Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

2 tài công gây sập cầu Ghềnh có thể chịu mức phạt cao nhất là 15 năm tù giam

Trong trường hợp hai tài công trực tiếp điều khiển chiếc sà lan, dẫn đến hậu quả cầu bị gãy gây thiệt hại lớn về tài sản, thì chiếu theo quy định tại Điều 212 Bộ luật hình sự năm 1999 có thể áp dụng đối với Tội vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường thủy, mức phạt cao nhất là mười lăm năm tù giam.

Chiều tối ngày 20/3, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố vụ án sà lan đâm sập cầu Ghềnh xảy ra vào trưa cùng ngày. Cơ quan điều tra đánh giá đây là vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến các tuyến đường sắt, đường bộ và đường thủy, dù chưa ghi nhận sự thương vong về người.

Luật gia Nguyễn Trung Tín (Công ty Luật Thiên An) đã đưa ra những nhận định liên quan tới những người phải chịu trách nhiệm cũng như mức xử phạt đối với hành vi để gây ra những hậu quả nghiêm trọng này.

Phải tìm ra nguyên nhân gây sập cầu

Hiện nay, nguyên nhân chính dẫn đến vụ sập cầu được cho là do chiếc sà lan đâm trực diện, khiến cho một đoạn cầu bị gãy. Tuy nhiên, cũng cần thêm thời gian và thông tin để cơ quan chức năng điều tra làm rõ liệu còn nguyên nhân nào khác khiến cho cầu bị sập hay không? Chẳng hạn do cầu bị xuống cấp, không được kiểm tra bảo dưỡng thường xuyên hoặc do nước sông Đồng Nai bị thay đổi dòng chảy dẫn tới những chân, trụ cầu bị xói mòn hoặc sự kiện bất khả kháng nào khác…

 Nguyên nhân ban đầu được xác định là do tàu kéo sà lan va vào móng làm cầu bị sập - (Ảnh: Khang Thái).

Trách nhiệm thế nào?

Trong trường hợp 2 tài công trực tiếp điều khiển chiếc sà lan, dẫn đến hậu quả cầu bị gãy gây thiệt hại lớn về tài sản, thì chiếu theo quy định tại Điều 212 Bộ luật hình sự năm 1999 có thể áp dụng đối với Tội vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường thủy, mức phạt thấp nhất có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm và cao nhất là mười lăm năm tù giam. Luật cũng quy định rõ trong trường hợp người điều khiển phương tiện đường thủy gây tai nạn rồi bỏ chạy nhằm trốn tránh trách nhiệm thì mức phạt có thể dao động từ ba năm đến mười năm tù giam.

Luật giao thông đường thủy nội địa 2014 cũng quy định rõ, trong trường hợp người gây ra tai nạn nếu phát hiện người, phương tiện bị nạn trên đường thủy phải tìm mọi biện pháp để hỗ trợ cứu nạn, cứu hộ, nghiêm cấm hành vi bỏ trốn nhằm trốn tránh trách nhiệm.

Giấy tờ cá nhân của Nguyễn Văn Lẹ - tài công có mặt trên sà lan, người được cho là đã bỏ trốn khỏi hiện trường sau sự cố.

Bên cạnh đó, người điều khiển phương tiện đường thủy sẽ bị phạt tiền tối đa lên tới 30.000.000 đồng nếu nếu xác định hành vi Vi phạm quy định về bằng, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện tại điều 44 Nghị định 93/2013/NĐ-CP, quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đường thủy.

Những người đang lưu thông trên cầu, nếu bị thiệt hại về tinh thần, tài sản có thể yêu cầu người điều khiển sà lan gây tai nạn bồi thường thiệt hại, đồng thời có thể khởi kiện một vụ án dân sự nếu như người gây thiệt hại từ chối bồi thường.

Sẽ liên quan đến trách nhiệm của người quản lý cầu?

Nếu như việc sà lan di chuyển qua cầu, cần phải được kiểm tra nhưng ban quản lý cầu không chấp hành đúng quy trình dẫn đến sập cầu, thì theo điểm a khoản 2 điều 48 Nghị định 171/2013 NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, cần kiểm tra việc sà lan di chuyển, neo đậu qua công trình đường sắt như vậy có đúng quy định trong phạm vi bảo vệ cầu đường sắt hay không. Nếu phát hiện việc neo đậu trái quy định, hành vi này có thể bị Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân thực hiện một trong các hành vi vi phạm.