Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

463 học sinh tỉnh Bình Phước được hưởng chế độ vùng đặc biệt khó khăn

(Dân sinh) - UBND tỉnh Bình Phước vừa ban hành quyết định công nhận 463 học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK), năm học 2020-2021 theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo đó, các em học sinh thuộc diện hưởng chế độ đang học tập từ lớp 8 đến lớp 12 và tập trung ở các huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Đăng, Bù Gia Mập. Đa số các em là người đồng bào dân tộc thiểu số như S'Tiêng, Khmer, Tày, Nùng... đang học tại các trường PTTH bán trú, nội trú.

Các em đều có nhà cách xa trường, em xa nhất 85km, gần nhất 7km. Một trường hợp đặc biệt là em Sùng A Trịnh (lớp 11A6), nhà ở thôn Giang Đông, xã Ea Đăh, huyện Krông Năng, Đắk Lắk đang theo học tại Trường THPT Phước Bình, thị xã Phước Long, Bình Phước, cách nhà 225km.

Để đến trường, các em phải lặn lội đường sá xa xôi, vượt sông, lội suối hay phải băng qua các vùng sạt lở đe dọa tính mạng.

Bình Phước: 463 học sinh được hưởng chế độ vùng đặc biệt khó khăn - Ảnh 1.

Các mạnh thường quân trao tặng quà cho các em học sinh ở vùng khó khăn của Bình Phước.

Việc hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở và gạo với mức hỗ trợ theo quy định của Chính phủ góp phần động viên kịp thời để các em vững bước trên hành trình tìm con chữ và nuôi dưỡng ước mơ.

Điều kiện học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ, đối với học sinh tiểu học và THCS phải bảo đảm một trong các điều kiện sau: Là học sinh bán trú đang học tại trường phổ thông dân tộc bán trú; là học sinh mà bản thân và bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại các xã, thôn ĐBKK đang học tại các trường tiểu học, THCS thuộc xã khu vực III, thôn ĐBKK vùng dân tộc và miền núi, các xã ĐBKKvùng bãi ngang ven biển và hải đảo; nhà ở xa trường khoảng cách từ 4km trở lên đối với học sinh tiểu học và từ 7km trở lên đối với học sinh THCS hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn (phải qua sông, suối không có cầu; qua đèo, núi cao; qua vùng sạt lở đất, đá).

Là học sinh mà bản thân và bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại xã khu vực III, thôn ĐBKK vùng dân tộc và miền núi đang học tại các trường tiểu học, trung học cơ sở thuộc xã khu vực II vùng dân tộc và miền núi, nhà ở xa trường hoặc địa hình cách trở giao thông đi lại khó khăn.

Bình Phước: 463 học sinh được hưởng chế độ vùng đặc biệt khó khăn - Ảnh 2.

Điều 5 Nghị định 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Đối với học sinh THPT là người dân tộc thiểu số, phải bảo đảm các điều kiện sau: Đang học tại trường THPT hoặc cấp THPT tại trường phổ thông có nhiều cấp học; bản thân và bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại xã khu vực III, thôn ĐBKK vùng dân tộc và miền núi, các xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; nhà ở xa trường khoảng cách từ 10km trở lên hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn phải qua sông, suối không có cầu, qua đèo, núi cao, qua vùng sạt lở đất, đá.

Đối với học sinh THPT là người dân tộc Kinh, ngoài các điều kiện quy định trên, còn phải là nhân khẩu trong gia đình thuộc hộ nghèo.

Học sinh thuộc đối tượng hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định này được hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở và gạo với mức hỗ trợ được quy định cụ thể tại Điều 5 Nghị định này.