Lễ khánh thành Đài tưởng niệm Vị Xuyên. Ảnh: KT
Đất nước trầm hùng trong dịp 27/7
Mỗi năm, Ngày Thương binh - Liệt sĩ chỉ có một ngày, nhưng để làm tốt công tác với người có công, chúng ta phải hoạt động quanh năm; cuối tháng 7 là dịp đẩy mạnh việc đền ơn, đáp nghĩa. Hàng chục ngàn nghĩa trang liệt sĩ trên dải đất hình chữ S không cho phép ai được quên công sức và xương máu của hàng triệu người con ưu tú đã ngã xuống vì hòa bình, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam. Để tưởng nhớ công lao của các anh, các chị, không chỉ thắp một nén hương, mà mỗi người còn thầm hứa phải sống tốt hơn, cố gắng nhiều hơn.
Mùa này nắng nhiều, mưa lắm, thời tiết khắc nghiệt, nhưng không ngăn được dòng người đổ về các nghĩa trang để quét dọn, tu sửa, thắp hương, cầu khấn… Dù khoa học, công nghệ phát triển cao đến mấy, ở bất kỳ nơi nào trên trái đất vẫn còn chỗ cho niềm tin tâm linh. Việt Nam không có quốc đạo nhưng hình như triết lý của đạo Phật đều có ở mỗi người. Chúng ta sống với đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn”, “Ăn quả, nhớ người trồng cây” nên trong tháng 7 này, ai ai cũng muốn làm một điều gì đó có ý nghĩa đối với những người đã hi sinh vì đất nước, quan tâm đến thân nhân của họ.
Những việc tình, việc nghĩa được thể hiện ở khắp mọi nơi, khiến cho không khí trở nên trầm lắng và hùng tráng. Có những thời khắc, ta có cảm tưởng như có sự giao hòa giữa người sống và người chết, sự giao ban giữa các thế hệ. Trong những thời điểm nhất định, đất nước cần sự tĩnh lặng để nhận thức và tạo thêm sức mạnh. Dịp 27/7 là một trong những thời điểm như vậy.
Chúng ta làm được nhiều rồi, nhưng vẫn chưa đủ
Gần 70 năm về trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy trước con đường mà đất nước Việt Nam trải qua: Đó là toàn dân tộc phải chiến đấu và luôn luôn sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Việc này chúng ta phải làm từ năm này qua năm khác; từ thế kỷ này qua thế kỷ khác. Do vậy, việc nuôi dưỡng, duy trì, phát huy tinh thần chiến đấu quả cảm của các thế hệ có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 đóng vai trò chính trong công tác này.
Sau khi tiến hành đổi mới và đạt được những thành tựu có ý nghĩa trong các chính sách kinh tế - xã hội, Đảng và Nhà nước ta có thêm điều kiện để quan tâm đến người có công. Các nghĩa trang được xây dựng lại trang nghiêm hơn; công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được đẩy mạnh hơn; nhà tình nghĩa được xây dựng nhiều hơn; cha mẹ, con cái của các liệt sĩ, thương binh được quan tâm chu đáo hơn… Việc đưa ra chính sách có tính nguyên tắc: Thân nhân của những người có công phải được tạo điều kiện để có cuộc sống ngang bằng, hoặc tốt hơn mức sống trung bình trong khu vực đã phát huy hiệu quả. Cho đến thời điểm này, hầu như không có gia đình người có công nào rơi vào hoàn cảnh khó khăn, túng thiếu. Con em của liệt sĩ, thương binh được hưởng các chế độ ưu tiên trong học tập, tuyển dụng; được tạo điều kiện thuận lợi trong lập nghiệp.
Có thể nói, trong những năm qua, chúng ta đã làm được rất nhiều việc có ý nghĩa đối với người có công. Nhưng chúng ta vẫn chưa hài lòng, vì như thế vẫn chưa đủ. Vẫn còn đó hàng trăm ngàn liệt sĩ chưa tìm được hài cốt; vẫn còn đó hàng trăm ngàn ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên; vẫn còn những địa danh oanh liệt chưa có đài tưởng niệm… Chúng ta vẫn còn nhiều việc để làm đối với các anh hùng, liệt sĩ và gia đình họ.
Dịp 27/7, rất nhiều người đã đến thăm và viếng các liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Ảnh: KT
Dù sống trong thời bình, vẫn không được lơ là công tác thương binh - liệt sĩ
Đất nước đã thống nhất hơn 40 năm; biên giới phía Bắc, phía Nam cũng đã im tiếng súng, nhưng không phải vì thế mà các chiến sĩ không đổ máu, không hy sinh. Sự kiện xảy ra vào năm 1988 tại đảo Gạc Ma khiến 64 chiến sĩ của chúng ta hy sinh khiến chúng ta nhớ mãi bài học cảnh giác.
Philippines đã kiện ra tòa án quốc tế về đòi hỏi ngang ngược của Trung Quốc ở biển Đông và đã thắng kiện. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn ngoan cố không chịu theo phán quyết của tòa án, điều này khiến tình hình biển Đông có thể trở nên căng thẳng, rất dễ xảy ra xung đột. Việt Nam nhất quán khẳng định chủ quyền của mình ở Trường Sa, Hoàng Sa nên chúng ta phải dồn sức người, sức của cho việc bảo vệ chủ quyền biển đảo. Làm tốt công tác với những người có công, thế hệ trẻ sẽ thêm ấm lòng, thêm tự tin để lên đường bảo vệ Tổ quốc.
Hội Cựu chiến binh với tổ chức chặt chẽ và rộng khắp trên toàn quốc luôn luôn có vai trò quan trọng trong việc thực hiện chính sách với người có công, tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh.Với sự vận động của Hội Cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên trong chiến tranh biên giới phía Bắc, ngày 25/6/2016 đã khánh thành Đài tưởng niệm Vị Xuyên - nơi diễn ra một trong những trận đánh đẫm máu nhất với quân Trung Quốc. Điều này nhắc nhở chúng ta cảnh giác và củng cố thêm quyết tâm sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Cuộc sống thời bình có vẻ cứ bình lặng trôi qua nhưng vẫn tiềm ẩn những rủi ro, hy sinh, mất mát. Vụ tai nạn kép ở Biển Đông vừa qua, chúng ta mất đi 10 người con ưu tú. Những gia đình này cần lắm sự hỗ trợ cả về tinh thần và vật chất. Thực tế đã chứng minh chúng ta làm công tác thương binh - liệt sĩ, người có công rất tốt. Mất mát, đau thương đấy nhưng không ai mất tinh thần. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, con cái của những người lính hy sinh trong vụ tai nạn kép vừa qua sẽ được tạo điều kiện ăn học tốt; lớn lên họ sẽ tiếp bước cha anh.
Đất nước Việt Nam “tựa lưng” vào dãy Trường Sơn, “duỗi chân” ra biển Đông bằng Trường Sa, Hoàng Sa; ở nơi nào cũng hào hùng khí thế sẵn sàng chiến đấu và lắng đọng lòng biết ơn.
Đoàn viên thanh niên thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: KT
Văn hóa kỷ niệm
Mỗi năm, Việt Nam chúng ta có rất nhiều ngày lễ kỷ niệm. Đây là hoạt động không thể thiếu trong đời sống. Vấn đề đặt ra là phải làm lễ kỷ niệm thế nào cho tương xứng, không nặng nề, tốn kém mà lại đạt hiệu quả cao.
Mỗi một ngày lễ có tính chất, nội dung, ý nghĩa riêng, nên những người có trách nhiệm tổ chức phải hiểu rõ việc này. Ngày 27/7 là Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Bộ LĐTBXH có trách nhiệm chính trong việc chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương tổ chức ngày lễ này đúng trọng tâm.
Trước hết, chúng ta quan tâm đến những người đã hi sinh. Có mấy việc cần phải làm: sửa sang, tu bổ lại những nghĩa trang liệt sĩ xuống cấp; đẩy mạnh công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, xácđịnh danh tính liệt sĩ. Tiếp theo, chúng ta quan tâm đến thương binh, bệnh binh; cần phải đáp ứng kịp thời những yêu cầu hợp lý của họ để họ sống vui vẻ, thoái mái, động viên con cái học tập và làm nghĩa vụ với Tổ quốc. Việc quan tâm đến gia đình, người thân của những người có công cũng là việc quan trọng và chúng ta đã làm khá tốt trong nhiều năm. Cần duy trì và bổ sung một số hình thức cho phù hợp.
Điều có ý nghĩa nhất là dần dần chúng ta biến ngày 27/7 thành một lễ kỷ niệm mang tính văn hóa tâm linh. Chúng ta cần nghiên cứu để làm thế nào đó mà mỗi người đều cảm thấy tự hào và thiêng liêng. Từ đây, người ta sẽ tự hứa với mình sẽ cố gắng sống đẹp, sống có ích, sống vì cộng đồng, vì đất nước.
Làm được như thế, chúng ta đạt đến tầm cao văn hóa trong việc tổ chức kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7.
Đàm Trọng
Hồ Bất Khuất/Tạp chí Gia đình và Trẻ em