Sự kiện do UBND TP Hà Nội chỉ đạo, Sở VH&TT Hà Nội, Hội Liên hiệp văn học - nghệ thuật Hà Nội triển khai thực hiện, thiết thực chào mừng Kinh đô Thăng Long - Thủ đô Hà Nội tròn 1010 năm tuổi, đồng thời tiếp tục khích lệ phong trào sáng tạo văn học, nghệ thuật trong các thế hệ văn nghệ sĩ, góp phần củng cố và phát triển nền văn học nghệ thuật Thủ đô nói riêng, Việt Nam nói chung.
Phát biểu tại sự kiện, NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học - nghệ thuật Hà Nội nhấn mạnh, các tác phẩm tham dự cuộc vận động đã nêu bật được các giá trị truyền thống lịch sử hào hùng của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, Thủ đô Anh hùng, Thành phố Vì Hòa bình, đồng thời phản ánh rõ nét các thành tựu về công cuộc đổi mới của Thủ đô, góp phần xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật được sáng tác trên tinh thần đổi mới, sáng tạo; có phương thức tiếp cận chân thực, hài hòa giữa truyền thống và các yếu tố đương đại, cũng như phản ánh sâu sắc, toàn diện diện mạo của Thủ đô ta trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển. Được phát động từ tháng 12/2019, Cuộc vận động sáng tạo văn học, nghệ thuật kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội thu hút 317 tác phẩm dự thi ở nhiều lĩnh vực sáng tác, như: Mỹ thuật, văn nghệ dân gian, nhiếp ảnh, sân khấu, múa, âm nhạc, điện ảnh...
Ban tổ chức đã chọn ra 68 tác phẩm xuất sắc vào vòng chung khảo, trong đó có 42 tác phẩm thuộc lĩnh vực nghệ thuật chuyên nghiệp và 26 tác phẩm thuộc lĩnh vực nghệ thuật không chuyên. Đây là các tác phẩm bám sát tiêu chí Ban tổ chức đề ra về chủ đề cũng như chất lượng nội dung, nghệ thuật.
Ban tổ chức đã trao 5 giải A, 14 giải B, 21 giải C và 15 giải Khuyến khích cho 55 tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc nhất. Nhân dịp này, UBND thành phố Hà Nội đã tặng Bằng khen cho các tác giả, nhóm tác giả giành giải A. Đó là các tác giả: Ngô Quốc Tính với tác phẩm “Hoa Lửa” (lĩnh vực âm nhạc); tác giả Đỗ Thị Hảo với tác phẩm “Sự tích các Thành Hoàng làng Thăng Long - Hà Nội” (lĩnh vực văn nghệ dân gian); nhóm tác giả Nguyễn Ngọc Tiến, Trịnh Quang Tùng, Lê Quang Nga, Nguyễn Tuấn Anh với tác phẩm “Đảng bộ Hà Nội 90 năm hình thành và phát triển” (lĩnh vực Điện ảnh); tác giả Nguyễn Hữu Thông với tác phẩm Sớm ngoại ô (lĩnh vực Mỹ Thuật) và tác giả Nguyễn Thế Hùng với tác phẩm Hà Nội những ngày cách ly xã hội do Covid-19 (lĩnh vực Nhiếp ảnh).