Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

5 kỷ lục Việt Nam về Truyện Kiều

Vào năm 1965, đúng dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du, ông đã được Hội đồng hòa bình thế giới tôn vinh. Kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 37 (tháng 11/2013) của UNESCO - Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hoá của Liên hiệp quốc chính thức ra nghị quyết vinh danh đại thi hào Nguyễn Du là Danh nhân Văn hóa thế giới.

 

Kiệt tác “Truyện Kiều” của Nguyễn Du gồm 3254 câu thơ lục bát, dựa theo cốt truyện bằng chữ Hán "Kim Vân Kiều Truyện" của Thanh Tâm Tài Nhân. “Truyện Kiều” đã chinh phục bao thế hệ công chúng hơn 200 năm qua. Các nhân vật của "Truyện Kiều" đều có một sức sống mãnh liệt. Từ giới chuyên môn đến những người dân bình thường, rất nhiều người thuộc Kiều, tập Kiều, vịnh Kiều, bói Kiều, lẩy Kiều… "Truyện Kiều" của Việt Nam đã vượt ra ngoài biên giới đến với độc giả nhiều nước trên thế giới.

Truyện Kiều của Nguyễn Du

 

Trong năm 2015, với sự đề cử của Nhà nghiên cứu Phạm Đan Quế, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam chính thức công bố 5 kỷ lục Việt Nam của “Truyện Kiều”. Với số lượng 26 kỷ lục quốc gia và con số này vẫn chưa dừng lại, “Truyện Kiều” của Nguyễn Du được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đề cử lên Liên minh Kỷ lục Thế giới  xác lập kỷ lục thế giới: “Tác phẩm văn học tạo nên nhiều kỷ lục quốc gia nhất”.

Tiếp tục xác lập 5 Kỷ lục Việt Nam cho Truyện Kiều (Nguyễn Du)

1. Thi phẩm đã đưa tác giả lên hàng Danh nhân Văn hoá Thế giới

Kiệt tác “Truyện Kiều” đã tạo nên một nền văn hóa với hàng chục loại hình. Với ngòi bút nghệ thuật tuyệt vời của Nguyễn Du đã làm nên giá trị căn bản và trường tồn, đóng góp một phần vô cùng quan trọng vào việc làm cho tiếng Việt ngày càng trong sáng và mỹ lệ, để tiếng Việt trở thành một ngôn ngữ có thể sánh với bất kỳ ngôn ngữ hay và đẹp nào trên thế giới. Có thể nói chính “Truyện Kiều” là tác phẩm đã đưa Nguyễn Du trở thành Đại thi hào dân tộc và Danh nhân văn hoá thế giới.

Tượng  đài Đại Thi Hào Nguyễn Du

 

2. Quyển truyện thơ duy nhất không viết ra để bói mà được nhân dân dùng để bói, tạo nên hiện tượng bói Kiều.

Đình Nguyên tiến sĩ Đào Nguyên Phổ năm 1898 đã từng nhận xét: “Sao mà lại có văn hay làm say người đến thế? Còn một điều tôi lấy làm lạ hơn nữa là người đời dùng để bói, thì thấy ứng nghiệm như thần mà xem, tựa linh kinh Quỷ Cốc, là bởi làm sao?... Vì sao “Truyện Kiều” lại có thể làm say mê mọi người đến vậy?”

3. Quyển sách tạo ra hiện tượng độc đáo “Vịnh Kiều”

Quyển sách tạo nên hiện tượng gọi là VỊNH KIỀU với hàng chục ngàn bài thơ vịnh Kiều đã từng được đăng báo hoặc in sách. Từ các vị vua say mê “Truyện Kiều”như Minh Mệnh, Tự Đức đến các nhà nho như Phạm Quý Thích, Hà Tôn Quyền, Nguyễn Công Trứ, Tôn Thọ Tường, Phan Văn Trị, Chu Mạnh Trinh, Tản Đà... Vịnh Kiều chính là làm thơ về Truyện Kiều, về các nhân vật trong truyện hoặc theo diễn biến của từng hồi, từng đoạn trong truyện. Qua đó các tác giả nói lên cảm nghĩ, bày tỏ thái độ với nhân tình thế thái trước một cảnh tình, một nhân vật trong truyện hay trước một thực tế có liên quan. Hiện đã có 5 quyển Thơ Vịnh Kiều với hàng ngàn trang được in ra trong hai thế kỷ qua với mấy ngàn bài đủ thể loại.

Các tác phẩm nghiên cứu của Nhà nghiên cứu Phạm Đan Quế

 

4. Quyển sách tạo ra hiện tượng độc đáo “Lẩy Kiều”

Trước nhiều tình huống trong cuộc sống hàng ngày, khi gặp một điều gì muốn nói, người ta thường mượn một đôi câu Kiều cũng như đã mượn những câu ca dao, tục ngữ để diễn đạt, phát biểu lên ý nghĩ của mình. Cách nói ấy vừa gọn lại vừa vui, lắm lúc văn hoa mà thật là hợp cảnh. LẨY KIỀU thực ra là trích dẫn một vài câu trong “Truyện Kiều”để đưa vào câu nói, bài viết của mình cho văn vẻ, lại khéo léo diễn tả được tâm ý của mình chỉ bằng vài chữ hay vài câu Kiều. Không chỉ người dân thường lẩy Kiều, các nhà văn nhà thơ Lẩy Kiều làm tựa đề sách, các nhà chính trị cũng thường xuyên lẩy Kiều để thay lời muốn nói.

Nhà nghiên cứu Phạm Đan Quế

5. Tác phẩm tạo ra nhiều câu đố nhất

“Truyện Kiều” càng được đông đảo người đọc say mê thì thuộc Kiều cũng là niềm tự hào của nhiều người. Họ đố nhau xem ai thuộc kỹ cuốn truyện, nghĩa của từng chữ, tình ý của từng câu. Lại còn đố nhau về vị trí của chữ này, số lượng của chữ kia trong toàn bộ Truyện Kiều... Đã có tới hàng trăm câu đố Kiều đủ loại trên sách báo và bốn quyển sách viết về đố Kiều.