Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 24/5 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 527.857.379 ca, trong đó có tổng cộng 6.301.116 người tử vong.
Sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều nước đang chủ động thích ứng tốt với làn sóng dịch mới này và đang đẩy nhanh quá trình trở lại cuộc sống trước đại dịch, coi COVID-19 như một loại bệnh lưu hành.
Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 498 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 23 triệu ca và trên 39.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.
Ngày 23/5, thế giới có 65 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới và 35 nước có người tử vong vì căn bệnh này, giảm mạnh so với cách đây vài tuần. So với mấy ngày gần đây, số ca mắc mới và tử vong vì đại dịch đang có xu thế tăng trở lại.
Số ca mắc bệnh tiếp tục xu thế giảm trên phạm vi toàn cầu, những vùng bệnh còn “nóng nhất” nằm ở châu Á-châu Mỹ. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nước thông báo sẽ nới lỏng hay thậm chí gỡ bỏ hoàn toàn các biến pháp phòng dịch nghiêm ngặt.
Trong 24 giờ qua, Triều Tiên tiếp tục là quốc gia ghi nhận số ca mắc mới cao nhất (với trên 167.000 ca), trong khi Áo là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với 252 ca.
Tính tới 23 giờ 59 phút ngày 23/5, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 42 ca tử vong. Trong ngày 23/5, Thái Lan có số ca mắc mới (trên 4.000 ca) cao nhất khu vực, trong khi nước này cũng ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (29 ca).
Nhìn chung, tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á tiếp tục thuyên giảm và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến dịch tại Indonesia, Thái Lan và Philippines vẫn căng thẳng hơn so với các nước khác.
Xét về tổng số ca mắc và tử vong từ đầu dịch tới nay, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Một ngày qua, hiệp hội ASEAN chỉ có ba quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Việt Nam và Thái Lan.
Trước những tiến bộ đạt được của vaccine và thuốc điều trị COVID-19 trong việc giảm nguy cơ bệnh diễn tiến nặng và tử vong, ngày càng nhiều nước trên thế giới dỡ bỏ các quy định phòng, chống dịch COVID-19 nhằm đưa cuộc sống trở lại bình thường trước khi đại dịch bùng phát.
Liên bang Micronesia (FSM) ở Thái Bình Dương, một trong những quốc gia cuối cùng trên thế giới đến nay chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 nào, đã lên kế hoạch mở cửa trở lại biên giới lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát. Trong khi đó, Quần đảo Marshall cũng tiến tới nới lỏng các biện pháp hạn chế.
Cụ thể, FSM sẽ mở cửa lại biên giới từ ngày 1/8. Khách nhập cảnh vào FSM sẽ phải trình chứng nhận đã hoàn thành liều cơ bản vaccine ngừa COVID-19 và xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Trong khi đó, Quần đảo Marshall nới lỏng quy định cách ly với người nhập cảnh kể từ tháng tới, có thể là từ 17 ngày xuống còn 10 ngày. Các chính phủ của hai đảo quốc Thái Bình Dương cho rằng đã đến lúc phải thay đổi chính sách kiểm soát biên giới nghiêm ngặt được áp dụng để phòng dịch COVID-19.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), FSM và Quần đảo Marshall là hai trong số 4 quốc đảo duy nhất ở Thái Bình Dương (cùng với Nauru và Tuvalu) đến nay chưa phát hiện ca mắc COVID-19 nào trong cộng đồng. Khu vực Thái Bình Dương cũng có 3 vùng lãnh thổ đến nay vẫn miễn nhiễm với COVID-19 gồm Tokelau (thuộc chủ quyền New Zealand), Quần đảo Pitcairn (thuộc Vương quốc Anh) và Niue.
Số ca mắc mới COVID-19 ghi nhận hằng ngày tại Hàn Quốc đã giảm xuống dưới ngưỡng 10.000 ca lần đầu tiên trong 4 tháng qua, trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron dần suy yếu dù nước này đã nới lỏng các biện pháp hạn chế được áp dụng để phòng chống dịch.
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc ngày 23/5 thông báo nước này ghi nhận 9.975 ca mắc mới COVID-19 - mức thấp nhất kể từ mức 8.570 ca ghi nhận vào cuối tháng 1/2022. Số bệnh nhân mắc COVID-19 nặng phải nhập viện điều trị cũng giảm 4 người so với một ngày trước đó, xuống còn 225 người. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp số bệnh nhân nặng tại Hàn Quốc ở ngưỡng 200.
Từ đầu tháng 5 này, Hàn Quốc đã nới lỏng hầu hết các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, trong đó có quy định đeo khẩu trang bắt buộc khi ở ngoài trời, trong bối cảnh số ca mắc mới có xu hướng giảm.
Trong những ngày qua, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 ở mức vài chục ca mỗi ngày, trong đó có các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Trước tình hình này, chính quyền thành phố đã quyết định đưa ra 4 biện pháp để tăng cường hơn nữa công tác phòng chống dịch bệnh, áp dụng từ ngày 22-28/5.
Số liệu thống kê cho thấy trong 24 giờ - từ 15h00 ngày 21/5 đến 15h00 ngày 22/5 theo giờ địa phương - tại thành phố Bắc Kinh có thêm 94 ca mắc COVID-19 (81 ca có triệu chứng và 13 ca không triệu chứng), trong đó 17 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính từ ngày 22/4 đến 15h00 ngày 22/5, tại Bắc Kinh có tổng cộng 1.493 ca mắc mới COVID-19 liên quan đến 15 quận.
Ngày 23/5, Giám đốc Trung tâm phòng và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) Rochelle Walensky đã phê chuẩn khuyến nghị của ủy ban cố vấn độc lập của CDC về miễn dịch về việc tiêm mũi thứ ba bằng vaccine của hãng Pfizer cho nhóm tuổi từ 5-11. Tuy nhiên, nhu cầu vaccine cho nhóm trẻ nhỏ hơn đang tăng lên tại Mỹ.
Bà Walensky cho biết nước Mỹ đang chứng kiến sự gia tăng số ca mắc COVID-19 theo ngày, trung bình lên tới 94.000 ca/ngày trong 7 ngày qua, bên cạnh 3.000 ca nhập viện và 275 ca tử vong mỗi ngày. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden cũng dự báo một làn sóng COVID-19 vào mùa Thu và Đông tới, khi tác động miễn dịch của các đợt tiêm vaccine hiện nay giảm dần. Dự báo có thể có 100 triệu ca nhiễm và số ca nhập viện và tử vong cũng sẽ tăng.
Trong khi đó, tạp chí New York ngày 22/5 cảnh báo một làn sóng lớn của dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra tại Mỹ do sự lây lan của các dòng phụ dễ lây nhiễm hơn của biến thể Omicron. Dữ liệu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố chỉ ra rằng ít nhất 86% người Mỹ hiện đang sống trong các cộng đồng có tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 cao, so với mức 72% của tuần trước và 57% của tuần trước đó.
Đại dịch COVID-19 “chắc chắn chưa kết thúc", mặc dù số ca mắc mới đã giảm đáng kể từ mức đỉnh của làn sóng dịch do biến thể Omicron lây lan. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra phát biểu trên ngày 22/5, đồng thời cảnh báo thế giới đang lơ là cảnh giác đối với đại dịch.
Phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) lần thứ 75 tại Geneva (Thuỵ Sĩ), Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh tình trạng giảm xét nghiệm và giải trình tự gene, cho rằng điều này chứng tỏ thế giới đang phớt lờ sự tiến hóa của virus SARS-CoV-2. Ông lưu ý rằng gần 1 tỷ người tại các quốc gia thu nhập thấp chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Trong một báo cáo hằng tuần về diễn biến dịch COVID-19 toàn cầu công bố ngày 19/5, WHO cho biết số ca mắc mới COVID-19 trên thế giới dường như đã ổn định sau nhiều tuần giảm kể từ cuối tháng 3 vừa qua, trong khi tổng số ca tử vong hằng tuần giảm. Mặc dù có sự tiến bộ với 60% dân số thế giới đã tiêm vaccine phòng COVID-19, song Tổng Giám đốc WHO cảnh báo đại dịch sẽ không kết thúc trên toàn cầu cho đến khi mọi nơi trên thế giới không còn ca mắc. Ông nêu rõ số ca mắc COVID-19 đang gia tăng tại gần 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong bối cảnh tỷ lệ xét nghiệm đã giảm mạnh.
Theo người đứng đầu WHO, số ca tử vong do COVID-19 đang gia tăng tại châu Phi, khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất, trong khi chỉ có 57 quốc gia - hầu hết là những nước giàu - có tỷ lệ bao phủ vaccine 70% dân số. Ông nói rõ trong khi nguồn cung vaccine trên thế giới đã được cải thiện, một số quốc gia "chưa có đủ cam kết chính trị đối với việc triển khai tiêm chủng". Tổng Giám đốc WHO nhận định "có tình trạng chần chừ trong việc tiêm vaccine do các thông tin gây hiểu lầm và thông tin sai lệch". Ông nhấn mạnh "đại dịch sẽ không biến mất một cách thần kỳ, nhưng chúng ta có thể chấm dứt đại dịch".