Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

20 - 40% người sử dụng ma túy có vấn đề về sức khỏe tâm thần

 
Ông Nguyễn Xuân Lập - Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội.
 
Mối liên hệ giữa việc sử dụng chất gây nghiện với sức khỏe tâm thần 
 
Ông Nguyễn Xuân Lập - Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, (Bộ LĐTBXH) khẳng định, những người sử dụng ma túy bị ảnh hưởng rất nhiều về vấn đề tâm thần. Để hỗ trợ người nghiện ma túy, một trong những giải pháp hữu hiệu nhất là can thiệp về sức khỏe tâm thần. Mục đích của giải pháp này là nhằm đồng hành cùng người nghiện ma túy trong quá trình hồi phục sức khỏe, chẩn đoán về tâm lý người bệnh sau thời gian sử dụng ma túy.
 
Theo BS. Khuất Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm SCDI, tỷ lệ người sử dụng ma túy  có vấn đề về sức khỏe tâm thần rất cao, dao động từ 20-40%. Mối liên hệ giữa việc sử dụng chất gây nghiện với sức khỏe tâm thần thể hiện rất chặt chẽ, ở 3 khía cạnh: một là, vì gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần nên sử dụng ma túy; hai là, vì sử dụng ma túy nên những dấu hiệu của sức khỏe tâm thần bộc phát ra; ba là, vì sử dụng ma túy kéo dài dẫn đến các vấn đề trong sức khỏe tâm thần.
 
Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ và cập nhật thực trạng tình hình sức khỏe tâm thần đối với người sử dụng (đặc biệt trong nhóm thanh thiếu niên) và những can thiệp hiện có tại các địa bàn như TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Hà Nội, Hải Phòng; đồng thời thảo luận để xây dựng chiến lược can thiệp về sức khỏe tâm thần cho người sử dụng ma túy tại Việt Nam trong thời gian tới. 
 
Bác sĩ Lê Sao Mai, Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng cho biết, các đối tượng tiêm chích ma túy thường có nguy cơ cao mắc các bệnh tâm thần, trầm cảm, loạn thần, lo âu, mất ngủ, đặc biệt là ý tưởng và hành vi tự sát. Tuy nhiên, việc điều trị tại cộng đồng chưa được quan tâm, rất ít bệnh nhân ra viện tiếp tục điều trị củng cố dẫn đến tỷ lệ tái phát cao, ngay cả khi bệnh nhân không dùng lại ma túy. Chính vì thế, việc can thiệp giúp đỡ rất cần sự phối hợp của các bên, từ bác sĩ, gia đình, các nhóm đồng đẳng.

 
BS. Khuất Hải Oanh - Giám đốc Trung tâm SCDI.
 
Giảm hại và tăng cường giáo dục cho thanh thiếu niên
 
Bác sĩ Phạm Thành Luân, Đại học Y Hà Nội thông tin, theo nghiên cứu của Đại học Y Hà Nội, kết quả sơ bộ sàng lọc sức khỏe tâm thần trong 319 thanh thiếu niên (16-24 tuổi) sử dụng ma túy tại Hà Nội, cho thấy: Tỷ lệ trầm cảm trong số này là 58%. Các triệu chứng thường gặp nhất của trầm cảm là: rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi, giảm quan tâm thích thú, chậm chạp, buồn chán. Tỷ lệ thanh thiếu niên có yếu tố tự sát là 26.3%, có kế hoạch tự sát là 12.2% và có ý định tự sát là 6.3%. 
 
Các vấn đề rối loạn tâm thần có thể xuất hiện trước (là nguyên nhân) hoặc sau (là hệ quả) việc sử dụng - lạm dụng ma túy ở thanh thiếu niên. Việc điều trị rối loạn tâm thần và điều trị nghiện là không giống nhau bởi đây là hai phạm trù bệnh khác biệt, nhưng nếu chỉ điều trị một trong hai, kết quả hồi phục sẽ thấp hơn rất nhiều so với việc điều trị cả hai cùng một lúc.
 
Theo bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh, hiện chưa có một nghiên cứu riêng biệt về kỳ thị - phân biệt đối xử trên thanh thiếu niên có vấn đề về sử dụng ma túy và mắc rối loạn tâm thần, nhưng có thể dễ dàng nhận thấy nhóm này sẽ phải chịu sức ép rất lớn từ việc bị kỳ thị kép khiến các em càng khép kín và bế tắc hơn.
 
Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh khẳng định, càng bị cô lập thì việc chẩn đoán các rối loạn sẽ càng muộn, điều trị sẽ bị trì hoãn, khiến cho những tổn thương do nghiện ma túy và rối loạn tâm thần gây ra cho não bộ sẽ khó hồi phục và mất nhiều thời gian hơn rất nhiều. 
Ngày càng nhiều bằng chứng về việc thúc đẩy và bảo vệ sức khỏe thời niên thiếu không chỉ đem lại lợi ích cho chính thiếu niên đó trong ngắn hạn và dài hạn, mà còn ảnh hướng tích cực đến nền kinh tế - xã hội khi những người trưởng thành khỏe mạnh có thể lao động hiệu quả hơn, đóng góp nhiều hơn cho gia đình, cộng đồng. 
 
Để xây dựng tính dẻo dai về tinh thần cho trẻ em và thiếu niên cần cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho họ, giúp làm tăng chất lượng cuộc sống và giảm tỷ lệ người sử dụng ma túy cũng như phạm tội. Dự phòng bắt đầu từ việc nhận thức và hiểu những triệu chứng và dấu hiệu cảnh báo sớm của các bệnh lý tâm thần. Cha mẹ và thầy cô giáo có thể giúp trang bị các kỹ năng sống của trẻ em và thiếu niên để các em có thể tự xoay sở được với những thách thức tại trường học và gia đình. 
 
“Cha mẹ và bạn bè đóng vai trò quan trọng trong việc giúp phát hiện sớm các dấu hiệu của lạm dụng ma túy và rối loạn tâm thần. Người lớn có thể giúp trang bị các kĩ năng sống của trẻ em và thiếu niên để các em có thể tự xoay sở được với những thách thức tại trường học và gia đình; tạo được một mối quan hệ chân thành, một không gian an toàn để các bạn thanh thiếu niên có thể tin tưởng và cảm thấy thoải mái chia sẻ các vấn đề của mình. Bên cạnh đó, trường học hoặc các cơ sở cộng đồng khác có thể hỗ trợ tâm lý. Đồng thời, nâng cao/mở rộng đào tạo năng lực cho nhân viên y tế để họ có thể phát hiện và xử trí các rối loạn sức khỏe tâm thần" - bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh nói. 
 
Các nghiên cứu cho thấy, trong độ tuổi thanh thiếu niên, não bộ vẫn tiếp tục phát triển, đến 24-25 tuổi mới hoàn thiện, nếu trong quá trình đó, thanh thiếu niên sử dụng các chất kích thích gây tác động lên thần kinh trung ương như ma túy, rượu... sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển não bộ dẫn dến nguy cơ bị mắc các căn bệnh về sức khoẻ tâm thần nhiều hơn, nguy cơ nghiện cao hơn.

Vân Nhi/TC GĐ&TE