Theo các chuyên gia nuôi dạy trẻ, bố mẹ có thể rèn luyện trí thông minh cho trẻ không chỉ thông qua sách vở, học tập mà còn cả những trò chơi, hoạt động trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh không hề biết điều này và vô tình có những hành động gây ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của con. Cụ thể có 4 điều cực hại nhưng bố mẹ vẫn thường hay làm:
1. Không cho con nghịch ngợm
Trẻ nhỏ vốn có bản tính hiếu động và nghịch ngợm. Không ít lần, bố mẹ tỏ ra chán nản và phát cáu bởi con thường xuyên bày bừa, vẽ bậy lên tường, sàn nhà hoặc làm hỏng món đồ nào đó trong quá trình chơi đùa,... Nhiều người thẳng thừng cấm đoán con không được nghịch ngợm, thậm chí mắng mỏ và đánh đòn.
Điều này thực chất có thể ảnh hưởng đến trí thông minh của con. Bởi với trẻ nhỏ, nô đùa cũng chính là một quá trình, học hỏi, tự phát triển trí tuệ bản thân. Thông qua những hoạt động nô đùa, trẻ tự tìm tòi, khám phá ra điều mới, từ đó tăng vốn hiểu biết cho bản thân.
2. Bỏ qua những biểu hiện nhỏ ở con
Khi còn nhỏ, trẻ đôi khi chưa thể bày tỏ suy nghĩ của mình với cha mẹ và chỉ có thể bộc lộ qua những cơn khóc lóc, ăn vạ. Hầu hết cha mẹ đều cho rằng đó là những hành vi nũng nịu, mè nheo bình thường và bỏ qua việc tìm hiểu cảm xúc thực sự của con.
Theo các chuyên gia, nếu cha mẹ chú ý hơn đến cảm xúc, thay vì quát mắng con không được khóc thì sẽ có ích rất nhiều cho sự phát triển trí tuệ. Bởi khi đó, con sẽ cảm thấy được yêu thương, quan tâm nhiều hơn - đây chính là tiền để quan trọng để xây dựng cảm giác an toàn cho con. Cảm giác an toàn chính là yếu tố then chốt để con lớn lên tự tin, bản lĩnh trong cuộc sống sau này, từ đó tăng cao khả năng thành công trong tương lai.
Một nghiên cứu năm 2014 (do Lee Raby - nhà Tâm lý học, công tác tại Đại học Minnesota thực hiện) trên 243 người sinh trong gia đình nghèo cũng cho thấy sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ với con cái trong 3 năm đầu đời không chỉ giúp trẻ học tập tốt hơn khi nhỏ mà còn tạo dựng quan hệ tốt đẹp với mọi người và đạt trình độ học vấn cao hơn khi đã ngoài 30.
3. Không cho phép con làm sai
Không ít phụ huynh có thói quen áp đặt trí tuệ của mình lên trẻ nhỏ. Khi thấy con làm sai điều gì, bố mẹ bắt con phải làm lại cho đúng ý mình. Đây là điều không nên bởi độ tuổi của trẻ không thể hiểu biết hết mọi thứ như người lớn.
Trẻ có thể làm sai và được phép làm sai. Thay vì ép trẻ làm theo khuôn mẫu, bố mẹ nên khuyến khích trẻ phát triển trí tưởng tượng, óc sáng tạo. Việc bị bắt phải làm theo một tiêu chuẫn sẵn có sẽ mài mòn sự sáng tạo của trẻ. Khi trưởng thành, trẻ cũng sẽ rụt rè, nhút nhát hơn chúng bạn - đây đều là những điều cản trở thành công trong tương lai.
4. Không thể hiện tình yêu với con
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra lợi ích khi trẻ thường xuyên được bố mẹ thể hiện tình yêu thương. Theo đó, đứa trẻ thường xuyên được bố mẹ ôm ấp, tiếp xúc chân tay sẽ thông minh, khỏe mạnh, ngủ ngon và có cảm giác an toàn hơn.
Theo một số nghiên cứu, cha mẹ nên ôm con 3 lần mỗi ngày: Cái ôm đầu tiên vào sáng sớm, cái ôm thứ hai khi chiều tối và cái ôm thứ ba trước khi trẻ lên giường đi ngủ. Ôm chính là một cách để các bậc cha mẹ bày tỏ tình cảm với con cái, nói với con rằng bạn yêu thương, quan tâm đến con nhiều như nào. Tình yêu thương cảm nhận qua những cái ôm sẽ trở thành một phần quan trọng trong cuộc đời con trẻ, giúp con luôn cảm thấy hạnh phúc hơn, tạo tiền đề để thành công trong cuộc sống.
Và làm thế nào để biết trẻ có cảm nhận được tình yêu của mình dành cho con hay không, ngay bây giờ bạn hãy thử hỏi con câu này, chắc hẳn bố mẹ sẽ bất ngờ với câu trả lời của con.