Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

25 triệu trẻ em lỡ các mũi vaccine cơ bản vì đại dịch

Công tác tiêm chủng nói riêng và chăm sóc sức khỏe nói chung trên toàn cầu liên tục bị gián đoạn trong hai năm bùng phát đại dịch COVID-19.

Số lượng trẻ em không được tiêm các mũi vaccine cơ bản tăng vọt kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Ảnh minh họa: Reuters

Số lượng trẻ em không được tiêm các mũi vaccine cơ bản tăng vọt kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Ảnh minh họa: Reuters

Dẫn thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại 177 quốc gia, hãng tin Reuters cho biết trong năm ngoái, khoảng 25 triệu trẻ em trên khắp thế giới không được tiêm các loại vaccine cơ bản như vaccine phòng bạch hầu, uốn ván, ho gà,... Con số này cao hơn thời điểm trước đại dịch 6 triệu em.

Qua đó, UNICEF ghi nhận tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em sụt giảm ở mức kỷ lục. Tỷ lệ bao phủ vaccine cũng thấp ở mức chưa từng thấy kể từ đầu thế kỷ 21.

Theo dữ liệu thống kê, tỷ lệ tiêm chủng ba mũi vaccine bạch hầu, uốn ván và ho gà sụt giảm tại tất cả các nước. Trên toàn thế giới, tỷ lệ bao phủ của 3 mũi vaccine này ở trẻ em giảm 5%, xuống còn 81% trong năm 2021. Tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, số lượng trẻ em chưa được tiêm mũi nào tăng 37% trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến 2021.

Sau năm đầu tiên đại dịch, nhiều người kỳ vọng tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em sẽ tăng trở lại vào năm 2021. Tuy nhiên, tình hình hiện tại vẫn dấy lên nhiều nghi ngại.

Năm 2021, 24,7 triệu trẻ em đã lỡ liều vaccine sởi đầu tiên và 14,7 triệu trẻ khác không được tiêm liều thứ hai. Cùng năm, tỷ lệ bao phủ vaccine phòng sởi là 81%, con số thấp nhất kể từ năm 2008.

Đối với nhiều bệnh, tối thiểu 90% trẻ em cần được tiêm chủng để ngăn chặn sự bùng phát thành dịch. Tỷ lệ tiêm chủng sụt giảm đã làm gia tăng số ca mắc của nhiều căn bệnh. Cụ thể, tại châu Phi, số ca mắc sởi tăng tới 400% trong năm nay.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters, ông Niklas Danielsson, chuyên gia về tiêm chủng của UNICEF, nhấn mạnh: “Tôi muốn nêu rõ mức độ nguy cấp của vấn đề này. Công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em đang gặp khủng hoảng”.

UNICEF chỉ ra nhiều nguyên nhân ngăn cản nỗ lực tăng tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em như ưu tiên phòng COVID-19, kinh tế khó khăn, áp lực đè lên hệ thống chăm sóc sức khỏe…