Đây là nỗ lực của Bộ Thông tin và Truyền thông nhằm đảm bảo mọi thuê bao đều được quản lý chính xác, bảo vệ người dùng trước các rủi ro như lừa đảo hoặc tranh chấp thông tin.
Nếu thuộc 1 trong 4 trường hợp dưới đây, người dùng có thể bị khoá SIM và thu hồi số điện thoại.
1. Thông tin cá nhân không chính xác
Mọi thuê bao di động đều phải đăng ký thông tin cá nhân chính xác và đầy đủ. Đây là quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông. Các thông tin bắt buộc đăng ký kèm SIM điện thoại gồm tên, ngày sinh, số CMND/CCCD, địa chỉ liên lạc…
Nếu không đăng ký chính xác các thông tin này và cung cấp thông tin giả mạo hoặc không đầy đủ, các thuê bao sẽ bị khóa sim.
Sau một thời gian bị khoá, nếu chủ sở hữu của SIM đó vẫn tiếp tục không cập nhật thông tin, nhà mạng sẽ tiến hành thu hồi số điện thoại.
2. Thuê bao không hoạt động trong một thời gian dài
Đây là quy định chung của nhiều nhà mạng. Tuỳ theo nhà mạng cụ thể, các số điện thoại không phát sinh các hoạt động như gọi đi, nhắn tin đi, nạp tiền trong vòng 3 đến 6 tháng sẽ bị Khoá SIM và thu hồi số điện thoại.
Trước khi tiến hành khoá sim, thu hồi số, nhà mạng sẽ thông báo và yêu cầu người dùng kích hoạt lại thuê bao. Trường hợp người dùng không phản hồi trong thời gian quy định, sim sẽ bị khóa và nhà mạng sẽ tiến hành thu hồi số điện thoại.
3. SIM dùng trong hoạt động lừa đảo, vi phạm pháp luật
Các thuê bao bị phát hiện được sử dụng cho hành vi lừa đảo, vi phạm pháp luật, phát tán các thông tin sai lệch sẽ bị xử lý theo quy định.
Nhà mạng có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc điều tra, xử lý các chủ thuê bao có hành vi vi phạm pháp luật. Nhà mạng sẽ tiến hành khoá SIM và thu hồi số điện thoại.
Người sử dụng SIM điện thoại vào các hành vi lừa đảo, vi phạm pháp luật phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, chịu hình phạt pháp lý theo quy định.
4. Không cập nhật thông tin theo yêu cầu của nhà mạng
Đây là trường hợp người dùng không thực hiện cập nhật thông tin cho sim điện thoại theo yêu cầu của nhà mạng. Nhà mạng yêu cầu người dùng cập nhật thông tin cá nhân định kỳ như địa chỉ, số CMND/CCCD mới, ảnh chân dung... để đảm bảo rằng thông tin của người dùng luôn chính xác và phản ánh đúng tình trạng hiện tại của người sử dụng.
Trường hợp thông tin không được cập nhật theo yêu cầu, sim có thể bị khóa và số điện thoại sẽ bị thu hồi sau một thời gian.
Cách kiểm tra
Hiện nay, số điện thoại không chỉ là phương tiện liên lạc mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc xác minh danh tính cho các giao dịch ngân hàng, ví điện tử, mạng xã hội và nhiều nền tảng trực tuyến khác.
Khi số điện thoại bị khóa, thuê bao sẽ mất quyền truy cập vào các dịch vụ này, gây ra rắc rối không nhỏ, đặc biệt trong các trường hợp khẩn cấp. Để tránh rơi vào tình huống bị khóa sim hoặc mất quyền sở hữu số điện thoại, người dùng nên nhanh chóng thực hiện một số bước trước ngày 31/12/2024.
Trước hết, người dùng cần kiểm tra thông tin thuê bao xem đã chính xác và đầy đủ chưa, bằng cách soạn tin nhắn với nội dung:
-TTTB Sogiayto gửi 1414 (Số giấy tờ là số CCCD đã đăng ký thuê bao).
-Hoặc mang theo căn cước công dân gắn chip đến các cửa hàng hoặc điểm giao dịch chính thức của nhà mạng để được hỗ trợ chỉnh sửa thông tin.
Nếu thông tin chưa đầy đủ và chính xác, người dùng cần nhanh chóng có sử điều chỉnh. Nếu không tiện đến các cửa hàng thì một số nhà mạng hiện nay đã cung cấp tùy chọn cập nhật thông tin thuê bao trực tuyến.
Người dùng chỉ cần tải ứng dụng của nhà mạng, đăng nhập và làm theo hướng dẫn để cập nhật. Trong trường hợp sim hiện tại không thể chuẩn hóa, hãy cân nhắc đổi sang sim chính chủ mới với thông tin đầy đủ và hợp pháp.