Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

15,6 triệu người Việt Nam hút thuốc- thuộc hàng cao nhất thế giới

Ngày 6/9, Bộ Y tế đã tổ chức công bố kết quả điều tra lần thứ 2 về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam năm 2015 (GATS 2015). So với cuộc điều tra GATS đầu tiên được thực hiện vào năm 2010, kết quả cuộc điều tra lần 2 này đã cho thấy có nhiều sự thay đổi.

Mới công bố, 15,6 triệu người Việt Nam hút thuốc- thuộc hàng cao nhất thế giới (Ảnh MH Internet)

Tính từ năm 2010 đến 2015, trong khi tỷ lệ hút thuốc lá của nam giới tại khu vực nông thôn vẫn không thay đổi, thì tỷ lệ nam giới ở thành thị hút thuốc lá đã giảm gần 7%. Cùng đó, tỷ lệ hút thuốc lá thụ động ở hầu hết các địa điểm công cộng cũng đã giảm mạnh.

Cụ thể, so với năm 2010, cuộc điều tra năm 2015 cho thấy, số người hút thuốc lá thụ động tại nơi làm việc đã giảm 13,3% (từ 55,9% xuống 42,6%); số người hút thuốc lá thụ động tại cơ sở chăm sóc y tế giảm từ 23,6% năm 2010 xuống 18,4% năm 2015; tỷ lệ hút thuốc lá thụ động tại các trường đại học, cao đẳng giảm mạnh đến 16,4% (từ 54,3% xuống 37,9%); tỷ lệ hút thuốc lá trên các phương tiện giao thông công cộng giảm 15% (từ 34,3% xuống còn 19,4%)…

Cũng theo điều tra mới nhất về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam năm 2015 (GATS 2), tổng số người hút thuốc của nước ta hiện khoảng 15,6 triệu người, trong đó chủ yếu là nam giới (tỷ lệ hút thuốc ở nam giới là 45,3%). Dù tỷ lệ người hút thuốc đã giảm song Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới.

Đáng chú ý, sự giảm tỷ lệ hút thuốc được quan sát rõ nhất ở khu vực thành thị. Năm 2015, tỷ lệ nam giới ở thành thị hút thuốc lá điếu đã giảm đáng kể từ 45,2% (năm 2010) xuống còn 38,7%, tức giảm được gần 7%. Tuy vậy, ở khu vực nông thôn, tỷ lệ nam giới hút thuốc vẫn chưa có sự thay đổi. Trong khi đó, thuốc lá điện tử cũng bắt đầu được sử dụng nhiều hơn ở nước ta với tỷ lệ 0,2% người trưởng thành từ 15 tuổi trở lên hút thuốc…

Theo thông tin từ Bộ Y tế, trên thế giới mỗi năm có khoảng 6 triệu người tử vong liên quan đến hút thuốc lá, tại Việt Nam cũng có khoảng 40.000 người tử vong liên quan đến hút thuốc mỗi năm.

GATS là Điều tra toàn cầu về tình hình sử dụng thuốc lá nhằm giám sát tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại các nước. So với cuộc điều tra GATS đầu tiên được thực hiện vào năm 2010, kết quả cuộc điều tra lần thứ hai này đã có nhiều sự thay đổi. Đáng chú ý tại lần công bố này, mức giảm tỷ lệ hút thuốc được quan sát rõ nhất ở khu vực thành thị. Năm 2015, tỷ lệ nam giới ở thành thị hút thuốc lá điếu đã giảm, tuy vậy, ở khu vực nông thôn, tỷ lệ nam giới hút thuốc vẫn chưa có sự thay đổi. Đây là lần thứ hai Việt Nam tham gia điều tra này. Điều tra lần đầu tiên được thực hiện vào năm 2010.

Phát biểu tại buổi công bố, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh: “Tác hại của thuốc lá là vô cùng nguy hiểm. Trên thế giới mỗi năm có khoảng 6 triệu người tử vong liên quan đến hút thuốc lá còn tại nước ta cũng có khoảng 40.000 người tử vong liên quan đến hút thuốc mỗi năm. Đặc biệt, càng ngày chúng ta càng tìm ra nhiều bệnh liên quan đến khói thuốc hơn là chúng ta tưởng. Gần đây các nhà khoa học trên thế giới đã chứng minh được những người hút thuốc lá nhiều thì thế hệ sau của họ có nguy cơ bị dị dạng, tật nguyền, biến đổi gen nhiều hơn. Rồi những người hút thuốc lá nhiều cũng có nguy cơ bị suy dinh dưỡng nhiều hơn, đây là những tác hại mà trước đây chúng ta chưa tính tới”.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, thời gian qua công tác phòng chống tác hại thuốc lá ở Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy chưa tạo chuyển biến mạnh mẽ, nhưng có thể nói là có hiệu quả đáng ghi nhận. Số liệu về tỷ lệ người hút thuốc lá, người chịu ảnh hưởng bởi khói thuốc lá thụ động được đưa ra tại cuộc điều tra GATS 2 năm 2015, chính là minh chứng đáng tin cậy cho nhận định này.