Nhật Bản hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 2 của Việt Nam, với 4.792 dự án còn hiệu lực, có tổng vốn đăng ký đến tháng 11/2021 đạt 64,2 tỷ USD, chiếm 15,8% tổng vốn đầu tư trực nước ngoài (FDI) đến từ trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Việt Nam.
Vốn FDI của Nhật Bản đã đầu tư tại 19 ngành, lĩnh vực của Việt Nam. Trong đó, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, với khoảng hơn 42 tỷ USD vốn FDI đăng ký. Ngoài ra, còn đầu tư vào các lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản; sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hoà; bán buôn, bán lẻ và sửa chữa ô tô, xe máy; xây dựng; nông nghiệp; dịch vụ; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội…
57 tỉnh, thành phố trên cả nước đã thu hút được FDI từ Nhật Bản, trong đó tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố như: Thanh Hoá, Hà Nội, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng…
Bên cạnh những thương hiệu quen thuộc như Honda, Toyota, Sony, Panasonic, Canon… những năm gần đây với áp lực phải đa dạng chuỗi cung ứng, các nhà đầu tư Nhật Bản đang đẩy mạnh mở rộng đầu tư theo hình thức mua bán, sáp nhập (M&A).
Trong đó, có những dự án M&A lớn như: Công ty Dược phẩm ASKA mua 25% cổ phần của Công ty dược Hà Tây; Tập đoàn Haseko mua 36% cổ phần Công ty xây dựng Ecoba; Mitsubishi Corporation và Nomura Real Estate mua lại 80% giai đoạn II Dự án Grand Park của Vingroup; Ngân hàng Aozora mua 15% cổ phần Ngân hàng TMCP Phương Đông…
Dù đầu tư theo hình thức M&A của Nhật Bản trong năm 2021 đang bị chững lại, nhưng nhiều dự báo cho rằng, xu hướng M&A của các nhà đầu tư Nhật Bản tại thị trường Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát.
11 tháng qua, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam thực hiện nhiều biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh, nhưng dòng vốn FDI của Nhật Bản vào Việt Nam vẫn đạt 3,7 tỷ USD, chiếm gần 14% tổng vốn FDI của hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Đáng chú ý hơn, theo Cục Đầu tư nước ngoài, dòng vốn FDI của Nhật Bản vào Việt Nam trong 11 tháng tăng 54% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, chủ yếu là vốn đầu tư mới, chiếm 73,4% số vốn đầu tư; vốn đầu tư mở rộng chiếm 20,4% và vốn góp, mua cổ phần chỉ chiếm khoảng 6,5%.