Tại Trại rắn Đồng Tâm (xã Bình Đức, huyện Châu Thành, Tiền Giang), hiện có khoảng 200 con rắn hổ mang chúa bố mẹ và nhiều con non từ 3 tháng tuổi đến 1 năm. Trong đó, có 4 con rắn “khủng” nhất, nặng hơn 10kg.
Trung tá Vũ Ngọc Lương – bác sĩ chuyên khoa 1 – Phó giám đốc trại Đồng Tâm cho biết, trong số 4 con hổ mang “khủng”, có con hổ mang chúa lớn nhất đã 16 tuổi, nặng hơn 12kg và dài gần 4m. Do đã lớn tuổi nên hổ mang chúa ít hoạt động hơn, thường chỉ nằm một chỗ. Con rắn lớn thứ 2 hiện nay đã 14 tuổi, nặng gần 12kg và dài 3,5m. Nặng hơn 11 kg, dài 3,4 m, 13 tuổi là con rắn hổ chúa lớn thứ 3 và con thứ 4 nặng hơn 10kg, đã trên 10 năm tuổi.
Tại trại rắn Đồng Tâm (Tiền Giang) có 4 con rắn hổ mang chúa nặng hơn 10kg, từ 10 đến 16 năm tuổi.
Theo trung tá Lương, thức ăn của hổ mang chúa chủ yếu là rắn mối, cóc và các loài rắn khác. Mỗi tuần, các hổ mang chúa “khủng” này được cho ăn 2 lần, số lượng thức ăn bằng 20% trọng lượng cơ thể của chúng.
“Những con hổ mang chúa này là con “cưng” của trại vì hàng năm chúng cho lượng nọc độc rất lớn dùng để sản xuất huyết thanh và dược liệu. Do được nuôi từ nhỏ lại thường xuyên tiếp xúc với con người nên những con hổ mang chúa không hung dữ như cùng loại ở ngoài tự nhiên”, trung tá Lương nói.
Theo ghi nhận của PV, mỗi khi có người đến gần lồng, những con hổ mang chúa “khủng” dựng đầu, phùng mang và phát ra những tiếng thở phì phì khiến nhiều người phải giật mình.
“Tôi chưa thấy con rắn nào ở ngoài đời lớn như rắn này. Cũng có cảm giác sợ vì rắn to và có khả năng phun nọc độc nhưng cũng xen lẫn cảm giác thích thú”, anh Phạm Văn Long du khách tham quan nói.
Trung tá Lương cho biết, để đủ tiêu chuẩn lấy nọc độc thì rắn hổ mang chúa phải hơn 2 tuổi, nặng 2kg.
Trước đó, ở trại rắn Đồng Tâm có một con hổ mang chúa 18 tuổi, nặng 20kg do già yếu nên đã chết.
“Trong 18 năm, hổ mang chúa 18 tuổi cho nọc 72 lần với 72 ml, định kỳ 3 tháng lấy nọc 1 lần. Số nọc này sau khi xử lý thì thu được hơn 21 gram nọc tinh chất. Nếu đem số nọc độc này điều chế làm huyết thanh trị rắn cắn thì đủ dùng cho cả Việt Nam trong hơn 2 năm”, trung tá Lương nói.
Nói về con rắn hổ mang chúa nặng hơn 6kg, dài 3,1m do người dân Đồng Tháp bắt được và dùng thép khâu xuyên miệng hồi năm 2015, trung tá Lương cho biết, hiện sức khỏe con rắn này đã hồi phục bình thường. Tuy nhiên, do bị khâu thép xuyên miệng, hai răng nanh bị hư nên không thể lấy được nọc được nữa.
Theo trung tá Lương, hổ mang chúa được coi là vua của các loài rắn vì khả năng săn mồi cự phách. Riêng nọc độc của chúng có thể giết chết con người chỉ trong một thời gian ngắn. Hổ mang chúa còn được gọi là rắn hổ mây bởi tốc độ di chuyển rất nhanh, là loài rắn độc có trọng lượng, kích cỡ lớn nhất thế giới. Một con hổ mang chúa trưởng thành có thể tạo ra lượng nọc độc khoảng 400mg, trong đó 1mg nọc độc có thể giết đến 160 người trưởng thành. Một cú cắn của hổ mang chúa có thể giết chết cả động vật lớn như trâu bò và cả voi.
Hổ mang chúa là loài rắn độc dài nhất thế giới, với chiều dài lên tới 5,6m. Chúng sống chủ yếu ở Ấn Độ, Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.
Do đã lớn tuổi nên hổ mang chúa ít hoạt động hơn, thường chỉ nằm một chỗ. Thức ăn của loài rắn hổ mang chúa là cóc, rắn mối.
Con rắn lớn thứ 2 hiện nay đã 14 tuổi, nặng gần 12kg và dài 3,5m.
Nặng hơn 11 kg, dài 3,4 m, 13 tuổi là con rắn hổ chúa lớn thứ 3. Rắn có màu vàng nhạt. Mỗi khi thấy người đứng trước lồng, con rắn hổ này thở phì phì, khiến nhiều người không khỏi giật mình.
Hổ mang chúa còn được gọi là rắn hổ mây bởi tốc độ di chuyển rất nhanh, là loài rắn độc có trọng lượng, kích cỡ lớn nhất thế giới.
Một con hổ mang chúa trưởng thành có thể tạo ra lượng nọc độc khoảng 400mg, trong đó 1mg nọc độc có thể giết đến 160 người trưởng thành.
Con rắn lớn thứ 4 ở trại Đồng Tâm nặng hơn 10kg và đã trên 10 năm tuổi.