Dự án BOT Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đang gặp phản ứng của người dân và doanh nghiệp. Ảnh: TL.
Trả lời phỏng vấn báo chí bên lề một sự kiện về cải cách doanh nghiệp nhà nước do cơ quan này tổ chức tổ chức sáng 21/8 tại Hà Nội, ông Phớc cho biết, Kiểm toán Nhà nước đã kết thúc kiểm toán thêm 24 dự án BOT giao thông nữa và giảm trừ thời gian thu phí 62,8 năm.
Khoảng một tháng nữa, tất cả 24 báo cáo kiểm toán này sẽ được công bố, trong đó có nhiều dự án BOT như Cai Lậy tỉnh Tiền Giang, Hà Nội – Bắc Giang.
Ông tiết lộ, 24 dự án này vi phạm các lỗi như chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu chưa đủ năng lực và kinh nghiệm, vị trí đặt trạm chưa hợp lý.
Ông cho biết, Kiểm toán Nhà nước đề nghị cần tăng cường công khai, minh bạch; phải có kế hoạch, chiến lược phát triển các dự án BOT; phải tập trung giám sát chất lượng và khối lượng công trình như đầu tư bằng vốn ngân sách; phải quyết toán sớm các dự án và tính toán doanh thu, chi phí chính xác để có thời gian thu phí một cách đúng đắn nhất, vừa đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, vừa đảm bảo lợi ích của nhân dân, của nhà nước.
“BOT là một hình thức tốt. Nếu không làm BOT thì không tìm ra nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông”, ông bổ sung.
Gần đây, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 27 dự án được kiểm toán (năm 2016 là 21 dự án) so với phương án tài chính ban đầu 107,4 năm.
Cơ quan này cho biết, các dự án BOT tồn tại hàng loạt hạn chế như chưa có tiêu chí lựa chọn dự án được đầu tư theo hình thức BOT; hầu hết các dự án BOT áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư và chỉ định nhà thầu thi công mà không thực hiện đấu thầu; chưa có cơ chế kiểm tra, kiểm soát quá trình thu phí để xác định lưu lượng phương tiện giao thông thực tế qua trạm thu phí; khoảng cách một số trạm thu phí không đảm bảo quy định tối thiểu 70km.