Nguy cơ lây nhiễm tại thành phố đến từ nhiều nguồn
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết dù thành phố chưa ghi nhận thêm ca dương tính mới, nhưng với tình hiện hiện nay nguy cơ dịch xâm nhập và lây lan tại thành phố là rất cao.
Theo các chuyên gia, thành phố cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt bởi rất có thể còn ca bệnh trong cộng đồng chưa được truy vết.
Theo đó, 3 nguồn lây nhiễm tại hiện tại đe dọa thành phố gồm lây nhiễm chéo trong khu cách ly, nhập cảnh trái phép và cảng hàng hải.
Lây nhiễm chéo trong khu cách ly, từ đó lây ra cộng đồng nếu không đảm bảo điều kiện tổ chức cách ly. Thành phố có nhiều bệnh viện tuyến cuối phải tiếp nhận bệnh nhân từ nhiều tỉnh thành trong cả nước, rất đông bệnh nhân và thân nhân.
Tính đến ngày 7/5, TP.HCM đang tổ chức cách ly tập trung cho 2.547 người tại 3 cơ sở cách ly. Trong đó có 4 khu cách ly tập trung của thành phố, 22 cơ sở cách ly tập trung của TP Thủ Đức và quận, huyện với tổng công suất 1.298 giường, 41 khách sạn cách ly có thu phí với 4.458 giường.
Một nguồn bệnh có nguy cơ cao gây bùng phát dịch là người nhập cảnh trái phép. Trước đó, bác sĩ Dũng nhiều lần nhấn mạnh thành phố có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 rất cao từ người nhập cảnh trái phép mang nguồn bệnh nhưng không khai báo y tế.
Khoảng cuối tháng 4, TP.HCM kịp thời phát hiện 2 trường hợp nhập cảnh trái phép từ Campuchia và đến Bệnh viện Từ Dũ để điều trị. Giám đốc HCDC nhận định qua sự việc này, thành phố xác định sẽ còn nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép khác khai báo y tế không chính xác.
Thành phố luôn có nguy cơ nhập cảnh trái phép. Là một trung tâm kinh tế, đầu mối giao thông của cả nước nên nức độ di chuyển của người dân đến và đi khỏi thành phố rất lớn. Thành phố cũng là cửa ngõ giao thông quốc tế với 1 sân bay và gần 60 cảng hàng hải lớn nhỏ.
Hiện nay, Thành phố đang đóng góp hơn 22% GDP và hơn 25% thu ngân sách cả nước. Do đó, việc ngăn chặn dịch tại Thành phố có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với công tác phòng chống dịch của cả nước.
Những giải pháp cần triển khai quyết liệt trong thời gian tới
Thành phố cần kích hoạt mạnh mẽ các Bộ chỉ số an toàn. Trong diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, từng Sở, ngành phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung Bộ tiêu chí an toàn của ngành cho phù hợp với tình hình mới và khẩn trương triển khai cho toàn ngành thực hiện. 100% cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất trên địa bàn Thành phố phải được hậu kiểm đánh giá an toàn về phòng chống dịch. Đối với các phương tiện giao thông công cộng, dịch vụ vận chuyển hành khách: cần tập huấn cho tài xế các biện pháp phòng bệnh phù hợp đặc thù công việc, yêu cầu hành khách chấp hành nghiêm khuyến cáo 5K.
Ngành Y tế chuẩn bị sẵn sàng trang thiết bị, vật tư y tế, năng lực xét nghiệm. Thực hiện dự trữ đầy đủ sinh phẩm, test kit xét nghiệm. Triển khai phối hợp giữa 24 phòng xét nghiệm khẳng định COVID-19 trên địa bàn Thành phố nhằm đảm bảo công suất xét nghiệm đạt 15.000 mẫu đơn trong 24 giờ, khi cần thiết có thể nâng công suất lên đến 30.000 – 40.000 mẫu đơn. Các Trung tâm Y tế và các bệnh viện công lập tổ chức 2-3 đội lấy mẫu/đơn vị, huy động thêm lực lượng sinh viên các trường đại học y khoa sẵn sàng phục vụ công tác lấy mẫu với quy mô lớn khi phát sinh ổ dịch.
Chuẩn bị sẵn sàng phương án điều trị, cách ly khi dịch lan rộng trong cộng đồng. Thành phố triển khai thêm 04 khu cách ly tập trung nâng tổng công suất toàn thành phố lên trên 10.000 giường; sẵn sàng triển khai ngay phương án tổ chức điều trị cho 50 – 100 người bệnh COVID-19, dự trù sẵn kế hoạch đảm bảo điều trị cho 100 – 200 người bệnh và khẩn trương xây dựng thêm Bệnh viện dã chiến với quy mô 5.000 giường chuẩn bị cho tình huống có 30.000 ca bệnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, các Trung tâm y tế thành phố Thủ Đức và quận huyện chủ động cập nhật, hoàn chỉnh các phương án điều tra, truy vết, khoanh vùng, dập dịch, sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống của dịch bệnh. Tổ chức diễn tập kịch bản, phương án để đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế để có thể triển khai nhuần nhuyễn, kịp thời khi phát sinh ổ dịch.
Kiểm soát nguy cơ dịch bệnh xâm nhập qua đường hàng không, đường thủy, đường bộ. Tất cả người dân đã đến nơi có ca nhiễm phải khai báo y tế. Rà soát và bổ sung các hướng dẫn phòng chống lây nhiễm trên máy bay. Thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, vận chuyển người nhập cảnh phải tuân thủ theo các quy trình phòng chống lây nhiễm Covid-19.
Biên soạn các hướng dẫn phòng, chống lây nhiễm cho thuyền viên trong thời gian neo đậu tại bến cảng. Triển khai phân luồng làm việc tại cảng, hạn chế đến mức thấp nhất sự tiếp xúc trực tiếp giữa người lao động tại cảng với các thuyền viên trong thời gian làm hàng. Tăng cường giám sát qua camera, đội ngũ tuần tra. Lập danh sách và giám sát tất cả người có tiếp xúc trực tiếp với các tàu nhập cảnh.
Tổ chức cách ly tập trung đảm bảo chất lượng: Mỗi quận huyện cần duy trì ít nhất 01 khu cách ly tập trung với ít nhất 20 giường luôn sẵn sàng và có sẵn phương án mở rộng lên 50 giường trong 24 giờ và 100 giường trong 7 ngày. Đối với các khách sạn làm cách ly y tế: cần quy định rõ chỉ nhận 01 đối tượng cách ly để tổ chức theo dõi, lấy mẫu xét nghiệm đúng lịch.
Tăng cường phòng chống dịch trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ sở sản xuất: Chuẩn bị các phương án xử lý tình huống xuất hiện 1 hoặc nhiều ca trong khu công nghiệp, khu chế xuất.
Thành phố đã thành lập 19.000 tổ Covid-19 cộng đồng với hơn 52.000 thành viên đều đã đã được tập huấn và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Cần phát huy mạnh mẽ vai trò của Tổ COVID cộng đồng trong việc: Phát hiện những trường hợp nhập cảnh trái phép, những chùm ca bệnh hô hấp tại cộng đồng; Hỗ trợ cho lực lượng y tế truy vết các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân trong cộng đồng; Truyền thông vận động, giám sát sự chấp hành của các hộ dân trong phạm vi bị phong tỏa; Đối với các quận, huyện có bến cảng, bến phao, thực hiện truyền thông cho các người dân sống trong khu vực nhằm hạn chế sự xâm nhập bất hợp pháp từ tàu lên đất liền, hạn chế giao tiếp trực tiếp với các thuyền viên đang trên tàu.
Trong tình hình dịch bệnh hiện là cơ hội để thành phố đẩy mạnh chuyển đổi bao gồm việc xây dựng chính quyền số và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.