảng đoàn Quốc hội về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã đề ra 8 nhóm định hướng lớn, 70 định hướng cụ thể, 137 nhiệm vụ lập pháp nhằm hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng hệ thống pháp luật...
5. Kỳ họp thứ Nhất và thứ Hai của Quốc hội Khóa XV với nhiều đổi mới về phương thức hoạt động đã được tổ chức thành công, khởi đầu tốt đẹp cho cả nhiệm kỳ 5 năm.
Đáng chú ý, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 nhằm ứng phó kịp thời, hiệu quả trước diễn biến phức tạp của đại dịch, sớm ổn định và kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới”.
Đây được coi là sáng kiến lập pháp độc đáo, chưa có tiền lệ trong lịch sử lập pháp, qua đó đã trao quyền đặc thù, đặc cách, đặc biệt cho Chính phủ, Thủ tướng để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch…
Thành công của kỳ họp thứ nhất và thứ hai đã khẳng định rõ vai trò, bản lĩnh, tầm nhìn bao quát của Chủ tịch Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội khóa XV để có được những bước tiến quan trọng trong việc xây dựng một Quốc hội “Chủ động, Trí tuệ, Đoàn kết, Đổi mới và Trách nhiệm”…
6. Những phiên họp bất thường và các Nghị quyết đặc biệt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với một số nội dung mang tính lịch sử, lần đầu tiên được áp dụng, góp phần hỗ trợ kịp thời cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, thách thức do tác động của dịch COVID-19.
Đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, dự kiến khai mạc vào ngày 4-1 tới để giải quyết nhiều nội dung quan trọng, cấp bách, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
7. Lần đầu tiên tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm tạo sự thống nhất, chủ động trong việc triển khai thực hiện, qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của Quốc hội.
8. Ngoại giao nghị viện và chiến lược ngoại giao vaccine để lại nhiều dấu ấn nổi bật, phát huy tối đa lợi thế của hoạt động ngoại giao nghị viện cũng như hiệu quả sức mạnh tổng hợp của dân tộc trong triển khai công tác đối ngoại, cùng hướng tới thúc đẩy tiến trình chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.
9. Bàn giao, tặng Nhà Quốc hội cho Quốc hội nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào là món quà tặng ý nghĩa, biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Lào.
Được khởi công từ tháng 7/2018, công trình này là dự án có giá trị cao nhất mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam dành tặng Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào.
10. “Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2021: Phục hồi và phát triển bền vững” được tổ chức kịp thời, với chủ đề thiết thực, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và đề xuất các giải pháp quan trọng về phục hồi, phát triển kinh tế.
Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 57 điểm cầu trong và ngoài nước do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì (ngày 5/12/2021) đã thu hút hàng trăm diễn giả là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và lãnh đạo các doanh nghiệp lớn tham gia.
Những giải pháp, kiến nghị của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý tại Diễn đàn kinh tế lần này đã được Chủ tịch Quốc hội khẳng định sẽ là đầu vào, tư liệu quan trọng để Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan xây dựng, hoàn thiện Chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và đề xuất các gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới đây.