Tin tức từ Zing.vn cho biết, khói bụi từ các đám cháy đã làm ô nhiễm bầu trời một số thành phố lớn ở Đông Nam Á trong những tuần qua, buộc trường học và sân bay phải đóng cửa, trong khi nhiều người phải mua khẩu trang và đi khám vì các chứng bệnh hô hấp.
Jakarta đã huy động hàng chục nghìn nhân viên chữa cháy và máy bay thả "bom" nước nhằm dập tắt các đám cháy do đốt rừng lấy đất trồng trọt. Cháy rừng là vấn đề hàng năm ở Indonesia, nhưng năm nay tình hình nghiêm trọng nhất kể từ năm 2015 vì thời tiết khô hạn.
Khoảng 10 triệu người dưới 18 tuổi, trong đó khoảng 1/4 là dưới 5 tuổi sống trong các khu vực bị ảnh hưởng xấu nhất do cháy rừng, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho biết.
Trẻ nhỏ đặc biệt dễ bị tổn thương do hệ miễn dịch chưa phát triển. Phụ nữ có thai nếu tiếp xúc với ô nhiễm trong quá trình mang bầu có nguy cơ sinh non, nhẹ cân, cũng theo UNICEF.
Tin từ Tienphong.vn cho biết, khói từ các đám đốt rừng lấy đất trồng trọt vụ mới ở Indonesia trong những tuần gần đây đã thải vào không khí một lượng bụi lớn, gây ô nhiễm nặng.
Bà Debora Comini, đại diện của UNICEF tuyên bố: "Chất lượng không khí xấu là thách thức nghiêm trọng và ngày càng lớn với Indonesia. Mỗi năm, hàng triệu trẻ em hít phải nguồn không khí độc hại cho sức khỏe của chúng, điều này gây ra những tổn hại cả về thể chất lẫn nhận thức của các em".
Trường học cũng phải đóng cửa trên khắp Malaysia tuần trước vì khói bụi từ nước láng giềng phủ kín bầu trời. Trong khi đó, giải đua Công thức 1 ở Singapore cuối tuần qua bị khói bụi bao vây. Sang ngày 24/9, bầu trời các nước này đã quang đãng hơn và chất lượng không khí đã cải thiện, theo AFP.
Các nhà khoa học ngày càng lo ngại về tác hại của khí thải do cháy rừng bùng phát từ Amazon, Indonesia đến Australia.
Cơ quan Theo dõi Khí quyển Copernicus, nằm trong chương trình quan sát Trái Đất của Liên minh châu Âu, cho biết cháy rừng ở Indonesia năm nay thải ra lượng CO2 gần bằng năm 2015, khi cháy rừng ở mức tồi tệ nhất trong hai thập kỷ.
Từ đầu tháng 8 đến ngày 18/9, cháy rừng Indonesia thải ra 360 triệu tấn khí nhà kính, so với 400 triệu tấn vào cùng giai đoạn của năm 2015, theo cơ quan này.
Vào đỉnh điểm của năm 2015, các đám cháy thải ra lượng khí nhà kính mỗi ngày nhiều hơn toàn bộ kinh tế Mỹ, theo tổ chức môi trường World Resources Institute.