Từ xưa, sách vẫn luôn là kho tàng tri thức của nhân loại để con người học hỏi và tích lũy kinh nghiệm. Khai thác khía cạnh đề tài nông nghiệp, có rất nhiều cuốn hay giúp truyền cảm hứng, bổ sung kiến thức cho những người muốn tìm hiểu và khám phá nền nông nghiệp tự nhiên, thân thiện và sáng tạo. Dưới đây là 5 cuốn sách mà bạn đọc có thể tham khảo.
Cuộc cách mạng một cọng rơm - Masanobu Fukuoka
"Mục đích tối thượng của việc làm nông không phải là trồng cây mà là sự tu dưỡng và hoàn thiện con người". Đây là câu trích dẫn nổi tiếng được nhiều người yêu thích trong cuốn sách "Cuộc cách mạng một cọng rơm" của lão nông Nhật Bản - Masanobu Fukuoka. Ông được coi là ông tổ của nền nông nghiệp thuận tự nhiên.
Cuốn sách chứa đựng những trải nghiệm thực tế của lão nông về cách thức làm nông nghiệp tương tác hài hòa với môi trường, sinh vật sống trên Trái Đất như côn trùng, sâu bọ, cỏ, lúa, cây cối... Đó là kết quả của hàng thập kỷ theo đuổi triết lý nông nghiệp tự nhiên, là câu chuyện cuộc đời của Fukuoka.
Ông đã từ bỏ công việc của một nhà khoa học, trở về quê nhà, bắt đầu nghề nông giữa đất trời và gắn bó với nông trại. Suốt đời làm nông, Fukuoka không dùng phân hóa học hay phân ủ, không làm cỏ bằng việc cày xới hay dùng thuốc diệt cỏ... Trái lại với sự hoài nghi của hàng triệu nông dân cần mẫn đầu tắt mặt tối cải tạo đất đai và diệt sâu trừ cỏ, nông trại của ông vẫn đạt sản lượng vượt trội.
Với Fukuoka, việc trở thành nông dân không phải là để chinh phục tự nhiên mà để học từ tự nhiên và vay mượn lương thực cho mình, rồi phải trả lại cho nó cơ hội phát triển tiếp. Cuốn sách giúp con người hiểu hơn về lối sống hòa hợp với thiên nhiên.
Những bài học từ thiên nhiên - Shimpei Murakami
Trong nông nghiệp, có nhiều kiến thức chúng ta cần tìm hiểu sâu kỹ như đất và nước, tại sao các loài sâu hại và dịch bệnh lại xuất hiện, lạm dụng hóa chất có tác động xấu đến quy trình nông nghiệp như thế nào, nông nghiệp sinh thái là gì... Những câu hỏi này sẽ được lý giải một cách cụ thể và rõ ràng trong cuốn "Những bài học từ thiên nhiên" (Lessons from Nature) của tác giả Shimpei Murakami.
Theo đó, Shimpei Murakami kêu gọi người nông dân chuyển hướng canh tác hóa học sang canh tác sinh thái thuận tự nhiên. Ông từng đi và quan sát thực tế tại nhiều vùng nhiệt đới như Bangladesh, Nhật Bản... để đúc kết ra những kiến thức bổ ích về nông nghiệp sinh thái.
"Những bài học từ thiên nhiên" (Lessons from Nature) được viết nhằm hai mục đích: giúp cho dân chúng hiểu nông nghiệp là thế nào theo quan điểm tự nhiên, và chia sẻ kinh nghiệm của tác giả trong thực hành nông nghiệp sinh thái tại vùng Bangladesh. Những kinh nghiệm lao động của Murakami ở Nhật Bản và 3 năm ở trại sinh thái Proshika được đưa vào cuốn sách làm minh chứng thực tế. Đồng thời, ông cũng giải thích tỉ mỉ các nguyên lý sinh thái trong từng biện pháp.
Tâm tình với đất mẹ - Thích Nhất Hạnh
Tác phẩm của thiền sư Thích Nhất Hạnh mang đến góc nhìn mới mẻ về môi trường sống của con người. Ở đó, mỗi người cần thấy được trách nhiệm và mối tương quan của mình với Trái Đất - nơi ông gọi bằng một cái tên trìu mến là: mẹ Đất. Trong góc nhìn này, Thích Nhất Hạnh chỉ ra, vũ trụ là một quần thể có mối liên hệ mật thiết với nhau, với mẹ Đất, cha Mặt trời, dì Trăng.
Ông cũng cho biết, đất là món quà vô giá mà mẹ thiên nhiên ban tặng cho con người. Tuy nhiên, con người đã thiếu đi sự tôn trọng đất đai bằng việc canh tác không đúng cách khiến đất trở nên bạc màu, cằn cỗi, sâu bệnh hại phát triển. Cuốn sách giúp con người suy nghĩ thấu đáo, quay về xây dựng lại mối quan hệ bền vững hơn với đất.
Vượt lên trên ý niệm về môi trường, Thích Nhất Hạnh còn đưa đến cho người đọc thông điệp thiêng liêng hơn, đó là trách nhiệm và sự biết ơn đối với cội nguồn.
Câu chuyện khu vườn Findhorn - Cộng đồng Findhorn
Findhorn là tên gọi một cộng đồng của những người làm vườn với tinh thần thiên nhiên, được thành lập năm 1962. Với họ, làm vườn không phải là nghề sinh tồn, thú ăn chơi, đam mê, nghệ thuật, phương tiện tĩnh tâm, mà còn là để con người trở về với nguồn cội, với nền tảng của mình. Ngày nay, cộng đồng này đã lên tới hàng trăm người, sống trong ngôi làng sinh thái với khu nhà làm bằng các vật liệu thân thiện môi trường. Họ canh tác tại các khu vườn lớn, cung cấp lương thực và phục vụ nghiên cứu tự nhiên.
Cuốn sách mở mang suy nghĩ và trí tưởng tượng trong mỗi con người, dẫn họ đến với vẻ đẹp của thiên nhiên cùng mối quan hệ tương hỗ sôi động của đời sống. Đây cũng là động lực để bạn đọc xây dựng và phát triển một khu vườn dành riêng cho mình, nơi sức sáng tạo và sự hài hòa với thiên nhiên được rộng mở.
Con đường thoát hạn - Seith M. Siegel
Khác với nhiều nơi trên thế giới, Israel không có hệ thống sông ngòi rộng lớn hay khí hậu nhiệt đới, thay vào đó là hơn 60% diện tích bao phủ bởi cát. Người dân nơi đây phải phát triển các hoạt động nông nghiệp trên những mảnh đất sa mạc hoang hóa, do vậy, nước là yếu tố thiết yếu. Vượt lên những khó khăn đó, Israel trở thành một trong những quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất thế giới hiện nay.
Họ đã khiến những sa mạc phải "nở hoa", xuất khẩu nông sản cùng công nghệ tưới tiêu đi khắp thế giới. Cuộc chuyển mình thần kỳ đó được kể lại đầy ấn tượng trong cuốn sách "Con đường thoát hạn" của tác giả Seth M. Siegel.
Bằng những nghiên cứu tỉ mỉ với hàng trăm cuộc phỏng vấn, Siegel đã mô tả sinh động cách Israel đã vượt qua các cuộc khủng hoảng về nước, biến bất lợi thành lợi thế, đồng thời hỗ trợ các quốc gia khác trong việc xử lý và bảo tồn nguồn nước. "Con đường thoát hạn" hé lộ những phương thức và kỹ thuật của nhiều nhà phát minh kiệt xuất Israel.
Theo Như Quỳnh /Vnexpess.net