Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, đường Vành đai 1 đoạn Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái, đường vành đai 2 từ Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng… là những công trình giao thông ở Hà Nội được mong đợi đưa vào sử dụng trong 2016.
Cuối năm 2016 đưa vào khai thác thương mại tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông
Dự án đường sắt đô thị số 3 Cát Linh – Hà Đông (tuyến đường sắt trên cao hoàn thành đầu tiên ở Hà Nội) được chính thức khởi công từ 10/10/2011. Toàn tuyến có chiều dài khoảng 13,5km, đi hoàn toàn trên cao và chủ yếu chạy trên dải phân cách giữa 2 làn đường trục đường Hào Nam và đường Nguyễn Trãi.
Tuyến đường được thiết kế theo kiểu đường đôi, khổ 1.435m, điện khí hoá, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng theo quy phạm thiết kế Metro GB 5017-2003 của Trung Quốc, chịu được động đất cấp 8.
Tuyến có điểm khởi đầu đặt tại nhà ga Cát Linh (quận Đống Đa), điểm kết thúc tại ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông) gồm 12 ga đón tiễn khách (Cát Linh - La Thành - Thái Hà - Láng - Đại học Quốc gia - Vành đai III - Thanh Xuân III - Bến xe Hà Đông - Hà Đông - La Khê - Văn Khê - Bến xe Hà Đông mới) và khu Depo (trung tâm điều hành tuyến) tại phường Phú Lương, Q. Hà Đông.
Đoàn tàu gồm 6 toa hoặc 8 toa (khi lưu lượng giao thông tăng lên), có sức chở từ 2.028 hành khách đến 2.110 hành khách. Tốc độ tối đa là 80km/h, tốc độ lữ hành là 35km/h. Thời gian khai thác hàng ngày từ 5 -23 giờ, tần suất vận chuyển tối đa là 2 phút/chuyến.
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đường sắt, tính đến 31/12/2015, dự án đã hoàn thành các trụ cầu khu gian, đang tiến hành lao dầm và thi công 12 nhà ga. Cùng với tiến độ thi công trên, một toa tàu mẫu cũng đã được trưng bày lấy ý kiến người dân Thủ đô để chỉnh sửa trước khi hoàn thiện, đưa về Việt Nam chạy thử.
Theo kế hoạch được Bộ GTVT đưa ra, đến thời hạn tháng 6/2016, sẽ hoàn thành xong phần thô bao gồm hệ thống dầm, các nhà ga, sau đó mới tiến hành hoàn thiện.
Phần hoàn thiện này sẽ gồm nhiều hạng mục kỹ thuật cũng như trang trí, dự kiến mất thời gian khoảng 3 tháng. Tiếp đó, đến giai đoạn chạy thử khoảng 3 tháng nên phải cuối năm 2016 mới đưa vào sử dụng được. Hiện để đảm bảo tiến độ của dự án sẽ cố gắng đưa vào khai thác trong năm 2016, Bộ GTVT đang chỉ đạo quyết liệt các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công để đảm bảo tiến độ của dự án.
570m đường thi công hơn 10 năm sẽ hoàn thành trong năm 2016
Dài 570m, đường Vành đai 1 đoạn Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái (Hà Nội) được tăng gấp 3 lần kinh phí sau hơn 10 năm theo dự kiến trong năm 2016 này sẽ hoàn thành, thông xe và đưa vào sử dụng.
Dự án đường Vành đai 1 (đoạn Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái) có chiều dài 570 m, rộng 50 m, được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt vào cuối năm 2005 với tổng mức đầu tư là 383 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau nhiều năm chậm triển khai đến tháng 9/2014, mức đầu tư của dự án được điều chỉnh tăng gấp gần 3 lần tương đương số tiền 1.139 tỷ đồng.
Dự án có điểm đầu nối với ngã tư Lò Đúc - Trần Khát Chân, điểm cuối giao với đê Nguyễn Khoái. Để thực hiện dự án này, quận Hai Bà Trưng phải thu hồi 41.240 m2 đất tại 4 phường Đống Mác, Thanh Lương, Bạch Đằng, Thanh Nhàn, liên quan tới 670 hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng.
Sau khi hoàn thành, dự án được kỳ vọng sẽ thay thế cho đoạn đường rộng chưa đầy 10 m, thường xuyên xảy ra ùn tắc từ ngã tư Trần Khát Chân - Lò Đúc lên đê Nguyễn Khoái.
Theo kế hoạch, con đường này sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động cuối năm 2015, nhưng hiện đang gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng cho nên TP Hà Nội đang đốc thúc quận Hai Bà Trưng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ GPMB; tập trung giải quyết các tồn tại, vướng mắc, trả lời đơn thư kiến nghị của các hộ dân, vận động, thuyết phục người dân bàn giao đất, hoàn thành toàn bộ công tác GPMB trong tháng 12/2015 để lấy mặt bằng thi công.
Hiện tại các đơn vị thi công đang tập trung thi công tại những điểm đã được giải phóng mặt bằng. Dự kiến tuyến đường sẽ được thông xe vào giữa năm 2016 này.
Hoàn thành tuyến đường vành đai 2 từ Ngã Tư Vọng – Ngã Tư Sở
Dự án đường vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở-Ngã Tư Vọng có tổng mức đầu tư được duyệt là 2.560 tỷ đồng, dự kiến tổng giải ngân là 2.350 tỷ đồng, trong đó 2.000 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, 310 tỷ đồng để xây lắp và chi phí khác.
Tổng diện tích đất thu hồi phục vụ dự án này là hơn 116.800m2, trong đó gồm đất của 626 hộ dân, chiếm 24%, đất của 29 cơ quan chiếm 27%, đất giao thông công cộng chiếm 49%.
Căn cứ các kết luận, chỉ đạo của UBND TP, dự án đang được tổ chức thực hiện theo 2 đoạn tuyến gắn với tiến độ giải phóng mặt bằng thu hồi đất và kế hoạch đấu thầu được duyệt trên nguyên tắc có mặt bằng đến đâu tổ chức thi công đến đó; đồng thời phải duy trì, đảm bảo giao thông, vận hành thông suốt các hệ thống cấp điện, thông tin, chiếu sáng, cấp thoát nước… không làm ảnh hưởng đến tổ chức, hộ dân khu vực dự án.
Cụ thể đoạn Tôn Thất Tùng-Ngã Tư Vọng, UBND quận Đống Đa đã có kế hoạch hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 12/2015, riêng nút Ngã Tư Vọng hoàn thành quý 1/2016. Chủ đầu tư đã đôn đốc các nhà thầu thi công tập trung nhân lực, thiết bị, đẩy nhanh tiến độ trên toàn tuyến hoàn thành đoạn tuyến từ Tôn Thất Tùng đến Ngã Tư Vọng trong quý 1/2016.
Đoạn Tôn Thất Tùng-Ngã Tư Sở đến nay đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng, hiện còn 1/68 hộ dân, quận Thanh Xuân đã có kế hoạch thu hồi nốt trước ngày 15/12/2015. Tại địa bàn quận Đống Đa đã có kế hoạch hoàn thành giải phóng mặt bằng trong quý 2/2016, do qũy nhà tái định cư Nam Trung Yên dự kiến quý 1/2016 hoàn thành.
Trên tuyến này, đoạn từ ngã tư Tôn Thất Tùng đến Ngã Tư Vọng đã có một số đoạn hoàn thành và đưa vào sử dụng. Các đơn vị thi công cũng đang tập trung thi công những đoạn còn lại. Dự kiến trong năm 2016, đoạn từ Ngã Tư Vọng – Ngã Tư Sở sẽ hoàn thành.
Hoàn thành tuyến đường nút cổ chai Lê Trọng Tấn
Với mong muốn mở rộng tuyến đường được cho là nút cổ chai Lê Trọng Tấn. Sáng 9/1 vừa qua, Sở GTVT Hà Nội và Quân chủng Phòng không-Không quân (Bộ Quốc phòng) đã tổ chức lễ khởi công dự án xây dựng, mở rộng đường Lê Trọng Tấn, đoạn từ đường Tôn Thất Tùng kéo dài đến sông Lừ).
Dự án có chiều dài 1.511m, mặt cắt ngang tuyến đường 27-30m. Trên tuyến có cầu qua sông Lừ dài khoảng 30m, rộng 14m để kết nối với tuyến đường hai bên sông Lừ. Tổng mức đầu tư cho công trình giao thông này là hơn 224 tỷ đồng.
Khi triển khai thi công công trình sẽ kết hợp hạ ngầm toàn bộ các hệ thống đường dây, cáp (điện, thông tin liên lạc, viễn thông…) hiện đang đi nổi. Đồng thời một số hạng mục sẽ được thí điểm áp dụng mới cho công trình này như: hệ thống chiếu sáng trên tuyến sử dụng đèn LED tiết kiệm điện năng; hệ thống bó vỉa, vạch lát hè được sử dụng mẫu mới; cây xanh trên tuyến phù hợp với đường đô thị nhằm nâng cao chất lượng công trình, bảo đảm cảnh quan đô thị.
Việc giải phóng mặt bằng tuyến đường được lấy về phía đất của Bộ Quốc phòng đang quản lý (khoảng 2,5ha), vì vậy ít ảnh hưởng đến nhà đất của nhân dân trong khu vực đường Lê Trọng Tấn.
Theo kế hoạch, công trình giao thông "khủng" sẽ hoàn thành 1/2 mặt cắt đường phía thuộc đất quân đội trước Tết Nguyên đán 2016 để phục vụ nhân dân đi lại thuận tiện. 1/2 mặt cắt còn lại sẽ hoàn thành trước ngày 30/4. Sau khi hoàn thành tuyến đường này sẽ giúp cho việc đi lại của người dân được thuận tiện, an toàn hơn.