Tại buổi lễ kỷ niệm 30 tái lập tỉnh Quảng Ngãi, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nêu bật những thành tựu về KT- XH đáng ghi nhận qua 30 năm tái lập; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Quy mô và cơ cấu kinh tế có sự thay đổi lớn. Tăng trưởng kinh tế liên tục giữ mức cao, tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn năm 2019 ước đạt 54.906 tỷ đồng, trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 8.905 tỷ đồng, khu vực công nghiệp – xây dựng đạt 29.339 tỷ đồng, khu vực dịch vụ đạt 16.661 tỷ đồng.
So với năm 1989, GRDP tăng gấp 19,5 lần, trong đó nông, lâm nghiệp và thủy sản gấp 5,02 lần, công nghiệp - xây dựng gấp 132,85 lần, dịch vụ tăng gấp hơn 21,97 lần. Tăng trưởng GRDP bình quân 10,49%/năm, trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 17,7%/năm; dịch vụ tăng 10,85%/năm; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,53%/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 1989 ước đạt 601 tỷ đồng, đến năm 2019, ước đạt 124.870 tỷ đồng, gấp gần 207 lần so với năm đầu tái lập tỉnh; tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 19,5%/năm.
Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng dần qua các thời kỳ, đạt nhiều kết quả vượt bậc, nhất là từ khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động. Năm 1989, thu ngân sách chỉ đạt 16,3 tỷ đồng, chủ yếu từ các doanh nghiệp quốc doanh và thuế sử dụng đất nông nghiệp, đến năm 2019, thu ngân sách ước đạt 20.000 tỷ đồng, gấp 1.227 lần so với năm 1989. Thu nhập bình quân đầu người tăng rõ rệt qua các năm, từ mức 909 ngàn đồng/tháng/người năm 2010, tăng lên 58 triệu đồng/tháng/người năm 2018.
Là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Quảng Ngãi hội tụ đủ các lợi thế tạo động lực phát triển như lọc hóa dầu, luyện kim, chế tạo, điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển công nghiệp, cảng biển, kinh tế biển và kết nối thuận lợi với các tỉnh khu vực Tây Nguyên, phía Nam Lào và Đông Bắc Campuchia. Với lợi thế và tiềm năng đó, Quảng Ngãi hoàn toàn có thể trở thành trung tâm công nghiệp của miền Trung và cả nước mà ở đó, sức mạnh kinh tế được dựa trên năng suất, chất lượng và năng lực quản trị của các cấp chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp.
Năm 2016, Tỉnh ủy Quảng Ngãi khóa XVII đã ban hành Nghị quyết 02 về phát triển công nghiệp và Nghị quyết 03 về phát triển Khu kinh tế Dung Quất (trong lĩnh vực công nghiệp). Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2010-2015 tiếp tục có nghị quyết, xác định công nghiệp là một trong 3 khâu đột phá của tỉnh, phấn đấu đến năm 2020 là tỉnh công nghiệp.
Để thu hút đầu tư, tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi như hỗ trợ chi phí đào tạo lao động cho các doanh nghiệp; rút ngắn thủ tục hành chính, với cơ chế nhanh gọn, tập trung một đầu mối; giá cho thuê đất thực hiện các dự án đầu tư với mức thấp nhất là 0,5% theo khung giá quy định của Chính phủ; hỗ trợ tương đương 20% chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án; hỗ trợ 70% chi phí đầu tư hạ tầng trong và ngoài hàng rào dự án, đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.
Trong Hội nghị xúc tiến đầu tư do tỉnh tổ chức vào ngày 20-10-2017, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, bên cạnh Khu kinh tế Dung Quất là một trong 5 khu kinh tế ven biển của Việt Nam, Quảng Ngãi còn có 4 khu công nghiệp tập trung và 15 cụm công nghiệp, làng nghề. Khu phức hợp công nghiệp - đô thị và dịch vụ VSIP có cơ sở hạ tầng hiện đại, dịch vụ hỗ trợ khách hàng chuyên nghiệp.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khi ấy đã chỉ đạo: Quảng Ngãi cần có chiến lược kinh doanh lâu dài, đúng cam kết, đúng tiến độ; tập trung đầu tư các dự án thuộc các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt... Với ngư trường rộng lớn trên 11.000km2 và đường bờ biển dài 130km, tỉnh Quảng Ngãi có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch và kinh tế biển. Là một trong 5 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, nên Quảng Ngãi có lợi thế về nhiều mặt để trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh, tạo thế tiến ra biển nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Trong dịp Kỷ niệm 40 năm giải phóng Quảng Ngãi được tổ chức vào năm 2015, tỉnh Quảng Ngãi đã đưa ra những con số cho thấy bước phát triển vượt bậc từ sau ngày thống nhất đất nước đến nay: Từ sau đổi mới 1986, công nghiệp của toàn tỉnh có quy mô nhỏ, phải đi xin hỗ trợ, nhưng đến năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 23.636 tỷ đồng. Giai đoạn tăng tốc nhanh nhất là 2011-2016, giá trị sản xuất công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi tăng bình quân 4,9%/năm.
Ông Phạm Đình Khối , nguyên Quyền Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho biết, khi Quảng Ngãi thu ngân sách gần 28.000 tỷ vào năm 2013, mọi người đều nghĩ Quảng Ngãi đã có những bước tiến ngoài mong đợi. Nhưng cũng phải nhìn nhận khách quan rằng, có được những thành tựu trên là phải nhờ vào công nghiệp và từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất mới có được. Và cũng từ những cột mốc này mà mức thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đã đạt 2.509 USD/người (57,7 triệu đồng/người), nhiều gia đình từ nghèo trở thành khá, có đời sống phát triển.
Tỉnh Quảng Ngãi đã từng tổ chức phiên họp sơ kết và đưa ra những con số để đánh giá tốc độ phát triển của tỉnh: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 9,23% so với cùng kỳ năm 2018; sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt hơn 7.400 tỷ đồng, tăng 3,78%; sản xuất công nghiệp ước đạt hơn 58 nghìn tỷ đồng, tăng 16,6%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 245 triệu USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ.
Trong dịp về thăm và dự Lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Quảng Ngãi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chúng ta tự hào về sự phát triển của Quảng Ngãi thời gian qua. Từ nơi chịu nhiều hậu quả chiến tranh, đến nay, tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhất là sau khi Khu Kinh tế Dung Quất đi vào hoạt động. Tổng sản phẩm trên địa bàn gấp gần 20 lần so với cách đây 30 năm. Thu ngân sách đạt khoảng 20 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 1.227 lần. Đây không chỉ là con số ấn tượng mà còn là sự thay đổi cuộc sống của nhiều gia đình nghèo khó.
Thủ tướng đánh giá, Quảng Ngãi là vùng đất nổi tiếng địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng; là quê hương của nhiều danh nhân lịch sử, văn hóa, quân sự tiêu biểu, đặc biệt là nhà cách mạng, nhà văn hóa lớn là Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cùng nhiều danh nhân, tướng lĩnh khác.
Trong suốt chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc, nhân dân Quảng Ngãi một lòng theo Đảng, không quản hy sinh gian khổ, lập nhiều chiến công vang dội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp thống nhất đất nước.
Trong giai đoạn hiện nay, Đảng, Nhà nước kỳ vọng mỗi tỉnh, thành phố phải xác định rõ tầm nhìn, mục tiêu, sứ mệnh để đóng góp vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Với tầm nhìn và sứ mệnh đó, Thủ tướng đề nghị Quảng Ngãi thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó cần thực hiện tốt ba đột phá chiến lược là phát triển công nghiệp, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng công nghiệp và dịch vụ; lấy nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả bền vững là kim chỉ nam. Cùng với đó là đẩy mạnh tiến độ các dự án trên địa bàn như Dự án mở rộng Khu Kinh tế Dung Quất giai đoạn 2, đường ven biển Dung Quất-Sa Huỳnh, đường cao tốc, các dự án du lịch ven biển, cảng biển, hạ tầng Khu Kinh tế Dung Quất, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao.
Quan tâm phát triển lĩnh vực văn hóa, xã hội, quan tâm giáo dục và đào tạo, nhất là đào tạo nghề để cung cấp nhân lực có trình độ và tay nghề cho các ngành công nghiệp và dịch vụ, nhất là Khu Kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp.