Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

3 tỉnh đầu tiên sáp nhập huyện, xã, thành phố Nam Định mở rộng gấp 2,6 lần

Thành Công
Thành Công

(Dân sinh) - Giai đoạn 2023-2025 tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 3 tỉnh: Nam Định, Sóc Trăng, Tuyên Quang. Đáng chú ý, thành phố Nam Định mở rộng sẽ có diện tích trên 120 km2 - gấp 2,6 lần hiện nay, bao gồm 22 phường, 13 xã và một thị trấn.

Ngày 23/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của các tỉnh Nam Định, Sóc Trăng, Tuyên Quang.

100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết thông qua nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của 3 tỉnh này.

nam-dinh.jpg
Thành phố Nam Định nhìn từ trên cao. (Ảnh: ITN).

 

Sau sắp xếp giảm 1 huyện, 53 xã

Tỉnh Nam Định: Báo cáo tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, giai đoạn 2023-2025, tỉnh Nam Định có 2 trong 10 ĐVHC cấp huyện thực hiện sắp xếp (huyện Mỹ Lộc và TP Nam Định) và 79 trong 226 ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp.

Theo đề án của tỉnh, toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của huyện Mỹ Lộc được nhập vào TP Nam Định. Sau sáp nhập, thành phố sẽ rộng hơn 120 km2, gần 365.000 người, gồm 13 xã, 22 phường và một thị trấn.

Sau khi nhập huyện Mỹ Lộc vào thành phố Nam Định, tỉnh giảm 1 huyện (Mỹ Lộc) còn 9 ĐVHC cấp huyện gồm 8 huyện và 1 thành phố.

Sắp xếp đối với 79 ĐVHC cấp xã, Nam Định giảm từ 226 xuống 175 ĐVHC cấp xã (146 xã, 14 phường, 15 thị trấn), giảm 51 đơn vị.

Tỉnh cũng sắp xếp 77 trên tổng số 226 đơn vị hành chính cấp xã, giảm được một huyện (còn 9 đơn vị cấp huyện), giảm 51 xã (còn 42 xã, 8 phường và một thị trấn). Tỷ lệ đô thị hóa tăng 4,8% do mở rộng TP Nam Định.

Để giải quyết chế độ cho khoảng 1.100 cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau sắp xếp, tỉnh Nam Định đã xây dựng phương án, lộ trình bảo đảm đến tháng 9/2029 hoàn thành.

Ngoài ra, sau sắp xếp, Nam Định dôi dư 39 trụ sở và đã có phương án giải quyết trong thời hạn 3 năm.

Với tỉnh Tuyên Quang, theo bà Trà, địa phương này giữ nguyên 7 ĐVHC cấp huyện. 

Với cấp xã, sẽ nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân của xã Hồng Lạc với xã Vân Sơn để thành lập xã Hồng Sơn (mới) thuộc huyện Sơn Dương. Từ đó giảm 1 xã, còn 137 ĐVHC cấp xã.

Sau sắp xếp, Tuyên Quang dôi dư là 24 người (16 cán bộ, công chức và 8 người hoạt động không chuyên trách).

Còn tỉnh Sóc Trăng có huyện Cù Lao Dung thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025 nhưng có yếu tố đặc thù nên tỉnh đề nghị không thực hiện sắp xếp. Với ĐVHC cấp xã có 1 phường thuộc diện sắp xếp và 1 phường liền kề.

Sóc Trăng nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của phường 1 với phường 9 để thành lập phường 1 (mới) thuộc TP Sóc Trăng.

Sau sắp xếp, tỉnh Sóc Trăng giữ nguyên 11 ĐVHC cấp huyện (1 TP, 2 thị xã và 8 huyện); giảm 1 phường, còn 108 ĐVHC cấp xã (80 xã, 16 phường, 12 thị trấn).

Với phương án này, Sóc Trăng dôi dư là 18 người sau sắp xếp (12 cán bộ, công chức và 6 người hoạt động không chuyên trách).

Như vậy, tính chung cả 3 tỉnh, sau sắp xếp dôi dư 1.158 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết Ủy ban này cơ bản tán thành với các phương án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã và phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại các ĐVHC thực hiện sắp xếp của 3 tỉnh.

Giải quyết chính sách dôi dư cho hơn 1.100 cán bộ, CCVC

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chỉ đạo chính quyền địa phương các tỉnh Nam Định, Sóc Trăng, Tuyên Quang quan tâm đến việc sắp xếp, bố trí các chức danh cán bộ chủ chốt, ổn định tổ chức bộ máy các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Cùng với đó, tiếp tục rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn ĐVHC thực hiện sắp xếp.

Các địa phương cần kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân; tạo thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân trong việc thay đổi con dấu, giấy tờ; rà soát, xác định rõ những chính sách, đối tượng sẽ bị tác động…

Nêu ý kiến sau đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý về vấn đề xử lý trụ sở làm việc sau sắp xếp. Ông đề nghị các bộ, ngành và địa phương phối hợp để tháo gỡ kịp thời, tránh lãng phí.

“Thực tế sắp xếp vừa qua có nhiều trụ sở xã, phường sau sáp nhập còn để trống, chưa sử dụng, thanh lý. Các đồng chí phối hợp tính toán không để các trụ sở này trống nhiều năm”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Song song, ông Mẫn cũng yêu cầu quan tâm đến sắp xếp tổ chức bộ máy sau sắp xếp; giải quyết chính sách với cán bộ dôi dư, làm tốt công tác tư tưởng.

“Mỗi lần sắp xếp là thay dấu, thay tên, thay địa chỉ, ảnh hưởng rất nhiều đến người dân, doanh nghiệp. Vì vậy, phải tính toàn, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp thay đổi giấy tờ”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Tin liên quan