Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

3 "mẫu nàng dâu" mẹ chồng nào cũng ghét

Hay nói xấu nhà chồng
 
Mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu luôn chứa chất nhiều vấn đề nhạy cảm. Có không ít nàng dâu mà đối với họ nói xấu mẹ chồng đã trở thành thói quen, thậm chí cả niềm vui. Từ chuyện cách ăn nói, sinh hoạt đến những mâu thuẫn trong việc chăm sóc con cái đều có thể trở thành đề tài để chị em trút giận mà đối tượng được nói đến luôn là "mẹ chồng tôi".
 
Đặc biệt, có những chị em luôn lấy lý do mẹ chồng vùng này, con dâu vùng kia ra để bào chữa cho những định kiến cá nhân. Như vậy thực sự không đúng, lại xúc phạm người khác và bản thân các chị chị em nếu giữ mãi tư tưởng này khi làm dâu sẽ luôn cảm thấy "khó ở" và mối quan hệ không bao giờ được "tháo nút".
 
Trong thực tế, mối quan hệ nào cũng vậy, bạn cần phải xem xét lại cả bản thân mình. Dù mẹ chồng thế nào, các chị em hãy học cách chấp nhận và yêu thương trước mẹ chồng, những người nhà chồng mình. Hãy chấp nhận chịu thiệt thòi, bực mình trước một chút thì mọi mâu thuẫn sẽ được hóa giải.
 
 
Thiếu lễ phép
 
"Con dâu tôi đang sống ở nhà của vợ chồng tôi, nhưng đi không hỏi, về không chào. Chồng tôi vẫn nói với tôi rằng, ngôi nhà hai vợ chồng vất vả mới mua được giờ không bằng cái nhà trọ, nhà trọ người chủ nhà còn được trả tiền hàng tháng, khách trọ đi về còn phải chào hỏi, còn phải tuân thủ nội quy, còn con dâu ở nhà tôi tiền trọ không mất, nhưng cũng chẳng được câu chào hỏi".
 
Đối với không chỉ bố mẹ chồng, mà với người lớn tuổi nói chung, việc lễ phép thể hiện sự tôn trọng đối phương và tôn trọng bản thân mình. Nàng dâu có thể vì nhiều lý do mà "đi tắt" trong các nghi thức quan hệ phải có. Điều này dần dần gây sự khó chịu trong bố mẹ chồng. Các mâu thuẫn sẽ vì thế mà dần lớn lên. Để tránh được điều này, bạn phải thực hành sự lễ phép của mình như một thói quen, một sự thôi thúc bản thân một cách chân thành thay vì sự qua loa "để cho có".
 
Ham chơi, đoảng tính
 
"Con dâu tôi đoảng tính, không biết chăm sóc con, đã thế tính tình lại ham chơi, nên có thể dẫn con đi khắp mọi nơi mà không quan tâm đến sức khỏe của con, nhiều lần đi chơi về là cháu ốm mất cả tuần. Con dâu đi làm bỏ mặc vợ chồng tôi trông cháu, nhưng cứ nói ra là con dâu lại cho rằng hai vợ chồng tôi cấm đoán con dâu đưa cháu đi chơi, rồi hai vợ chồng già khó tính hay bắt bẻ con dâu, và đi kể xấu bố mẹ chồng khắp nơi. Không nói ngoa, con dâu tôi còn đi nói với hàng xóm rằng bố mẹ chồng là con chó".
 

Đây là điểm dễ gây bất hòa nhất ở các nàng dâu với bố mẹ chồng của mình. Bố mẹ chồng nào cũng mong sau khi con trai mình kết hôn, ông bà sẽ có thêm được một người con chu toàn mọi việc. Việc đoảng tính trong cuộc sống thường ngày có thể được bỏ qua nhưng nếu với con đẻ của mình mà bạn cũng đoảng trong chăm sóc thì người ngoài cũng không dễ tha thứ nữa là bố mẹ chồng. Mọi thứ có thể học, chỉ cần bạn có ý thức về việc đó. Bởi vậy, các nàng dâu cũng nên để ý đến điểm này nếu thực tâm muốn xây dựng một gia đình hòa thuận, đầm ấm. 

Theo Phương Nghi/Giadinh.net.vn