Tối 10/10, tại vườn hoa Lý Thái Tổ, TP. Hà Nội long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 1010 Thăng Long - Hà Nội (1010 - 2020).
Tới dự Đại lễ kỷ niệm, về phía Trung ương có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Bộ Công an - Đại tướng Tô Lâm…
Các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình; Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng. Cùng dự còn có lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương: Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà… và lãnh đạo một số tỉnh, thành phố.
Cùng dự còn có đại sứ và đại diện các tổ chức quốc tế tại thành phố Hà Nội... Ban tổ chức đã đón nhận lẵng hoa chúc mừng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Từ mốc son lịch sử tới thời đại Hồ Chí Minh quang vinh
Ôn lại lịch sử của dân tộc cách đây 1010 năm, tại Đại lễ kỷ niệm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, vào mùa thu năm Canh Tuất 1010, Đức vua Lý Thái Tổ với tầm nhìn chiến lược đã quyết định dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thành Đại La (tức Thăng Long).
Bí thư Hà Nội nhấn mạnh, quyết định dời đô của Đức vua Lý Thái Tổ đã mở ra thời kỳ phát triển huy hoàng của Kinh đô Thăng Long và quốc gia Đại Việt.
"Từ mốc son lịch sử đó tới thời đại Hồ Chí Minh quang vinh, trải qua 1010 năm với bao thăng trầm của Thủ đô và đất nước, Thăng Long - Hà Nội - hình tượng tiêu biểu nhất cho "khí phách cha ông, hồn thiêng sông núi", vẫn luôn vững vàng, hiên ngang, xứng đáng là kinh đô của các vương triều; là Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng của cả nước", ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Cũng Bí thư Thành ủy Hà Nội, kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội là dịp để các cấp ủy Đảng và nhân dân Thủ đô tiếp tục khẳng định những phẩm chất cao quý và truyền thống tốt đẹp của Thủ đô: Văn hiến - Anh hùng - Hòa bình - Hữu nghị - Sáng tạo.
"Chúng ta - thế hệ người Hà Nội hôm nay - có trách nhiệm phải trân trọng, giữ gìn và kế thừa thật xứng đáng những giá trị tinh thần thiêng liêng ấy và phát huy lên một tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh và truyền lại cho con cháu mai sau...", đồng chí Vương Đình Huệ bày tỏ.
Bừng sáng và vươn mình với vị thế mới
Đồng chí Vương Đình Huệ cũng nhắc lại, hơn 20 năm trước, Thủ đô Hà Nội là một trong năm thành phố tiêu biểu trên thế giới và đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương vinh dự được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) trao tặng danh hiệu "Thành phố Vì hòa bình".
Suốt chiều dài lịch sử, Thăng Long - Hà Nội luôn tiêu biểu cho khát vọng hòa bình, chủ nghĩa nhân văn, tinh thần nhân đạo và hòa hiếu của dân tộc Việt Nam - một dân tộc đã trải qua bao mất mát, hy sinh, mang trên mình bao dấu tích chiến tranh nhưng vẫn đang làm hết sức mình để đóng góp cho hòa bình, tiến bộ và hạnh phúc của nhân loại.
Sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 20 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng, phát triển Thủ đô; 12 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính, với sự nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ và Nhân dân Thành phố, sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ to lớn của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước và bạn bè quốc tế, Hà Nội đã đạt được những thành tựu rất to lớn, quy mô, tầm vóc, vị thế của Thành phố đã mạnh lên nhiều.
"Hình ảnh, uy tín của Thủ đô không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế", ông Huệ nói.
Quy mô nền kinh tế năm 2020 đạt 45 tỷ USD
Cùng với đó, kinh tế Thủ đô liên tục tăng trưởng ở mức độ cao theo hướng nhanh và bền vững, quy mô nền kinh tế năm 2020 đạt 45 tỷ USD, thu nhập bình quân 5.420 USD/người.
Diện mạo Thủ đô ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp hơn, khang trang, văn minh, hiện đại hơn.
Sau phần lễ, các đại biểu và nhân dân Thủ đô thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc biệt "Tỏa sáng đất rồng thiêng" chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội với sự tham gia của hơn 300 nghệ sĩ, diễn viên.
Chương trình gồm 3 phần: "Huyền thoại Thăng Long", "Nơi lắng hồn núi sông", "Thăng Long - Hà Nội hội tụ và phát triển".
Kết hợp với màn trình diễn ánh sáng hiện đại, các phần biểu diễn trong chương trình đưa người xem ôn lại quá trình lịch sử hào hùng của Thủ đô Hà Nội, từ giai đoạn đầu khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ đất Hoa Lư về thành Đại La (tức Thăng Long);
Những giai đoạn thăng trầm lịch sử mà nhân dân Hà Nội trải qua, chiến đấu trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc cho đến một Hà Nội hào hoa, thanh lịch, đang ngày càng phát triển hôm nay.
Trong chương trình, các đại biểu và nhân dân được thưởng thức nhiều ca khúc hay về Hà Nội, như: "Dời đô", "Hà Nội linh thiêng và hào hoa", "Truyền thuyết hồ Gươm", "Thăng Long - Hà Nội bay lên", "Người Hà Nội", "Tiến về Hà Nội", "Hà Nội - 12 mùa hoa", "Đất rồng thiêng"...
Trong dịp kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố Hà Nội sẽ được khai mạc vào sáng ngày 12/10.
Đây là sự kiện chính trị đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng đối với Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, với phương châm "Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển", thể hiện quyết tâm chính trị và trách nhiệm cao của Thủ đô với cả nước, Đại hội định hướng và đề ra mục tiêu xuyên suốt trong những năm tới của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và các tầng lớp Nhân dân Thủ đô: "Gương mẫu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh;
Khơi dậy ý chí, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế;
Xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại", nhằm hiện thực hóa khát vọng vươn cao của Thăng Long - Hà Nội trong xu thế phát triển và hội nhập quốc tế.