Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

100% các địa phương đã thực hiện đổi mới trong công tác cai nghiện

Ngày 31/7, tại TP. Đà Nẵng, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy và triển khai nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội. Hội nghị có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội các tỉnh, thành phố trên cả nước. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm tham dự và chỉ đạo hội nghị.

 

Hoàn thành việc quy hoạch hệ thống cơ sở cai nghiện trên phạm vi cả nước

Thực hiện Quyết định số 2596/QĐ-TTg ngày 27/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 (Đề án) và 2 năm thực hiện Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 26/12/2014 của Chính phủ về tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đến nay 100% các tỉnh, thành phố trên cả nước đã có Kế hoạch hoặc Đề án triển khai thực hiện đổi mới trong công tác cai nghiện.

 

Nhiều chia sẻ tại hội nghị thu hút sự quan tâm, lắng nghe của các đại biểu 

 

Một số tỉnh như Nghệ An, Ninh Thuận, Hưng Yên, Hà Giang, Tuyên Quang không ban hành kế hoạch tổng thể nhưng đã ban hành từng kế hoạch riêng lẻ theo nhiệm vụ để thực hiện Đề án. Theo đó, đến nay, cả nước đã hoàn thành việc lập và phê duyệt quy hoạch hệ thống các cơ sở cai nghiện đến giai đoạn 2020, định hướng 2030 theo quan điểm, mục tiêu của đề án đổi mới của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 1640/QĐ-TTg ngày 18/8/2016).

Cụ thể, báo cáo tại hội nghị, ông Lê Văn Khánh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (PCTNXH) cho biết, trước năm 2014, khi chưa có Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy, cả nước có 142 cơ sở cai nghiện ma túy. Trong đó, có 123 cơ sở công lập với 6.318 cán bộ, quy mô tiếp nhận hơn 60.000 người và 19 cơ sở cai nghiện dân lập, quy mô tiếp nhận 4.000 người. Thực hiện Quyết định số 98/NQ-CP ngày 27/12/2014 của Chính phủ, các địa phương đã tiến hành sắp xếp giảm bớt số Trung tâm và chuyển đổi Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động xã hội thành các cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy. Đến nay, cả nước có 127 cơ sở cai nghiện ma túy. Trong đó có 105 cơ sở cai nghiện công lập, 22 cơ sở cai nghiện tự nguyện do tư nhân thành lập. 

 

Các học viên đang cai nghiện tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng (Đà Nẵng)

 

Ông Lê Văn Khánh cho biết, đến nay các cơ sở cai nghiện đang quản lý, chữa trị, cai nghiện cho hơn 31.455 học viên. Bao gồm 19.546 học viên cai nghiện bắt buộc theo quyết định của Tòa án; cai nghiện tự nguyện tại cơ sở công lập cho gần 4.020 học viên; quản lý sau cai tại cơ sở cai nghiện hơn 1.600 học viên và hơn 2.580 người đang được quản lý tại các cơ sở xã hội.

Đặc biệt, thực hiện tăng cường công tác cai nghiện tại cộng đồng, sau 03 năm thực hiện, đến nay cả nước đã thành lập 240 điểm tư vấn tại 40/63 tỉnh, thành phố; tổ chức tiếp nhận và tư vấn cho trên 11.000 lượt người nghiện và gia đình người nghiện, 5.230 lượt người được hướng dẫn tham gia điều trị Methadone, 3.200 người nghiện đăng ký cai nghiện tự nguyện tại gia đình- cộng đồng, chuyển gửi 4.113 trường hợp cắt cơn giải độc tại các cơ sở cai nghiện. Các địa phương đã tổ chức cai nghiện tại gia đình- cộng đồng cho 34.084 lượt người, trong đó cai nghiện tại gia đình là hơn 17.103 lượt người, tại cộng đồng là 16.980 lượt người.

Tại hội nghị, Bộ LĐTB&XH cho biết, cả nước hiện có 1.633 người đang thực hiện quản lý sau cai tập trung tại cơ sở cai nghiện và 22.837 người được quản lý sau cai tại nơi cư trú. Hiện, tất cả các địa phương cơ bản không thực hiện quản lý sau cai tập trung tại cơ sở cai nghiện mà chỉ thực hiện quản lý, hỗ trợ sau cai nghiện tại nơi cư trú...

Vẫn còn khó khăn, thách thức

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm  khẳng định, sau 3 năm thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy và 2 năm thực hiện Nghị quyết số 98/NQ- CP của Chính phủ, nhiều giải pháp thực hiện đã được triển khai đồng bộ và thu được những kết quả quan trọng, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án đề ra. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, còn tồn tại trong qua trình thực hiện, nhiều chỉ tiêu, mục tiêu của Đề án chưa đạt hoặc đạt được ở mức thấp như: chỉ tiêu giảm cai nghiện bắt buộc tăng cai nghiện tự nguyện; chỉ tiêu phát triển và hoàn thiện các cơ sở điều trị thay thế thành cơ sở điều trị nghiện tự nguyện; thành lập điểm cấp phát thuốc điều trị thay thế tại các xã, phường, thị trấn trọng điểm về nghiện ma túy...

Trong đó, tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng bày tỏ, công tác cai nghiện ma túy tại gia đình cộng đồng vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, nhiều địa phương chưa đạt được kết quả như mong đợi, phần do tâm lí người nghiện, phần vì đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện tại cộng đồng (Tổ công tác cai nghiện) đều làm kiệm nhiệm, kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ hạn chế, chủ yếu làm việc bằng sự nhiệt tình, trong khi môi trường tại cộng đồng còn nhiều phức tạp...

Ghi nhận những ý kiến, chia sẻ khó khăn, vướng mắc của các địa phương, kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ đẩy nhanh tiến độ rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để phù hợp với quan điểm của Đề án đổi mới công tác cai nghiện theo Quyết định số 2596/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, ban hành cơ chế chính sách đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa công tác cai nghiện, tăng cường công tác cai nghiện tự nguyện. Đặc biệt, triển khai đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy, đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ mới.