Quay lại Dân trí
Dân Sinh

11 quốc gia tham dự Liên hoan phim Tài liệu Việt Nam - châu Âu

Cùng với nước chủ nhà Việt Nam, Liên hoan phim Tài liệu Việt Nam - châu Âu lần thứ 12 diễn ra từ ngày 3 đến 12/6 tới sẽ quy tụ 10 quốc gia gồm: Áo, Bỉ (Wallonia-Brussels), Pháp, Italia, Đức, Israel, Tây Ban Nha, Thụy Sỹ, Cộng hòa Séc, Vương quốc Anh.

Sự kiện do Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương (Bộ VH-TT&DL) và Hiệp hội các Viện Văn hóa và các Đại sứ quán châu Âu (EUNIC) phối hợp tổ chức, đưa phim tài liệu đến với công chúng Hà Nội.

Trong 10 ngày, từ ngày 3 đến 12/6, khán giả yêu mến phim tài liệu sẽ được thưởng thức những tác phẩm điện ảnh tài liệu của Việt Nam và các quốc gia tham gia, nhiều bộ phim đã giành được các giải thưởng danh giá. Chủ đề của các bộ phim trong Liên hoan lần này rất đa dạng như rời nông thôn ra thành phố, ứng phó với biến đổi khí hậu, thay đổi của mỗi cá nhân để phù hợp với sự phát triển của xã hội, chân dung các nghệ sĩ nổi tiếng…

backdrop-1653575031 (1)

Theo đó, 20 bộ phim sẽ được chiếu miễn phí tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, bắt đầu từ 19h hàng ngày từ 3/6/2022. Phim được chiếu đầu tiên là “Những vùng đất hồi sinh” của Việt Nam, ngoài ra còn có các phim như: “Trong từng phút giây” (Pháp), “Vương quốc bất định” (Anh), “Helmut Lachenmann - Con đường của tôi” (Đức), “Cậu bé Samedi” (Bỉ), “Chuyển hướng mới” (Cộng hòa Séc), “Hãy cứu xóm làng” (Áo), “Omega” (Tây Ban Nha), “Phân tử” (Italia), “Mục tiêu chung” (Israel), “Công dân Nobel” (Thụy Sĩ) và các phim Việt Nam: “Mẫu Liễu Hạnh”, “Mạn đàm trà Việt”, “Chuyện cổ tích ở bản Rào Tre”, “Những người kể chuyện phố cổ Hà Nội”, “Đình làng Bắc Bộ”, “Hai bàn tay”, “Cuộc chiến không giới hạn”, “Phía sau ánh hào quang”, “Nữ du kích sông Hương”.

Theo ông Nguyễn Quang Tuấn, Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Hãng Phim tài liệu và khoa học trung ương, liên hoan phim tài liệu lần này diễn ra trong bối cảnh toàn thế giới vừa phải đối diện với đại dịch Covid-19. Điều này càng khẳng định những nỗ lực của Ban tổ chức nhằm đem đến khán giả Việt Nam những phim tài liệu hấp dẫn của Việt Nam và các quốc gia châu Âu. Những bộ phim tham dự đều có giá trị nội dung và nghệ thuật cao, mang đậm nét văn hóa của mỗi quốc gia, dấu ấn của từng đạo diễn. Cũng theo ông Tuấn, chính những bộ phim tái hiện lại cuộc sống một cách chân thực, sinh động đã hấp dẫn khán giả và tạo nên thương hiệu cho liên hoan cũng như kết nối khán giả đến với phim tài liệu Việt Nam ngày một nhiều hơn.

Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội, Chủ tịch EUNIC - Việt Nam Wilfried Eckstein nhận định, ưu thế lớn nhất của phim tài liệu là nền tảng nghiên cứu và tinh thần báo chí. Chúng quan sát các chuyển biến xã hội và ý nghĩa của những thay đổi ấy đối với cá nhân. Lần này, khán giả sẽ được thưởng thức những phim tài liệu phong phú, đã được đề cử hoặc nhận giải tại các liên hoan phim danh tiếng. “Kỳ vọng của người xem với các bộ phim tài liệu vốn khác với các bộ phim truyện. Trong các bộ phim hư cấu, người xem mong đợi một câu chuyện được tạo ra, còn đối với một bộ phim tài liệu, người xem lại chờ đón một câu chuyện dựa trên thực tế. Một bộ phim tài liệu luôn cố gắng nắm bắt thực tế, nó phản ánh những tình huống, con người và những điều thực sự tồn tại trên thế giới... Phim tài liệu mang lại những kết nối đáng suy ngẫm và giúp chúng ta hiểu hơn về thế giới mình đang sống", ông Wilfried Eckstein nói.

Liên hoan phim được tổ chức nhằm tăng cường hợp tác, giao lưu văn hóa giữa các nước thành viên châu Âu và Việt Nam. Đồng thời để công chúng Việt Nam có dịp tìm hiểu đất nước, con người, văn hóa của các quốc gia thông qua điện ảnh. Sự kiện này nằm trong khuôn khổ các chương trình hoạt động của EUNIC, cũng là điểm nhấn của hành trình hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực điện ảnh.